Điểm tái định cư bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Chia sẻ khó khăn, ổn định cuộc sống
Trước năm 2006, Cà Nàng chỉ cách trung tâm huyện 7 km. Thực hiện cuộc đại di dân tái định cư thủy điện Sơn La, trung tâm huyện Quỳnh Nhai chuyển về xã Mường Giàng (nay là thị trấn Mường Giàng), nên Cà Nàng trở thành xã xa trung tâm huyện nhất. Cùng với đó, từ năm 2006-2009, gần 400 hộ của xã Cà Nàng phải di vén lên cao khỏi cốt ngập 218, nên nhân dân không còn ruộng, nương sản xuất, phải khai phá, trồng lại từ đầu.
Ông Lò Văn Chới, 73 tuổi, bản Cà Nàng, nhớ lại: Khi di chuyển lên cao, cánh đồng của bản bị ngập, bà con cải tạo lại các mảnh nương ven suối, dẫn nước về làm ruộng trồng lúa. Những mảnh nương trước đây bỏ hoang, được khai phá lại để trồng ngô, sắn. Bà con cùng nỗ lực để có cuộc sống ổn định, tốt hơn.
Giờ đây, di chuyển từ trung tâm huyện Quỳnh Nhai về xã Cà Nàng, có 2 cách, đi thuyền từ bến Pá Uôn hoặc đi theo quốc lộ 279 rồi rẽ vào đường tỉnh 107, đi qua xã Pá Ma Pha Khinh, Mường Chiên, với cung đường quanh co, nhiều đoạn dốc dài phải mất hơn 3 tiếng. Vì vậy, việc giao thương hàng hóa không thuận lợi. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 20%.
Cánh đồng lúa của xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Ông Lò Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng (giai đoạn 2006-2011), hồi tưởng: Khi mới bắt đầu di vén lên khỏi vùng ngập, cuộc sống của bà con trong xã rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bà con được hỗ trợ từ các chính sách tái định cư, nhất là cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện lưới, trường học, trạm xá. Cuộc sống bắt đầu được định hình, ổn định dần, nhân dân yên tâm với cuộc sống mới.
Gần 20 năm qua, bà con ở các bản không phải di chuyển khỏi cốt ngập đã “nhường cơm, sẻ áo”, san sẻ những khó khăn, vất vả với bà con tái định cư. Nhân dân xã Cà Nàng đoàn kết, chung tay gây dựng cuộc sống ngày càng ổn định.
Mở lối phát triển kinh tế
Sau 5 năm trở lại Cà Nàng, cảm nhận diện mạo và đời sống nhân dân đổi thay rõ rệt, những con đường nông thôn được đổ bê tông, nối dài gắn kết bản với bản, trụ sở xã, trường học và nhiều ngôi nhà của nhân dân được xây dựng khang trang.
Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, chúng tôi được nghe kể nhiều về cách làm kinh tế của người dân với đa dạng mô hình. Tiêu biểu là mô hình đưa cây dược liệu thiên niên kiện về trồng dưới tán rừng.
Mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng của Hợp tác xã Nhân Thuận, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Minh chứng cho lời kể, Chủ tịch UBND xã Cam Văn Chưn dẫn chúng tôi vượt con dốc dài đến khu rừng khoanh nuôi cây dược liệu thuộc bản Pạ Lò. Dưới tán rừng, cây thiên niên kiện phát triển tươi tốt, Chủ tịch UBND xã giới thiệu: Đây là một trong những khu trồng thiên niên kiện dưới tán rừng của Hợp tác xã Nhân Thuận, cũng là mô hình trồng dược liệu đầu tiên của xã Cà Nàng. Với hơn 10.000 ha rừng giao cho người dân khoanh nuôi bảo vệ, trồng dược liệu dưới tán rừng là mô hình kinh tế phù hợp, giúp bà con tận dụng được đất rừng để sản xuất, kết hợp bảo vệ rừng và tăng thu nhập.
