Ca sĩ Thái Thùy Linh: Các tổ chức nhà nước và cá nhân nên chung tay cùng làm từ thiện

Ca sĩ Thái Thùy Linh: Các tổ chức nhà nước và cá nhân nên chung tay cùng làm từ thiện
2 giờ trướcBài gốc
Cuộc trò chuyện giữa nhà báo Nguyễn Quốc Hưng và ca sĩ Thái Thùy Linh
Những tổ chức nhà nước như những “con thuyền lớn”, cá nhân là những “con thuyền nhỏ”
Phóng viên: Thưa chị, về việc đóng góp cứu trợ thông qua những tổ chức nhà nước như Mặt trận Tổ quốc và Hội Chữ thập đỏ, Công đoàn các cấp, hoặc qua những tổ chức cá nhân uy tín xưa nay – thì chị đánh giá thế nào về tính hiệu quả?
Thái Thùy Linh: Vai trò của những tổ chức nhà nước, thì đương nhiên về tính ích lợi không phải bàn cãi. Nhưng có một câu chuyện mà mọi người sẽ dễ hình dung về việc tất cả nên chung tay nhau làm. Vừa rồi tôi đi cứu trợ lũ lụt bão số 3 (Yagi) và tổ chức một đội đi thuyền nhẹ để vận chuyển hàng ở mấy huyện thuộc tỉnh Bắc Giang.
Ban đầu, nhiều người cười nhạo việc ấy. Nhưng thực tế ở đây cho thấy sự hiệu quả khi thuyền to (có động cơ) của nhà nước và thuyền bé của bọn tôi cùng kết hợp. Những thuyền to tải trọng lớn, chở được nhiều hàng nhưng không thể đi vào các ngách nhỏ và cũng không thể đi tất cả các nơi. Khoảng 1.000 hộ dân. Khi đấy, những thuyền nhỏ sẽ hữu dụng.
Vậy thì hãy coi những tổ chức nhà nước như những “con thuyền lớn”. Còn những cá nhân như những “con thuyền nhỏ” có thể lách vào những nơi, những chỗ gần dân nhất có thể, mà thuyền to không vào được hoặc không thể vào ngay được. Người bị nạn thì cần gấp. Nên cùng nhau làm, chung tay nhau làm.
Chẳng hạn, có một bác về hưu đến chỗ tôi bảo: “Nay bác về hưu rồi, có thể góp một ít bát đĩa, xoong nồi được không? Vì bác xem trên TV thấy bà con mất hết, đồ đạc bị trôi hết rồi, khổ quá”. Tôi bảo "vâng", chỉ dặn bác góp những thứ chưa sứt mẻ gì thôi.
Qua câu chuyện nhỏ này, tôi muốn nói rằng, những tổ chức nhà nước sẽ không nhận cái nồi, hai bộ bát đĩa, 10 gói muối vừng và đấy là phần việc của những nhóm cá nhân như chúng tôi muốn đi và dám đi. Tình đồng bào “Bầu ơi, thương lấy bí cùng” là ở đấy, chứ ở đâu?
Những người mong được làm việc tốt thấy ngại, thấy phiền vì sự ác ý xỉa xói nhau vô căn cứ trên mạng
- Thưa chị, chủ đề của buổi phỏng vấn này là “Làm từ thiện thế nào cho phải?”. Chị suy nghĩ thế nào về chuyện này?
Thái Thùy Linh: Chưa bao giờ câu hỏi đấy lại khó trả lời như bây giờ. Để tôi giải thích, vì tại nhiều thời điểm, câu trả lời sẽ là đương nhiên, rất dễ trả lời. Chẳng hạn, gặp người đang có nguy cơ đuối nước, nguy cơ chết đói vì lũ vì mưa gió thì câu trả lời là phải cứu họ ngay, việc cấp thiết là giúp cho họ sống đã. Nhưng bây giờ, với phong trào cứu trợ cứu nạn cho những nạn nhân của lũ bão số 3 (Yagi), thì chưa khi nào tôi cảm thấy bị mệt mỏi trước những thông tin nhiễu loạn như lần này.
Tôi đau xót, thấm mệt, đau đầu không phải vì 4-5 chuyến cứu trợ vừa rồi đi cùng nhóm của tôi trong khoảng 10 ngày, dù độ vất vả, nặng nhọc, nguy hiểm thì đều chưa bằng so với nhiều chuyến cứu trợ trước – mà vì những sự đấu tố như xỉa xói, công kích, tấn công nhau trên mạng và trong dư luận xã hội, về chủ đề từ thiện.
