Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,34 triệu tấn cà phê các loại, giảm mạnh 17,1% so với năm 2023, đây cũng là mức thấp nhất trong 9 năm qua.
Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng trong niên vụ 2023 - 2024 vừa qua ước giảm 6% so với niên vụ trước đó, chỉ đạt khoảng 1,5 - 1,6 triệu tấn.
Tuy nhiên, do giá cà phê tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã thiết lập cột mốc kỷ lục mới 5,6 tỷ USD, vượt 32,5% so với kỷ lục cũ là 4,24 tỷ USD đạt được trong năm 2023. Giá cà phê xuất khẩu bình quân của Việt Nam năm 2024 đạt 4.178 USD/tấn, tăng gần 60% so với năm 2023.
Sản lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024 đang chạm "đáy" trong vòng 9 năm qua. (Ảnh: CLS)
Nhận định về vấn đề này, ThS Lê Thị Bích Ngọc, Học viện Tài chính cho rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển cà phê. Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ II thế giới, có năng suất cà phê bình quân gấp hơn 3 lần năng suất cà phê toàn cầu.
Thế nhưng, hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, liên quan tới biến đổi khí hậu, suy thoái chất lượng đất, dịch bệnh, đòi hỏi của người mua ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, chất lượng cà phê.
Nói rõ hơn về vấn đề này, bà Ngọc cho biết: Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với trình trạng thời tiết cực đoan đã đặt các vùng trồng cà phê vào vị trí nguy hiểm.
Dự báo từ nhiều tổ chức khác nhau đều cho rằng, nhiệt độ tăng và lượng mưa thay đổi có thể khiến Việt Nam mất 50% diện tích sản xuất cà phê Robusta hiện tại vào năm 2050.
“Nếu không có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tiến trình này, sản lượng cà phê Việt Nam sẽ bị sụt giảm đáng kể và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cà phê toàn cầu”, bà Ngọc cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia này, thời gian qua, nhiều vườn cà phê ở Việt Nam chú trọng vào hoạt động thâm canh nhằm tăng năng suất cà phê, nhiều vườn đã tăng cường sử dụng phân bón vô cơ, thiếu quản lý đất đai và bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ. Điều này đã làm cho chất lượng của đất đai suy kiệt và sẽ ảnh hưởng xấu tới năng suất cà phê trong các niên vụ tiếp theo.
“Đặc biệt, người trồng cà phê chưa tận dụng phổ biến các chất hữu cơ phụ phẩm từ vỏ cà phê, phụ phẩm nông nghiệp khác hoặc trồng cây che phủ và bồi dưỡng, cố định đạm cho đất. Đây là giải pháp tăng độ phì nhiêu cho đất với chi phí thấp, nhưng mang lại hiệu quả cao và bền vững”, bà Ngọc nói.
Bên cạnh đó, cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia sản xuất cà phê khác. Các quốc gia như Brazil, Colombia, Indonesia… Đây đều là những đối thủ cạnh tranh rất mạnh của Việt Nam trên thị trường cà phê toàn cầu.
Các nước này đang đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất, chế biến cà phê, nâng cao chất lượng sản phẩm, có nhiều biện pháp marketing hiệu quả để thu hút khách hàng quốc tế.
“Vì vậy, các doanh nghiệp cà phê Việt Nam cần chú trọng đầu tư nâng cao sức cạnh tranh của mình để giữ vững và mở rộng thị phần cà phê đang có”, bà Ngọc cho biết.
Mặc dù vậy, kim ngạch lại thiết lập kỷ lục, lên tới 5,6 tỷ USD. (Ảnh: SC)
Trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, bà Ngọc cho rằng, các Bộ, ngành và địa phương liên quan cần tiếp tục ban hành các chính sách, hướng dẫn cụ thể và khả thi nhất để giúp ngành cà phê Việt Nam hướng đến một nền sản xuất hiệu quả, bền vững, cung cấp nhiều sản phẩm cà phê chất lượng cao ra thị trường.
Các chính sách, hướng dẫn này cần bao quát nhiều vấn đề từ sản xuất đến thương mại, như: Quy hoạch vùng sản xuất cà phê trọng điểm, vùng cà phê chất lượng cao; Đẩy mạnh tái canh, ghép cải tạo cà phê; Chuyển đổi cơ cấu giống; Cập nhật các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, cà phê có chứng nhận.
Đồng thời hướng dẫn quản lý hệ thống thu mua, bảo quản cà phê hiệu quả, đảm bảo chất lượng; Có chính sách đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp phát triển cà phê chế biến sâu; Khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường...
Theo bà Ngọc, những giải pháp sẽ giúp ngành cà phê Việt Nam khắc phục được những khó khăn, thách thức như: Tác động xấu của biến đổi khí hậu toàn cầu; Tình trạng suy giảm chất lượng đất đai; Dịch bệnh gây hại cà phê; Nguy cơ suy giảm năng suất và chất lượng cà phê…
Đồng thời, bà Ngọc cho rằng Việt Nam cần khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để phát triển cà phê chế biến sâu; Chú trọng và quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cần tận dụng có hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết vào hoạt động xuất khẩu cà phê, qua đó tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm cà phê Việt Nam.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, vị chuyên gia này nhấn mạnh: Các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp phải nắm vững những nội dung của FTA, các lộ trình giảm thuế và các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của đối tác để thực thi FTA cho đúng và được hưởng ưu đãi.
“Có như vậy thì quá trình tham gia các FTA mới thực sự đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê và nền kinh tế Việt Nam”, bà Ngọc nói.
Định Trần