Anh Lò Văn Châư, bản Pạ Lò, là người đầu tiên đưa cây thiên niên kiện về trồng, cũng là người sáng lập và là Giám đốc Hợp tác xã Nhân Thuận, chia sẻ: Ban đầu, tôi trồng 7 ha thiên niên kiện, sau 3 năm cho thu hoạch 30 tấn củ tươi, bán được giá 5.500 - 6.000 đồng/kg. Thấy loại dược liệu này dễ trồng, dễ chăm sóc, đầu ra ổn định, cung không đủ cầu, nên tôi tuyên truyền, vận động một số hộ trong bản thành lập HTX, đăng ký trồng thiên niên kiện. Đến nay, phát triển lên 50 ha. Hiện nay, HTX đang tích cực gây giống, cung cấp cho bà con, mục tiêu phát triển thêm 100 ha trong năm 2026.
Ngoài ra, Hợp tác xã Nhân Thuận còn triển khai mô hình nuôi ba ba gai với quy mô 2.000 con. Đây là mô hình điểm để nhân rộng cho bà con phát triển. Cùng với đó, trong xã còn có nhiều mô hình kinh tế khởi sắc, như: Bảo tồn giống lúa nếp pỏm, trồng trám đen, nuôi vịt cổ xanh... đang được nhân rộng ở Cà Nàng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Mô hình nuôi ba ba gai tại xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Ông Cam Văn Chưn, Chủ tịch UBND xã Cà Nàng, thông tin thêm: Gần 20 năm di vén, giờ đây, bà con trong xã duy trì trên 600 ha cây trồng trên nương; tích cực nuôi trên 5.500 con gia súc, 72 lồng cá làm hàng hóa. Niềm vui lớn nhất là thu nhập bình quân của bà con đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 6,6%.
Nỗ lực xây dựng nông thôn mới
Qua rà soát năm 2021, xã Cà Nàng mới đạt 4/19 tiêu chí nông thôn mới. Cấp ủy, chính quyền xã Cà Nàng đã triển khai những giải pháp cụ thể, quyết tâm cao, tích cực tuyên truyền, vận động sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Ông Điêu Chính Hải, Bí thư Đảng ủy xã Cà Nàng, cho biết: Để đạt được mục tiêu xây dựng NTM, xã xác định tranh thủ nguồn vốn của Nhà nước cùng với huy động nội lực trong nhân dân để thực hiện những phần việc khó, nhất là cứng hóa các tuyến đường giao thông nông thôn. Sau khi tích cực tuyên truyền, bà con hiểu rõ ý nghĩa, lợi ích được hưởng từ chương trình xây dựng NTM, nên đồng thuận và tích cực hưởng ứng.
Giờ học của điểm trường mầm non bản Phát, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.
Từ năm 2021 đến nay, Cà Nàng được đầu tư hơn 27,7 tỷ đồng thực hiện xây dựng NTM, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng; cứng hóa gần 13 km đường bê tông nội bản, hơn 18 km đường nội đồng; sửa chữa, nâng cấp 16 công trình thủy lợi, 7 nhà văn hóa, 6 công trình nước sinh hoạt. Đến nay, 100% tuyến đường xã, hơn 90% tuyến đường nội bản đã được cứng hóa, đảm bảo cho nhân dân đi lại thuận tiện bốn mùa. Hiện nay, còn hơn 2 km đường nội bản cần được cứng hóa, bà con đồng thuận đóng góp công sức, vật liệu và đối ứng, chờ hỗ trợ xi măng từ nguồn vốn của Nhà nước để hoàn thiện nốt tuyến đường này trong năm nay.
Kinh tế phát triển, diện mạo nông thôn mới khởi sắc, lĩnh vực y tế, giáo dục được quan tâm, đầu tư. Là xã vùng sâu của huyện, nhưng 2 trường học của xã Cà Nàng đều đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Xã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Tỷ lệ người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt gần 90%...
Cuối năm 2024, xã Cà Nàng được công nhận đạt chuẩn NTM, đó là minh chứng cụ thể cho sự vươn lên, nỗ lực đổi thay của người dân nơi đây. Bà con đã kiên trì bám đất, bám bản, đồng thuận, đoàn kết, chung sức xây dựng cuộc sống tốt đẹp trên chính mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: Thanh Đào