Cả nước mới có 270 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử

Cả nước mới có 270 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử
17 giờ trướcBài gốc
Hôm nay - (17/7) tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo Giải pháp triển khai hồ sơ khai bệnh án điện tử nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở y tế về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Đâu là nguyên nhân số bệnh viện thực hiện bệnh án điện tử 'còn khiêm tốn' so với mục tiêu đề ra?
Theo ông Đỗ Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia, hồ sơ bệnh án điện tử là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành Y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tối ưu hóa công tác quản lý, lưu trữ, chia sẻ thông tin y tế, đồng thời bảo đảm tính chính xác, liên thông và bảo mật của dữ liệu sức khỏe người dân.
Tuy nhiên quá trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức: từ nguồn kinh phí; hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn lực nhân lực, đến vấn đề tích hợp hệ thống, tiêu chuẩn kỹ thuật và sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành.
Ông Đỗ Trường Duy - Giám đốc Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia nhấn mạnh hồ sơ bệnh án điện tử là một trong những trụ cột quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số ngành Y tế.
Đến nay đã có 270 cơ sở y tế công bố triển khai thành công bệnh án điện tử. "Đây là con số khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chính là do nhiều cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn về kinh phí, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực cũng như chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp"- ông Duy nói.
Thực hiện Chỉ thị số 07 ngày 14/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện trên toàn quốc hoàn thành triển khai bệnh án điện tử trước ngày 30/9/2025. Việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không thể chậm trễ hơn nữa.
Chia sẻ bên lề hội thảo, ông Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cũng thừa nhận quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế tại địa phương đang gặp không ít rào cản, từ hạ tầng công nghệ lạc hậu, nhân lực hạn chế đến thói quen của người dân chưa bắt nhịp với công nghệ mới.
'Việc triển khai bệnh án điện tử là xu thế tất yếu, rõ ràng, phù hợp với thời đại công nghệ và đem lại nhiều lợi ích thiết thực, như giúp lưu trữ, truy xuất thông tin bệnh nhân nhanh chóng, giảm thủ tục hành chính, phục vụ liên thông dữ liệu trong toàn hệ thống y tế"- ông Đức khẳng định và cho biết Hà Tĩnh hiện có 6 bệnh viện đa khoa, 6 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, 13 trung tâm y tế và nhiều cơ sở y tế công, tư khác đều đang tích cực triển khai bệnh án điện tử. Hiện các cơ sở y tế đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và hướng tới công bố hoàn thành trong tháng 9 tới.
Tuy nhiên, từ thực tiễn, ông Đức thừa nhận Hà Tĩnh đang đối mặt nhiều khó khăn trong hành trình số hóa bệnh án khi cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều bệnh viện chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là các thiết bị máy tính, đường truyền mạng còn yếu và cũ...
Bên cạnh đó, nhân lực vận hành hệ thống công nghệ cũng chưa được đào tạo bài bản, chủ yếu là kiêm nhiệm nên hiệu quả chưa cao... Một số nhà thuốc tư nhân nhỏ cũng thiếu thiết bị để kết nối với đơn thuốc điện tử...
Một nguyên nhân nữa được ông Tiến chỉ ra, đó là về phía người dân, đặc biệt là người cao tuổi ở vùng sâu, vùng xa cũng chưa quen sử dụng các tiện ích số như căn cước công dân gắn chip để tra cứu, thanh toán không dùng tiền mặt, khiến việc triển khai gặp trở ngại.
"Một thách thức nữa là vấn đề tài chính. Hiện các dịch vụ công nghệ thông tin như bệnh án điện tử vẫn chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Điều này gây khó khăn lớn cho các đơn vị y tế công lập trong việc bố trí kinh phí triển khai"- ông Đức nói và đề xuất: Về lâu dài, rất mong Bộ Y tế sớm sửa đổi, bổ sung để chi phí công nghệ được đưa vào kết cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh. Có như vậy, các cơ sở mới yên tâm đầu tư lâu dài.
Gần 400 đại biểu tham dự hội thảo.
Chuyển đổi số y tế: Cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bên
Theo ông Hoàng Văn Tiến, phó trưởng phòng phụ trách phòng giải pháp và quản lý chất lượng, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế) một trong những rào cản lớn là việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm và các giải pháp bảo mật. Quá trình đấu thầu mua sắm trang thiết bị công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai.
Ông Tiến cho hay, để tháo gỡ khó khăn, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 13 ngày 6/6/2025 thay thế Thông tư 46/2018, đồng thời Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia cũng ban hành Công văn số 365 hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho việc triển khai bệnh án điện tử, trong đó hướng dẫn kỹ thuật triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Cùng đó thời gian tới Trung tâm sẽ tiếp tục ban hành Hướng dẫn kỹ thuật triển khai Hệ thống PACS.
Các văn bản này giúp chuẩn hóa và đơn giản hóa quy trình, hỗ trợ các cơ sở y tế có thêm cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện đúng tiến độ.
Thực hiện bệnh án điện tử tại Bệnh viện Bạch Mai.
Cũng theo ông Tiến dù còn nhiều vướng mắc nhưng tốc độ triển khai trong tháng 6 và 7 vừa qua đã có sự chuyển biến rõ rệt, với 60–70 cơ sở công bố hoàn thành mỗi tháng.
"Chúng tôi kỳ vọng, với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, đến 30/9 sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Tuy nhiên để đạt được điều đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý nhà nước, cơ sở y tế và cả các doanh nghiệp cung ứng giải pháp công nghệ. Chuyển đổi số trong y tế không chỉ là trách nhiệm, mà còn là một cuộc cách mạng cần sự quyết tâm và đồng lòng từ mọi phía"- ông Tiến nhấn mạnh.
Gần 400 đại biểu tham dự hội thảo này, trong đó có lãnh đạo, chuyên viên các Vụ/Cục thuộc Bộ Y tế: Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo; Cục Quản lý khám, chữa bệnh; Vụ Bảo hiểm y tế. Lãnh đạo, chuyên viên Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia; Đại diện Cục C06, Bộ Công an; đại diện hơn 20 bệnh viện trực thuộc Bộ, lãnh đạo và cán bộ phụ trách công nghệ của các bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh/thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình...
Bên cạnh nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ sở y tế về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, hội thảo còn tập trung trao đổi để các đơn vị có thể lập kế hoạch và tổ chức triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, đơn vị triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Giới thiệu một số giải pháp của Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia và các đối tác tới các đơn vị...
Thái Bình/ Ảnh: Duy Cường
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ca-nuoc-moi-co-270-benh-vien-trien-khai-benh-an-dien-tu-169250717154754522.htm