Nông dân phấn khởi
Từ đầu vụ mùa 2024, giá cà phê đã tăng cao, mang lại tín hiệu tích cực cho người nông dân trồng cà phê. Hiện tại, giá cà phê thu mua từ các thương lái và công ty dao động quanh mức 113.000 đồng/kg.
Trước đó, vào tháng 4/2024, giá cà phê nhân đã vượt mốc 100.000 đồng/kg. Mức giá cao này không chỉ giúp người trồng cà phê có thêm thu nhập, cải thiện đời sống mà còn tạo điều kiện để tái đầu tư vào sản xuất và duy trì diện tích canh tác ổn định.
Tại xã Bom Bo (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, không khí mùa thu hoạch cà phê rất nhộn nhịp. Gia đình bà Nông Thị Noọng (ngụ xã Bom Bo) có hơn 4ha cà phê trong vụ thu hoạch năm nay.
Mặc dù sản lượng không đạt như năm 2023, nhưng 9 tấn cà phê hạt nhân được bán với giá 120.000 đồng/kg đã mang lại cho gia đình bà nguồn thu hơn 1 tỷ đồng.
Bà Noọng chia sẻ với PV Người Đưa Tin: "Giá cao ngay từ đầu mùa khiến tôi và bà con đều rất phấn khởi. Tôi hy vọng giá cà phê sẽ duy trì ở mức này để giúp chúng tôi bù đắp cho những tháng ngày khó khăn, khi giá cà phê giảm và chi phí vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao".
Bà Nông Thị Noọng ở xã Bom Bo (huyện Bù Đăng) với diện tích trồng cà phê hơn 4ha đang vào vụ thu hoạch.
Ông Nông Văn Phượng ở xã Bom Bo (huyện Bù Đăng) đang cùng người thân thu hoạch cà phê trồng xen với cây điều.
Theo ông Phượng, giá cà phê bán quả tươi đang được các đại lý thu mua với giá từ 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Dự kiến niên vụ 2024, gia đình ông sẽ thu được 4 - 5 tấn cà phê quả tươi.
"Sau nhiều năm giá cà phê giảm sâu, thì trong 2 năm gần đây, giá thu mua đã tăng trở lại, mang lại niềm vui lớn cho người trồng.
Chúng tôi hy vọng giá cà phê sẽ duy trì ổn định như vậy từ nay cho đến cuối vụ, giúp người trồng có thêm thu nhập. Gia đình tôi đã gắn bó hơn 20 năm với cà phê và cao su. Khi giá cà phê tăng, gia đình tôi sẽ có thêm nguồn thu ổn định, cải thiện cuộc sống và có điều kiện tái đầu tư để phát triển cây trồng bền vững".
Ông Nông Văn Phượng ở xã Bom Bo cho biết, giá cà phê hiện cao nhất trong nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Đăng Sơn (thôn 1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng) rất vui mừng vì đây là năm đầu tiên sau 35 năm gắn bó với cây cà phê, giá cà phê lại cao như vậy.
Ông cho biết, gia đình ông hiện trồng 6ha cà phê xen lẫn với vườn điều, trung bình mỗi năm thu hoạch hơn 60 tấn cà phê tươi. Với mức giá hiện tại, ông dự tính gia đình sẽ thu được hơn 1,3 tỷ đồng trong mùa cà phê năm nay.
"Giá cà phê tăng cao ngay từ đầu vụ là một tín hiệu rất đáng mừng đối với người trồng cà phê. Điều này không chỉ giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn tạo điều kiện cho nông dân tái đầu tư vào sản xuất và duy trì diện tích trồng cà phê ổn định", ông Sơn chia sẻ.
Bình Phước hướng đến canh tác cà phê bền vững
Không chỉ người trồng cà phê đang gấp rút chuẩn bị cho mùa thu hoạch, mà các doanh nghiệp, đại lý thu mua và chế biến cà phê cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn vốn, phương tiện, máy móc và kho bãi để sẵn sàng cho một mùa vụ kinh doanh mới.
Một số đại lý thu mua cà phê ở huyện Bù Đăng cho biết, những ngày gần đây, giá cà phê cao khiến nhiều nông hộ tranh thủ bán ra, các chủ đại lý cũng đã chốt giá để tận dụng lợi nhuận.
Thông tin với PV, ông Nguyễn Huy Long, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bù Đăng cho biết, huyện hiện có hơn 6.500ha cà phê. Trong 2 năm qua, giá cà phê đã tăng cao, nhưng đây là niên vụ đầu tiên giá cà phê đạt mức 22.000 đồng/kg cà phê tươi và 110.000 đồng/kg cà phê nhân ngay từ đầu mùa, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.
Trước tình hình này, Phòng đã tăng cường tuyên truyền và khuyến cáo người dân không nên chạy theo thị trường mà thu hái cà phê khi còn xanh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng trái và năng suất trong những vụ tiếp theo.
Giá cà phê tăng cao đã giúp nông dân có thêm thu nhập và yên tâm hơn trong việc chăm sóc vườn cây. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân không mở rộng diện tích ồ ạt mà nên tập trung vào chất lượng, hướng đến việc canh tác bền vững.
Người dân phấn khởi thu hoạch cà phê.
Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước tiếp tục khuyến cáo các địa phương, việc thu hoạch phải tuân thủ kỹ thuật và đảm bảo chất lượng, không ngâm nước hay trộn lẫn tạp chất.
Tỉ lệ thu hái đúng độ chín đạt tiêu chuẩn chất lượng cần đạt từ 80-90%. Hạt cà phê cần được bảo đảm sạch trong suốt quá trình thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản và cung cấp cà phê nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích việc đầu tư vào các nhà máy chế biến cà phê sử dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là cà phê rang xay và cà phê hòa tan.
Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng cà phê chế biến sâu của tỉnh đạt khoảng 20-25% tổng sản lượng cà phê và sản lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 80-85% tổng sản lượng, trong đó cà phê chế biến sâu tham gia xuất khẩu đạt từ 10-20%.
Theo bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tỉnh sẽ phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, đặc biệt là ở những khu vực có điều kiện thuận lợi, kết hợp với phát triển văn hóa, du lịch và dịch vụ. Các địa phương sẽ rà soát các diện tích cà phê trồng ở những khu vực không phù hợp, năng suất thấp, để chuyển đổi sang cây trồng khác hiệu quả hơn.
Ngoài ra, bà con nông dân cũng sẽ tiếp tục tái canh và ghép cải tạo diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống cà phê vối có năng suất và chất lượng cao, kháng sâu bệnh (Hữu Thiên, Xanh Lùn, Thiện Trường, TR4, TS1). Đến năm 2030, khoảng 80-90% diện tích cà phê trồng mới sẽ sử dụng giống đạt tiêu chuẩn, trong khi diện tích cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, cà phê đặc sản và theo các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (RA, 4C) sẽ chiếm khoảng 20-30%. Hơn 70% diện tích cà phê sẽ được cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nguyễn Văn Khánh