Cà Mau trên hành trình đô thị hóa

Cà Mau trên hành trình đô thị hóa
7 giờ trướcBài gốc
Hiện tại, khu vực tỉnh Cà Mau (cũ) có 22 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa từ 30,47% năm 2022 lên 33,04% vào năm 2024. Kết quả này cao hơn tỷ lệ đô thị hóa trung bình vùng đồng bằng sông Cửu Long (khoảng 32%), song thấp hơn tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc (trên 44%).
Chuyển biến kết cấu hạ tầng xã hội
Ông Dư Minh Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết, hầu hết các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được quy hoạch theo định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững theo xu thế chung; các khu chức năng, khu vực có vị trí, cảnh quan môi trường chiến lược, có giá trị cao được ưu tiên quy hoạch để thu hút đầu tư. Nhiều đồ án quy hoạch chi tiết có chất lượng, làm cơ sở cho việc đầu tư các công trình kiến trúc công cộng và dân dụng, hệ thống kết cấu hạ tầng, các công trình văn hóa, thể thao, du lịch...
Điều nhìn thấy rõ nhất trong phát triển đô thị là sự đầu tư mạnh về kết cấu hạ tầng xã hội ở nhiều lĩnh vực. Các công trình dịch vụ công cộng và nhà ở ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng và điều kiện sống; các công trình y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí... của người dân.
Đô thị tại các phường: An Xuyên, Tân Thành, Lý Văn Lâm, Hòa Thành là trung tâm của tỉnh, cũng là trung tâm tiểu vùng khu vực bán đảo Cà Mau.
Từ điều kiện tự nhiên, hệ thống đô thị trung tâm tỉnh (hiện thuộc các phường: An Xuyên, Tân Thành, Lý Văn Lâm…) được định hướng phát triển đa dạng, phù hợp với vùng sinh thái đặc trưng, thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò là trung tâm tiểu vùng ven biển tại khu vực bán đảo Cà Mau, là trung tâm năng lượng và dịch vụ dầu khí quốc gia, trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái, trung tâm chế biến thủy sản của vùng.
Phía bờ Tây, đô thị xã Sông Đốc là trung tâm kinh tế - xã hội vùng ven biển, là đô thị đặc trưng vùng sông nước và là trung tâm dịch vụ du lịch biển. Đô thị xã Năm Căn là trung tâm dịch vụ du lịch sinh thái rừng ngập mặn, trung tâm thương mại - dịch vụ phía Nam, mang bản sắc đặc thù sông nước và hiện đại; nhất là khi tới đây hình thành các dự án lớn trên địa bàn của tỉnh, hướng mạnh ra biển Đông thì đô thị Năm Căn sẽ là trục phát triển với Sông Đốc, Gành Hào, Hòn Khoai.
Nhận diện trở ngại
Những thay đổi nhanh của sự phát triển đô thị đã thấy rõ; song nhìn thực tế chung thì chất lượng đô thị còn thấp. Mạng lưới giao thông, thoát nước trong các đô thị phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa hiện trạng công trình đã có và công trình xây dựng mới; tổng thể hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, phát triển chậm hơn so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị bước đầu được quan tâm nhưng còn một số tồn tại, bất hợp lý như: thiếu diện tích cây xanh; công trình dịch vụ công cộng chưa được đầu tư đầy đủ; kiến trúc công trình, không gian cảnh quan đô thị còn phát triển tự phát...
Nguồn lực đầu tư còn quá hạn chế, không đáp ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể, nhu cầu tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị khoảng trên 106.773 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2023-2025 khoảng trên 33.801 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng hơn 72.972 tỷ đồng. Song trên thực tế, giai đoạn 2022-2024, tổng vốn đầu tư phát triển đô thị được bố trí khá khiêm tốn, chỉ trên 7.740 tỷ đồng, được huy động từ các nguồn vốn khác nhau.
Phát huy lợi thế, việc phát triển đô thị ven biển ở Cà Mau luôn gắn với chiến lược đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới. (Ảnh: Đô thị xã Sông Đốc).
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Từ những bài học thực tiễn được rút ra, nhận diện trở ngại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu, trong thời gian tới cần tập trung củng cố và nâng cao chất lượng phát triển đô thị tại các khu vực có vai trò động lực lan tỏa tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu tại các đô thị động lực với hạ tầng đồng bộ, dẫn dắt quá trình chuyển đổi nền kinh tế số và phát triển các dịch vụ có giá trị gia tăng, tính cạnh tranh cao; chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với đặc điểm và lợi thế cạnh tranh của từng đô thị.
Phát huy lợi thế sau hợp nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng cần khai thác sử dụng không gian ven biển hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo quốc phòng - an ninh trong quy hoạch và mở rộng không gian đô thị. Việc lồng ghép các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và nghị quyết Đảng bộ các cấp, chương trình phát triển đô thị và các dự án đầu tư phát triển đô thị được xem là mục tiêu phát triển bền vững của hệ thống đô thị ven biển,…Kỳ vọng bức tranh đô thị Cà Mau với không gian rộng mở sẽ phát triển mạnh mẽ, xứng tầm vị thế địa đầu phía Nam của Tổ quốc.
Trần Nguyên
Nguồn Cà Mau : https://baocamau.vn/ca-mau-tren-hanh-trinh-do-thi-hoa-a120770.html