Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh

Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội chợ
Tham dự Ngày hội có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBDN các tỉnh có sản xuất cá tra (An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre...); các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã; người nuôi trồng thủy sản, nhà cung ứng vật tư đầu vào, chế biến và tiêu thụ ngành hàng cá tra trong tỉnh, khu vực...
Chủ đề “Cá tra Đồng Tháp: Hành trình xanh - Giá trị xanh” nhấn mạnh đến sự chuyển biến tích cực của ngành hàng cá tra với sự cam kết phát triển sản xuất ngành hàng theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững với môi trường; tạo ra các giá trị xã hội bao trùm, giúp cải thiện đời sống và công bằng xã hội, trong khi giảm đáng kể những rủi ro về môi trường và khan hiếm nguồn lực sinh thái, đáp ứng ngày càng cao các tiêu chí nhập khẩu của thị trường trong nước và quốc tế.
Chuyên gia hướng dẫn doanh nghiệp Đồng Tháp quảng bá sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản của Đồng Tháp trên TikTok Shop
Nhiều hoạt động ý nghĩa
Ngày hội Cá tra lần này có nhiều hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn như: liên hoan văn nghệ, thi đấu thể thao; hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới; hoạt động thả cá ra tự nhiên; hội thi ẩm thực các món ngon từ cá tra; trưng bày, triển lãm sản phẩm OCOP tiêu biểu gắn với chuỗi giá trị ngành hàng cá tra; đêm văn nghệ truyền thống ngành hàng cá tra; thả ngư đăng trên sông; hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Theo đó, Hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại vùng biên giới Đồng Tháp năm 2024, với quy mô khoảng 150 gian hàng thuộc 80 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia, trưng bày, giới thiệu các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh, thành phố lân cận cùng nhiều sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đến từ Vương quốc Campuchia. Đặc biệt, Hội chợ còn dành không gian giới thiệu chuỗi sản phẩm ngành hàng cá tra, là một trong những ngành hàng chủ lực của Việt Nam - Đồng Tháp nói chung và TP Hồng Ngự nói riêng.
Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp phối hợp Công ty CP giải pháp Truyền thông NET VIET tổ chức Chương trình tập huấn xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm OCOP địa phương, với chủ đề “Doanh nghiệp chuyển mình trong thời đại chuyển đổi số” và tổ chức phiên Livestream quảng bá đặc sản Đồng Tháp trên nền tảng TikTok.
Hội thi ẩm thực các món ngon từ cá tra Đồng Tháp với chủ đề “Thăng hoa cùng món ngon cá tra Đồng Tháp”, có 29 đội, mỗi đội 2 - 3 thành viên là những đầu bếp đến từ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng cá tra khu vực ĐBSCL đã chế biến, trình bày nhiều món ngon, thu hút sự cổ vũ của nhiều đại biểu và du khách.
Với mong muốn kêu gọi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ nguồn nước - môi trường sống cho các loài thủy sinh bản địa, tối 16/11, UBND TP Hồng Ngự tổ chức đêm thả ngư đăng, hoa đăng. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhắc nhở cộng đồng về tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu chuộng hòa bình và gửi niềm tin về ngày mai tốt đẹp hơn...
Sáng 17/11, Ban Tổ chức Ngày hội Cá tra Đồng Tháp năm 2024 tổ chức hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại khu vực bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thuộc Khóm 3, phường An Thạnh, TP Hồng Ngự với trên 100.000 con cá các loại như: cá mè vinh, cá he, cá rô phi, cá tra được thả ra môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời kêu gọi chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản cho thế hệ mai sau.
Các món ăn được chế biến từ cá tra tham gia hội thi
Phát huy giá trị ngành hàng cá tra
Ngày 17/11, tại Hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp diễn ra Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến; ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT; ông Nguyễn Phước Thiện - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.
Phát biểu chào mừng hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện cho rằng, cá tra được xem là sản phẩm chủ lực của Việt Nam nói chung và của vùng ĐBSCL nói riêng luôn được quan tâm đầu tư và phát triển. Thời gian qua, người dân ĐBSCL đã phát triển nghề nuôi cá tra lên một tầm vóc mới với việc hình thành những trang trại, nhiều vùng nuôi chuyên nghiệp được ứng dụng khoa học, kỹ thuật.
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, trong năm 2024, sản lượng cá tra cả nước ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/10/2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Cả nước có 1.920 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 2 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống bố mẹ; 76 cơ sở sản xuất giống và 1.842 cơ sở ương dưỡng cá tra bột lên cá giống; có 61/76 cơ sở sản xuất giống và 97/1.842 cơ sở ương dưỡng giống được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong năm 2024, ngành chức năng đã kiểm tra, duy trì điều kiện sản xuất cho 38/61 cơ sở sản xuất giống và 81/97 cơ sở ương dưỡng giống. Bên cạnh đó, cả nước có 46 nhà máy có vốn đầu tư trong nước và 40 nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài tham gia sản xuất thức ăn hỗn hợp cho cá tra, có trụ sở, địa điểm sản xuất trên địa bàn các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp... mỗi năm sản xuất khoảng 2,2 triệu tấn thức ăn hỗn hợp cho cá tra...
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đề ra giải pháp phát triển ngành hàng cá tra. Trong đó, đề xuất giải pháp phát triển sản xuất giống cá tra bền vững hơn như: ứng dụng công nghệ trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cá tra giống, áp dụng chuyển đổi số trong chuỗi sản xuất cá tra, đầu tư hạ tầng chuyên nghiệp...
Quang cảnh hoạt động thả cá
Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh Đồng Tháp ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630ha (tăng 10ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023). Tình hình tiêu thụ cá tra tương đối ổn định, giá bán cá tra thương phẩm (loại 0,7 - 0,8kg/con) dao động từ 26.400 - 27.600 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất giảm (do giá thức ăn giảm) nên người nuôi có lợi nhuận. Trên địa bàn tỉnh hiện có 902 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó có 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng; ước cả năm 2024 sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống...
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và tỉnh, thành phố quan tâm phát triển nguồn con giống tốt cho ngành hàng cá tra Việt Nam. Để nâng cao giá trị cho ngành hàng cá tra, phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học của các viện, trường; kiên quyết đưa công nghệ cao vào sản xuất giống; quản lý chặt chẽ hơn nguồn giống, tiêu chí, tiêu chuẩn con giống. Cùng với đó, doanh nghiệp tiên phong trong sản xuất giống, áp dụng công nghệ mới sản xuất giống; tận dụng phế phụ phẩm trong sản xuất cá tra để làm nguyên liệu thức ăn dinh dưỡng cho ngành nông nghiệp tạo thành nền kinh tế tuần hoàn; chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cá tra. Điều này giúp thực hiện đúng định hướng sản xuất giảm phát thải...
Nhóm PV Kinh tế
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/ca-tra-dong-thap-hanh-trinh-xanh-gia-tri-xanh-127156.aspx