Cà phê Việt nhắm vào thị trường chế biến sâu

Cà phê Việt nhắm vào thị trường chế biến sâu
7 giờ trướcBài gốc
Doanh nghiệp trong nước đa dạng hóa sản phẩm cà phê chế biến để nâng giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thị trường rộng mở, nhưng mức độ cạnh tranh gia tăng
Theo chuyên trang phân tích Stir, trong 3 thập kỷ qua, mức độ tiêu thụ cà phê tại Nga gia tăng rõ rệt. Thói quen sử dụng cà phê của người dân nước này ngày càng phổ biến, đặc biệt ở nhóm dân số trẻ.
Dữ liệu từ Trung tâm Giám định công nghiệp Rosselkhozbank cho thấy, trung bình mỗi người Nga đang tiêu thụ khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương 60 lít cà phê/người và tổng cộng gần 9 tỷ lít trên phạm vi cả nước.
Cà phê ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đô thị của giới trẻ Nga, với những lựa chọn phổ biến như cappuccino, latte, espresso hay cà phê đen nguyên chất. Thị trường cà phê Nga phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, trong đó, Việt Nam nhiều năm liền là một trong những quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất sang Nga, được người tiêu dùng địa phương đặc biệt ưa chuộng.
Theo số liệu từ Cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 4 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga đạt 213,4 triệu USD, tăng 54,84% so với cùng kỳ, bất chấp sản lượng có phần giảm nhẹ. Điều này cho thấy nhu cầu ổn định và ngày càng lớn đối với cà phê Việt - đặc biệt là dòng Robusta tại thị trường Nga.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), thị trường cà phê đang phát triển rất nhanh, nhưng lượng cà phê Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan còn nhỏ. Nguyên nhân là cà phê trồng ở Việt Nam chủ yếu là giống Robusta, trong khi người Đài Loan lại ưa chuộng cà phê Arabica và thích uống cà phê rang xay thủ công theo khẩu vị riêng. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ thị trường cà phê Đài Loan, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể thâm nhập thị trường này bằng các loại cà phê chế biến sâu như cà phê hòa tan, cà phê túi lọc...
Còn tại Thái Lan, Lào đã vượt Việt Nam trở thành nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho thị trường này. Trong 4 tháng đầu năm nay, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 86,7 triệu USD, giảm 34,7% về sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan không chỉ gia tăng nhập khẩu cà phê từ Lào, mà còn mở rộng nguồn cung cà phê từ nhiều thị trường khác như
Indonesia, Malaysia, Brazil... Điều này cho thấy, thị trường ngày càng phân tán và cạnh tranh hơn.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam, dù vẫn là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, đang đối mặt với áp lực gia tăng trong việc giữ thị phần tại các thị trường khu vực.
Năm 2024, cà phê chế biến xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD. Trong các chủng loại cà phê xuất khẩu, cà phê chế biến hiện chỉ đứng sau cà phê
Robusta. Cụ thể, trong năm 2024, giá trị xuất khẩu cà phê Robusta đạt 4,185 tỷ USD; cà phê chế biến đạt 1,18 tỷ USD; cà phê Arabica đạt 240 triệu USD; cà phê Excelsa đạt 10 triệu USD.
Ở trong nước, tiêu thụ cà phê ngày càng tăng. Các nhà máy sản xuất cà phê chế biến xuất hiện ngày càng nhiều đã góp phần quan trọng làm giảm lượng cà phê nhân xuất khẩu và tăng kim ngạch cà phê chế biến.
Có thể thấy, thị trường cà phê thế giới đang ngày càng rộng mở đối với cà phê chế biến Việt Nam, trong đó có EU - thị trường lớn nhất của cà phê Việt Nam.
Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, số liệu thống kê của Eurostat thể hiện, trong giai đoạn 2015 - 2023 xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang EU có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
Điển hình, sản phẩm cà phê được Việt Nam xuất khẩu sang EU chủ yếu là cà phê nhân, còn sản phẩm cà phê chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 12%. Vì vậy, dù sản lượng xuất khẩu lớn, nhưng thương hiệu cà phê Việt vẫn chưa được biết đến nhiều tại EU. Các doanh nghiệp sản xuất cà phê chế biến của Việt Nam đều gặp khó khăn trong việc phát triển thương hiệu và xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.
