Bà bầu chỉ thèm mắm tôm
Mỗi lần mang thai, chị Lê Thị Hường (27 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) đều nghén “lên bờ xuống ruộng” với đủ kiểu không giống ai.
Từ tuần thứ 7 thai kỳ, chị Hường nghén nặng đặc biệt từ 14h, bắt đầu buồn nôn, nôn khan. Ngửi thấy mùi gì, bà bầu cũng sợ nhưng lại nghiện mùi mắm tôm.
Mỗi bữa ăn, cả nhà dùng cơm còn chị Hường ôm bát mắm tôm hít hà và cảm thấy sảng khoái, thích ăn cơm chan mắm tôm. Thậm chí, nửa đêm, khi cả nhà đi ngủ, chị lại lích kích bật bếp chưng mắm tôm lên ăn.
“Cả gia đình sợ lắm, mỗi lần tôi chưng mắm dù bật hút mùi chế độ cao nhất, cả căn nhà vẫn bốc mùi nồng nặc. Nhưng vì tôi đang nghén nên ai cũng nhịn, không phàn nàn”, bà mẹ trẻ nói.
Trong khi đó, từ đầu thai kỳ, chị Khánh Vân (31 tuổi, trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Từ tuần thai thứ 8 trở đi, chị bắt đầu vật vã những món ăn như khế chua. Thời điểm chị nghén nhiều nhất thì miền Bắc vừa trải qua cơn bão số 3 nên khó mua loại quả này.
“Mẹ chồng tôi đi 2-3 chợ quanh nhà cũng chỉ mua được 1-2 quả non, ăn không đã. Bà còn nhờ người quen gửi từ tận Quảng Bình ra bằng đường bưu điện. Khi tới nhà, 2/3 số khế đã dập, mốc không ăn được. Chồng tôi còn bảo khế chua khó mua hơn cua hoàng đế”, chị Vân kể lại.
Sau khi chào đời, con của chị Vân khi ở nhà được mọi người gọi là bé Khế.
Chị Nguyễn Mai Lan (Bình Dương) nói đến nghén lại ôm bụng cười rũ rượi vì người phụ nữ này thèm đất sét. Gần nhà chị Lan có xưởng làm gốm, bình thường chị thấy thích mùi đất sét. Khi mang thai càng thích hít hà mùi này hơn. Khi công nhân chở đất, chị Lan lấy một ít về ban đầu để ngửi nhưng đất khô sờ thấy bở như khoai nên thử không thấy tanh mà còn ngon. Lo sợ ăn đất sét không tốt cho sức khỏe chị cố gắng kìm nén cơn nghén đất sét. Đến tháng thứ tư của thai kỳ, các triệu chứng này mới giảm.
Không giải thích rõ được nguyên nhân
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung - Giảng viên bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TPHCM, chuyện một số thai phụ nghén, thèm ăn 'đồ độc' như cá sống hay đất sét khiến những người xung quanh cũng cảm thấy... sợ nhưng thực tế là có. Y văn ghi nhận có những phụ nữ mang thai thèm ăn món lạ lùng mảnh chai thủy tinh, gạch.
Năm 2016, một phụ nữ ở Anh đã cào tường nhà và lấy các mảnh vụn của gạch vữa để ăn. Cơn nghiện ăn này với cô còn điên cuồng hơn cả nghiện thuốc lá.
Bác sĩ Trung mổ cho sản phụ. Ảnh: BSCC.
Theo Tiến sĩ Trung, nghén là tình trạng rất phổ biến trong thai kỳ hay xảy ra vào buổi sáng nhưng cũng có thể vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ trước tuần thai thứ 9 và kết thúc trước tuần 12-14. Tuy nhiên, có một số trường hợp nghén kéo dài qua vài tháng và có thể suốt thai kỳ.
Các triệu chứng chính của nghén như buồn nôn và nôn, khó chịu với mùi hôi, thức ăn hay các mùi khác, mệt mỏi, căng thẳng. Các bà bầu có thể giảm cân do không tiêu hóa tốt, đau đầu, chóng mặt.
Nghén xảy ra do thay đổi các hormone trong cơ thể còn quan niệm "thèm ăn gì là thiếu chất đó" không chính xác.
Nghén hầu như không ảnh hưởng tới thai nhi. Nhiều người mang bầu giảm cân, không ăn uống được nhưng chất dinh dưỡng truyền vào thai vẫn không thiếu, em bé phát triển bình thường. Vì vậy, các bà mẹ không nên quá lo lắng. Các bác sĩ thường tư vấn động viên họ vượt qua giai đoạn nghén.
Để giảm tình trạng nghén, bác sĩ Trung cho biết phụ nữ mang thai nên ăn uống khoa học hơn, chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như rau xanh, trái cây, thịt, cá, đậu, sữa và sản phẩm từ sữa.
Trường hợp mẹ bầu nghén nặng nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn hoặc kê đơn thuốc cải thiện tình trạng này. “Hãy luôn lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến của chuyên gia để có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn”, bác sĩ Trung khuyên.
Phương Thúy