Ca sĩ Duy Mạnh xin nộp phạt vì quảng cáo 'lố' 3 năm trước: Có còn thời hiệu xử phạt?

Ca sĩ Duy Mạnh xin nộp phạt vì quảng cáo 'lố' 3 năm trước: Có còn thời hiệu xử phạt?
9 giờ trướcBài gốc
Ngày 21-5, trang Facebook cá nhân có tích xanh của ông Nguyễn Duy Mạnh (ca sĩ Duy Mạnh) đã đăng bài viết về việc từng nhận quảng cáo thổi phồng thực phẩm chức năng.
Nội dung bài đăng của nam ca sĩ thể hiện đã nhận quảng cáo sản phẩm cho Xtramen từ 3 năm trước. Người bán sản phẩm có cho nam ca sĩ xem giấy phép lưu hành sản phẩm. Thời điểm quảng cáo, bên người bán đã viết kịch bản để ca sĩ Duy Mạnh làm theo.
Nam ca sĩ thừa nhận hành vi này là hoàn toàn sai và mong muốn cơ quan pháp luật mời nam ca sĩ lên giải trình, nộp phạt. Duy Mạnh tự nguyện đưa khoản thù lao có được từ quảng cáo này vào hoạt động thiện nguyện.
Từ đây nhiều bạn đọc bày tỏ thắc mắc, nếu hành vi của nam ca sỹ là sai quy định pháp luật nhưng chuyện xảy ra đã lâu thì có xử lý được hay không?
Bài đăng trên trang Facebook cá nhân của ca sĩ Duy Mạnh. Ảnh chụp màn hình
Theo Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM), ca sĩ Duy Mạnh đăng bài tự thừa nhận mình từng quảng cáo "lố" là đã có tinh thần tự giác. Từ đây, các cơ quan chức năng có thông tin để lên phương án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Luật sư Lê Trung Phát. Ảnh: TRẦN LINH
Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2022) và Điều 3a Văn bản hợp nhất 381/VBHN-BVHTTDL ngày 9-2-2022 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (hợp nhất Nghị định 38/2021 và Nghị định 129/2021) thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo là 1 năm tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đang thực hiện là hành vi có tính chất kéo dài, đã và đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm và hành vi đó vẫn đang trực tiếp xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước;
LS Lê Trung Phát nhận xét: Về tội quảng cáo gian dối theo Điều 197 BLHS thì người có hành vi quảng cáo gian dối phải từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này...
Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể khó, nếu trước đó nam ca sĩ chưa từng bị xử phạt hành chính hoặc không đáp ứng được quy định tại Điều 197 BLHS.
Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ, thông tin chứng minh hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm hành chính.
Như vậy, nếu Duy Mạnh quảng cáo trong 1 clip từ 3 năm trước, nhưng clip đã gỡ, hợp đồng đã chấm dứt, không còn lan truyền chính thức thì được coi là hành vi đã kết thúc, thời hiệu xử phạt là 1 năm kể từ khi kết thúc, tức là đến nay thì đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Còn nếu quảng cáo vẫn tồn tại, kéo dài dai dẳng trên mạng xã hội tới tận thời điểm hiện nay thì vẫn còn thời hiệu thời hiệu xử lý vi phạm hành chính đối với Duy Mạnh.
Thời hiệu xử lý vi phạm hành chính trên chỉ được tính lại nếu trong thời gian xử lý mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt.
Như vậy, việc giải quyết như thế nào còn tùy thuộc vào quá trình xác minh, điều tra của cơ quan chức năng. Kể cả nam ca sĩ có mong muốn tự nguyện nộp phạt cũng không thể nếu không hội đủ các yếu tố như đã phân tích trên...
Ca sỹ Duy Mạnh chủ động nhận lỗi và mong muốn nộp phạt có ý nghĩa gì?
Luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) đánh giá rằng việc ca sĩ Duy Mạnh chủ động nhận lỗi và mong muốn nộp phạt là hành động đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần trách nhiệm của người nghệ sĩ đối với cộng đồng.
Luật sư Trương Văn Tuấn
Căn cứ Điều 33 Nghị định 38/2021 thì hành vi của Duy Mạnh nếu còn thời hiệu xử lý vi phạm hành chính thì có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo...
Điều 9 Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng quy định về "tình tiết giảm nhẹ" với "tình tiết người vi phạm hành chính đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi; tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm...".
Như vậy, những yếu tố như: người vi phạm có hành vi hợp tác, thiện chí, như tự giác khai báo, thừa nhận hành vi vi phạm, chủ động khắc phục hậu quả, tháo gỡ nội dung quảng cáo sai, đề nghị nộp phạt, không né tránh trách nhiệm... sẽ không làm miễn trừ trách nhiệm, nhưng có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ.
Nhìn chung, việc người vi phạm có tình tiết giảm nhẹ như nêu trên sẽ có tác động đến việc xử lý của cơ quan chức năng, như quan chức năng có thể áp mức xử phạt thấp hơn trong khung; Hoặc không áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả nghiêm khắc hơn như buộc cải chính công khai, thu hồi giấy phép...
Việc Duy Mạnh chủ động nhận lỗi và đề nghị nộp phạt không giúp miễn phạt (nếu còn thời hiệu xử phạt), nhưng là tình tiết giảm nhẹ, thể hiện thiện chí, và có thể giúp giảm mức phạt. Quan trọng hơn, hành vi tự giác này còn góp phần giảm bức xúc dư luận, thể hiện trách nhiệm công dân; đặc biệt đối với người nổi tiếng có ảnh hưởng lớn đến công chúng, giúp kiểm soát thiệt hại truyền thông và bảo vệ danh tiếng về lâu dài...
CẨM HỒNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/ca-si-duy-manh-xin-nop-phat-vi-quang-cao-lo-3-nam-truoc-co-con-thoi-hieu-xu-phat-post851149.html