Cà phê có thương hiệu xuất khẩu và ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế hiện chủ yếu đến từ các thương hiệu nước ngoài có nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu cà phê thô của Việt Nam và xay trộn, chế biến thành các loại cà phê có hương vị đặc sắc, chất lượng cao để phục vụ nhu cầu nội địa cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Bởi vậy, theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, việc xây dựng thương hiệu mạnh cho cà phê Việt Nam là rất cần thiết. Xây dựng thương hiệu không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp khỏi các tranh chấp không đáng có, mà còn giúp gia tăng giá trị của mặt hàng cà phê chế biến trên thị trường trong và ngoài nước.
Cuộc đua rót vốn vào nhà máy chế biến
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu cà phê lên 8 - 10 tỷ USD, với trọng tâm là mở rộng thị trường chế biến sâu và chuyển dịch lên chuỗi giá trị cao hơn.
Mới đây, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) đã xác định một trong hai mục tiêu chính đến năm 2030 là tăng xuất khẩu cà phê rang xay hòa tan và nâng kim ngạch xuất khẩu lên 5 - 6 tỷ USD. Theo VICOFA , giá cà phê tăng mạnh trong 30 năm qua là động lực chính khiến các doanh nghiệp đẩy nhanh đầu tư vào công nghệ và chế biến.
Hiện nhiều doanh nghiệp cà phê, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng nhà máy cà phê chế biến ở Việt Nam. Theo họ, việc tự chủ khâu sản xuất là cách để kiểm soát chất lượng, nâng cao lợi thế cạnh tranh khi tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam cũng mạnh tay chi tiền đầu tư vào các nhà máy mới.
Tháng 4 vừa qua, Nestlé Việt Nam công bố khoản đầu tư gần 1.900 tỷ đồng mở rộng nhà máy Nestlé Trị An (Đồng Nai), nâng tổng vốn đầu tư của Nestlé tại Việt Nam lên hơn 20.000 tỷ đồng. Đây không chỉ là một trong những nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất của Tập đoàn Nestlé, mà còn là nơi tạo ra giá trị gia tăng cho nông sản Việt, đưa hạt cà phê Việt Nam lên bản đồ cà phê thế giới.
“Ông lớn” Trung Nguyên Legend cũng vừa khởi công Nhà máy Cà phê năng lượng tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Đây là nhà máy thứ 5 trong hệ thống sản xuất của Trung Nguyên Legend tại Việt Nam và là nhà máy thứ 2 tại Đắk Lắk. Trung Nguyên
Legend xác định, dự án này có vai trò đặc biệt trong việc định hình ngành cà phê Việt Nam khi tham gia vào chuỗi chế biến sâu và chế biến tinh, tạo ra giá trị cao.
Không đứng ngoài “cuộc chơi”, Highlands Coffee đã khánh thành nhà máy rang xay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với vốn đầu tư 500 tỷ đồng, mục tiêu đạt công suất 75.000 tấn/năm. Nhà máy ứng dụng công nghệ của Đức, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Phúc Sinh cũng chuẩn bị khởi công nhà máy trị giá 500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2026. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh cho biết, nhà máy mới sẽ ứng dụng các tiêu chuẩn chế biến cao cấp để tiếp cận trực tiếp thị trường châu Âu, Nhật Bản…
Tại Intimex - doanh nghiệp thường xuyên đứng trong top 3 về sản lượng cà phê xuất khẩu - đã có Nhà máy Cà phê hòa tan tại Bình Dương vận hành 100% công suất, đạt 4.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, năng lực cung ứng của Nhà máy vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Intimex đang chuẩn bị đầu tư giai đoạn II, nâng công suất lên 8.000 tấn/năm, với tham vọng trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê hòa tan của Việt Nam.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết, song ngành cà phê Việt Nam vẫn có tiềm năng lớn để phát triển. Để đạt được mục tiêu mở rộng thị trường, cần có sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và người nông dân, tập trung vào nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển thương hiệu và đẩy mạnh chế biến sâu. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần đưa ra các giải pháp về phát triển cà phê bền vững, giúp nông dân bám nghề, cùng với các giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp thu mua và phát triển ổn định.
Anh Hoa
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ca-phe-viet-nham-vao-thi-truong-che-bien-sau-d285859.html