Hồi năm 2020, phong trào về công tác thiện nguyện trong xã hội phát triển mạnh mẽ, có cảm tưởng như lên đến cao trào. Chuyện anh Phan Anh hay chị Thủy Tiên bị công kích khiến tôi suy nghĩ nhiều. Tôi không bàn về sự đúng sai của các anh chị đó, vì tôi chưa có thông tin đầy đủ và nhiều chiều, nhưng ngay tại thời điểm ấy tôi thấy lo lắng rằng, với những sự bức xúc, nghi ngờ, công kích vì việc cứu trợ chưa chặt chẽ, chưa đủ thuyết phục trong các khâu, mà gây bức xúc nghi ngờ và ý nghĩ tiêu cực cho nhiều người, thì nó sẽ gây nên một làn sóng trong xã hội quay lưng lại với công việc từ thiện cứu trợ.
Và bây giờ thì những điều mà tôi lo lắng ấy đã xảy ra và thành sự thật. Mặc dù, sau những cơn ác mộng khủng hoảng đau thương cả về xã hội lẫn kinh tế của đại dịch Covid-19, tôi đã tâm niệm mong rằng người Việt mình sẽ biết thương nhau hơn, vì thế nhóm hoạt động thiện nguyện của tôi lúc đó mang tên “Người Việt thương nhau”. Nhưng đau xót là người mình hiện nay hay ác ý xỉa xói, đay nghiến nhau hơn, và điều này không còn mang đặc điểm có tính vùng miền hoặc cộng đồng nữa.
- Có vẻ như những điều làm chị đau xót đấy, nay thường xảy ra trên mạng xã hội?
Thái Thùy Linh: Vâng, chưa bao giờ tôi thấy sự cần thiết phải kiểm soát chặt vấn đề an ninh mạng như bây giờ. Mạng xã hội, sau nhiều năm người ta còn “bán tín, bán nghi” thì bây giờ những câu chuyện trên mạng đã bước từ ảo sang đời sống thật và hậu quả của nó tác động một cách sâu rộng đến đời thật, chuyện của 1-2 người đã trở thành chuyện của nhiều triệu người.
Ngay cả chuyện cá nhân tôi bị vài người xúc phạm về công tác thiện nguyện, cũng bởi vì họ hoàn toàn không có thông tin, không hề biết về quá trình 15 năm làm thiện nguyện của tôi.
Ngoài đời, đánh nhau chẳng hạn, đều phải có lý do và pháp luật pháp sẽ điều chỉnh. Nhưng trên mạng, chả cần bất cứ lý do gì, mà chỉ vì không thích, không ưa. Thế thôi. Mà luật pháp thì khó can thiệp. Việc tử tế giờ bị “giang hồ mạng” xông vào đánh giá, bỉ bôi mà chẳng hề có căn cứ, làm những người mong được làm việc tốt thấy ngại, thấy phiền nếu họ tham gia.
Thái Thùy Linh trao quà cứu trợ đến đồng bào bị thiệt hại do bão lũ
Tham gia cứu trợ từ thiện cần sự chuyên nghiệp
- Thưa chị, nghệ sĩ nổi tiếng thường đồng nghĩa với việc có nhiều người hâm mộ. Thế mạnh của họ là khi họ kêu gọi làm từ thiện, sự lan tỏa rất lớn, sẽ có một cộng đồng khán giả ủng hộ vì tài năng và cả tính cách nghệ sĩ của họ. Nhưng khi hoạt động liên quan đến công tác thiện nguyện, sẽ phức tạp là tiền, là hàng, là vận chuyển, là phân phối, là trao và nhận… Vậy Thái Thùy Linh với tư cách là một nghệ sĩ tham gia công tác xã hội, thiện nguyện đã lâu, chị có những lời khuyên hay khuyến nghị gì với các đồng nghiệp nghệ sĩ của mình?
Thái Thùy Linh: Mỗi người đều có mục đích trong hoạt động của mình. Từ khi tham gia hoạt động xã hội, vài ba năm đầu, tôi tham gia với tư cách là ca sĩ Thái Thùy Linh. Nhưng đã từ nhiều năm rồi, có hai Thái Thùy Linh khác nhau với tâm thế khác nhau. Một Thái Thùy Linh hoạt động nghệ thuật, một Thái Thùy Linh hoạt động vì cộng đồng. Có thể nhiều người không tách bạch về tôi, vì hai việc này tôi làm song song.
Có thể thấy, là nghệ sĩ thì liên quan đến hình ảnh nhưng khi tôi tham gia đi cứu trợ, tôi không hề trang điểm hay váy áo nọ kia. Tôi “cất” danh hiệu Thái Thùy Linh ca sĩ, nghệ sĩ ở nhà. Tôi rất rạch ròi. Thậm chí, trong nhiều chương trình tôi tổ chức cứu trợ nhưng tôi không hề hát vì tôi làm với tư cách là một tình nguyện viên, một người tổ chức.
