Nông dân thu hoạch cà phê ở bang Minas Gerais, Brazil. Ảnh: Getty Images
Chốt phiên giao dịch hôm 4-2, giá cà phê arabica giao tháng 3 ở thị trường New York tăng 0,64%, lên 383,35 cent/pound (0,453 kg), tương đương 8451 đô la Mỹ/tấn, xác lập đỉnh giá mới.
Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 3 ở thị trường London tăng 0,43%, lên 5.558 đô la/tấn, không xa mức giá đóng cửa cao kỷ lục 5.709 đô la/tấn được thiết lập vào hôm 30-1.
Giá cà phê arabica đã tăng 10 phiên liên tục, đánh dấu mạch tăng giá dài nhất kể từ năm 1980. Thị trường cà phê bắt đầu nóng lên từ đầu tuần trước khi Cơ quan quản lý và giám sát nguồn cung hàng hàng hóa nông nghiệp của Brazil (Conab) dự báo, sản lượng cà phê trong niên vụ 2025-2026 sẽ giảm 4,4% so với niên vụ trước, xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 51,81 triệu bao (mỗi bao tương đương 60kg). Conab cũng cắt giảm sản lượng cà phê ước tính trong niên vụ năm ngoái 1,1%, xuống 54,2 triệu bao.
Rủi ro sản lượng cà phê thiếu hụt ở Brazil, nhà sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới, tiếp tục khiến các thương nhân lo lắng sau khi lượng hàng xuất khẩu kỷ lục vào đầu niên vụ khiến nguồn cung có sẵn hiện tại ở nước này ít hơn. Hôm 3-2, công ty xuất khẩu Comexim của Brazil cho biết, sản lượng cà phê arabica và robusta ở nước này dự kiến sẽ giảm trong niên vụ 2025-2026.
Đồng real Brazil tăng giá cũng là động lực thúc đẩy giá cà phê. Hôm qua, đồng tiền của Brazil tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi so với đồng đô la Mỹ. Đồng real mạnh hơn làm giảm doanh số xuất khẩu của các nhà sản xuất cà phê Brazil.
Tác động của hiện tượng thời tiết khô hạn El Nino năm ngoái có thể gây thiệt hại lâu dài cho vụ mùa cà phê ở Nam Mỹ và Trung Mỹ. Lượng mưa ở Brazil liên tục thấp hơn mức trung bình kể từ tháng 4 năm ngoái, gây hại cho cây cà phê trong giai đoạn trổ bông, làm giảm triển vọng vụ mùa cà phê arabica 2025-2026 của Brazil.
Theo Trung tâm Giám sát và cảnh báo sớm về thiên tai quốc gia (Cemaden), Brazil đang đối mặt với tình trạng thời tiết khô hạn nhất kể từ năm 1981. Ngoài ra, sản lượng cà phê ở Colombia, nhà sản xuất arabica lớn thứ 2 thế giới, phục hồi chậm sau đợt hạn hán nghiêm trọng do hiện tượng El Nino gây ra vào năm ngoái.
Tuy nhiên, lượng mưa cao hơn bình thường ở Brazil trong thời gian gần đây đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng khô hạn. Hôm 3-2, Cơ quan khí tượng Somar Meteorologia cho biết, bang Minas Gerais, vùng trồng cà phê arabica lớn nhất của Brazil, nhận được lượng mưa 11 mm vào tuần trước, tương đương 203% so với mức trung bình lịch sử.
Trong khi đó, giá cà phê robusta được hỗ trợ trong bối cảnh sản lượng liên tục giảm. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của Việt Nam, do hạn hán nên sản lượng cà phê trong niên vụ 2023-2024 giảm 20%, xuống còn 1,472 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm qua. Việt Nam là nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 1,32 triệu tấn, thu về 5,48 tỉ đô la Mỹ, giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Hồi tháng 12 năm ngoái, Hiệp hội Cà phê và ca cao Việt Nam nâng dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024-2025 lên 28 triệu bao, từ mức dự báo hồi tháng 10 là 27 triệu bao.
Đợt tăng giá mới nhất của cà phê arabica một phần có liên quan đến lời đe dọa áp thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng hóa của Colombia, nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai sang Mỹ. Hôm 26-1, Tổng thống Donald Trump ra lệnh khẩn cấp áp đặt thuế quan 25% đối với hàng hóa của Colombia vài giờ sau khi nước này từ chối cho phép hai máy bay quân sự chở những người Colombia bị trục xuất hạ cánh. Sau đó, ông hủy bỏ lệnh áp thuế này khi Colombia đồng ý tiếp nhận công dân bị trục xuất trên các máy bay quân sự.
Dù vậy, sự khó lường về chính sách thuế quan của ông Trump gây mối lo ngại trên thị trường cà phê. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đề xuất áp dụng mức thuế phổ quát 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các nước. Giá cà phê arbica tăng giá khoảng 16% kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20-1.
Javier Blas, cây bút phân tích thị trường hàng hóa nông nghiệp và năng lượng của Bloomberg cảnh báo, lượng có phê tồn kho trên toàn cầu có thể giảm xuống mức thấp thứ 2 trong 65 năm do nguồn cung không bắt kịp nhu cầu. Nhà phân tích này cho biết, chuỗi cung ứng cà phê toàn cầu đã trải qua tình trạng thiếu hụt trong 4 năm liên tục, với nhu cầu vượt quá nguồn cung 15-20 triệu bao mỗi năm, dẫn đến lượng cà phê tồn kho cạn kiệt.
Theo Bloomberg, Barchart
Khánh Lan