Tính đến nay, cả nước đã phân bổ và huy động hơn 2,9 triệu tỷ đồng đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn. Ảnh tư liệu
Vốn tín dụng chiếm gần 74%
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt là 41.682 tỷ đồng. Kết quả phân bổ vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 dự kiến khoảng 41.419 tỷ đồng. Tính đến nay, cả nước đã phân bổ và huy động hơn 2,9 triệu tỷ đồng đầu tư cho phát triển khu vực nông thôn.
Trong đó, vốn ngân sách trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện chương trình là 32.109,62 tỷ đồng (chiếm 1,1%); vốn ngân sách địa phương là 265.194,36 tỷ đồng (chiếm 9,1%); vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn để hỗ trợ hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới là khoảng 204.230,7 tỷ đồng (chiếm 7%); vốn tín dụng dự kiến khoảng 2.153.719,3 tỷ đồng (chiếm 73,8%); vốn doanh nghiệp dự kiến khoảng 151.483 tỷ đồng (chiếm 5,2%); huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng dự kiến khoảng 112.729,45 tỷ đồng (chiếm 3,9%).
Như vậy nguồn vốn cho chương trình NTM chủ yếu là vốn tín dụng (gần 74%), vốn có nguồn gốc "nhà nước" (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dự án khác) chiếm khoảng 17,2%. Doanh nghiệp và người dân đóng góp hơn 9%. Với nguồn lực đó, chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tính đến tháng 1/2025, cả nước đã có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9,8% so với cuối năm 2021. Trong đó, có 2.275 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 550 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 305/645 đơn vị cấp huyện (đạt 47,2%) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 92 đơn vị so với cuối năm 2021. Có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới…
Chú trọng nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp
Tuy nhiên, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cũng thừa nhận, nguồn vốn ngân sách trung ương giao thực hiện chương trình giải ngân rất chậm, đạt tỷ lệ thấp và phải trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện qua nhiều năm. Một số địa phương chưa chủ động thực hiện công tác rà soát, xây dựng nhu cầu vốn đầu tư và các thủ tục chuẩn bị đầu tư ngay từ đầu năm nên mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án đầu tư theo quy định.
Chú trọng 3 nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, bối cảnh mới cần chú trọng ba nguồn lực, đó là: nội lực từ người dân; nguồn lực từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp; nguồn lực nhà nước, hỗ trợtừ quốc tế...
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam
Tiến độ triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM, nhất là các mô hình thí điểm đã được trung ương phê duyệt danh mục (các địa phương chủ động phê duyệt dự án/đề án/kế hoạch và quản lý kinh phí, thực hiện) rất chậm…
Theo Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030 đặt mục tiêu phấn đấu cả nước có khoảng 90% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020;…
Đặc biệt, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 20230, tầm nhìn đến năm 2045 (NQ19) cũng nêu rõ, “Tăng đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2030 cho nông nghiệp, nông thôn ít nhất gấp 2 lần giai đoạn 2011-2020”.
Nếu thực hiện theo NQ 19 thì tổng vốn ngân sách trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 160.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt cho chương trình là 41.682 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2026-2030 khoảng 117.000 tỷ đồng. Trên cơ sở tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, nhu cầu vốn ngân sách trung ương cần thiết hỗ trợ giai đoạn 2026-2030 khoảng 89.000 tỷ đồng.
Có nhiều ý kiến đặt vấn đề về tiêu chí mới trong việc thực hiện chương trình NTM cho phù hợp bối cảnh mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhất là khi quá trình triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 vẫn đang còn nhiều hạn chế, tồn tại.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam cho hay, xây dựng NTM trong giai đoạn mới, bối cảnh mới cần chú trọng ba nguồn lực. Thứ nhất là nội lực từ người dân, niềm tin của nhân dân sẽ tạo động lực lớn trong phát triển NTM. Thứ hai, nguồn lực từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp, thực ra trong quá trình thực hiện xây dựng NTM các doanh nghiệp dẫn dắt hợp tác xã, nông dân, đưa nông dân vào cuộc chơi mới như sản xuất chuỗi, phát triển thị trường…. Thứ ba là nguồn lực nhà nước, nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế - nguồn lực này là vốn mồi. “Với ba nguồn lực đó, tôi cho rằng cần hết sức coi trọng nguồn lực từ người dân và doanh nghiệp” – ông Hồ Xuân Hùng nói.
Nhìn lại quá trình 15 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, thành tựu quan trọng nhất là chương trình đã làm thay đổi nhận thức trong nông dân và xã hội về phát phát triển nông thôn, khắc phục một bước lớn tính ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước…
"Để có 1 đồng tăng trưởng thì phải đầu tư vào nền kinh tế 6 đồng, nhưng ở khu vực nông thôn chỉ cần 3 đồng. Nguyên lý này không chỉ đúng cách đây 20 - 30 năm mà bây giờ vẫn vẫn đúng. Nhà nước bỏ ra 1 đồng thì người dân bỏ ra 3 đồng, thậm chí có nơi bỏ ra 6 - 9 đồng. Do đó, nếu nghĩ Chương trình NTM như chương trình đầu tư của nhà nước thì sẽ thất bại…" - ông Cao Đức Phát khẳng định.
Hỗ trợ khoảng 1.600 xã phấn đấu xây dựng nông thôn mới
Với nhu cầu nguồn vốn khoảng 89.000 tỷ đồng, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) sẽ thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2026-2030.
Trước tiên, tập trung nguồn lực để hỗ trợ cho 20% (khoảng 1.600 xã) phấn đấu xây dựng NTM và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Hầu hết các xã đều thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn, đến nay đạt dưới 15 tiêu chí. Những tiêu chí chưa đạt chủ yếu tập trung vào các nội dung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường,… cần nguồn lực hỗ trợ rất lớn từ ngân sách trung ương (vốn đầu tư phát triển).
Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực cho tối thiểu 140 đơn vị cấp huyện (20%) để phấn đấu đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; khoảng 90 huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ cho trên 6.400 xã (80%) đã đạt chuẩn nông thôn mới và 320 đơn vị cấp huyện (50%) đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến 2025 tiếp tục duy trì chất lượng sau đạt chuẩn và xây dựng NTM nâng cao. Đối với mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu đề nghị các địa phương bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương để thực hiện.
Song song đó, hỗ trợ thực hiện các chương trình chuyên đề và thí điểm một số mô hình xây dựng NTM hạnh phúc, NTM thông minh, làm cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm, để nghiên cứu, đề xuất cho giai đoạn 2031 - 2035…
Nam Khánh