Trên các tem dán vào hàng cứu trợ, người nhận sẽ thấy ghi “nhóm Thái Thùy Linh” chứ không hề có chữ “ca sĩ” hay “nghệ sĩ” và sau này là “nhóm người Việt thương nhau”.
Tôi hình như là duy nhất không để “fan club” vào việc thiện nguyện của mình. Những người tham gia cùng tôi đều là tự nguyện, đợt này tham gia nhưng đợt sau bận có thể nghỉ. Sau nhiều năm, tôi đã có được những kỹ năng và kinh nghệm về việc tổ chức và phân phối hàng cứu trợ tương đối chuyên nghiệp. Về bản thân tôi, tôi tách bạch như thế.
Nhưng với các nghệ sĩ khác, tôi chỉ đưa ra một ví dụ về bản thân, để các đồng nghiệp nghệ sĩ khác tham khảo, chứ không khuyên. Nhất là với những nghệ sĩ lần đầu hoặc không hề có kinh nghiệm về công tác thiện nguyện, cứu trợ này. Vì làm gì cũng thế thôi, tính chuyên nghiệp đều cần có từ mình hoặc đồng đội của mình. Chẳng hạn, đi vào vũng lũ, vùng thiên tai nói chung, có nhiều rủi ro, tai nạn, mất sức không hát được…
Những nghệ sĩ cần dùng ảnh hưởng của mình để kêu gọi nhiều người tham gia đóng góp cứu trợ tiền bạc, vật phẩm, hàng hóa… cứu trợ. Sau đấy, tìm một đơn vị đáng tin cậy để trao gửi hoặc làm cùng hoặc cùng tham gia để giám sát việc phân phối tiền và hàng cứu trợ đến người nhận.
Khảo sát cần nhiều chiều thông tin, và khả năng phân tích
- Chị vừa đi về sau đợt 4-5 chuyến cứu trợ liên tục, điều gì gây ấn tượng sâu sắc với chị đợt này?
Thái Thùy Linh: Phóng viên có muốn nghe sự thật không?
- Được thế thì quý quá.
Thái Thùy Linh: Chuyến cứu trợ ở một điểm trên Yên Bái vừa rồi gây cho tôi một ấn tượng, để lại trong tôi một góc nhìn khác về thông tin và khảo sát trước và trong cứu trợ.
Trước khi đi, tôi có 4 kênh “online” để khảo sát điểm đến, dù vậy tôi vẫn chưa yên tâm. Sát ngày đoàn và xe hàng chở đồ cứu trợ lên đường, tôi bèn đi trước để trực tiếp khảo sát. Gặp một số người dân, họ bảo “Ôi chị ơi, chị phát trực tiếp cho dân đi. Chị đừng thông qua chính quyền, vì qua đó, quà không đến tay dân được hết đâu. Người ta chỉ phát một phần, còn thì sẽ cất ở hội trường… Dân thì thiếu mà họ vẫn để một đống quà ở đấy, không chia”.
Hỏi phía chính quyền, họ trả lời: “Dân ở khu vực đó thì có rồi, đã nhận rồi, nhưng họ vẫn kêu như vạc”. Thông tin từ cán bộ thôn như trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn thì không trùng nhau. Cán bộ Hội Chữ thập đỏ, cán bộ xã thì nói khác nhau.
Vậy, thông tin nào chính xác? Tìm hiểu, xem xét các phía, thì phía nào nói cũng có lý. Cán bộ xã là về mặt chính quyền, có vai trò phân phối, thì hướng tới sự công bằng, phải căn cứ vào thực trạng thực tế. Không thể làng nào giỏi kêu như mạng xã hội thì nhận nhiều phần quà hơn.
Như vậy, tôi mới thấy là thông tin ban đầu của chúng tôi là đến từ những lời kêu lâm ly thống thiết từ người dân thông qua mạng xã hội. Kiểm tra qua 2-3 người dân, thì họ cũng nói như nhau. Nhưng lên đến nơi, thì mới biết có người dân nói không hẳn chuẩn, họ chỉ nói đúng “một bộ phận của con voi”. Nước ngập không? Có. Bị cô lập không? Có. Có hết gạo ăn không? Có. Nhưng mới là nguy cơ hết tạm thời. Chỉ là không có đường ra chợ mua gạo, vì đường bị ngập. Thóc còn trong nhà nhưng cũng không thể ra xưởng để xay xát. Khi vài ngày nước rút, thì lại ok mọi sự. Còn thời điểm này, có những nơi cần hơn.
- Cảm ơn chị!
Nguyễn Quốc – Vũ Hoàng Anh (thực hiện)
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/ca-si-thai-thuy-linh-cac-to-chuc-nha-nuoc-va-ca-nhan-nen-chung-tay-cung-lam-tu-thien-post591773.antd