Dù xuất khẩu mạnh mẽ tới hơn 140 quốc gia, cá tra - niềm tự hào của ngành thủy sản Việt Nam - vẫn chưa thể tìm được vị trí xứng đáng trên mâm cơm người Việt.
Tiềm năng nội địa bị bỏ ngỏ
Cá tra từ lâu đã là mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, mỗi năm mang lại hàng trăm nghìn tấn sản lượng và xuất hiện trên bàn ăn của người tiêu dùng tại hơn 140 quốc gia. Được nuôi trồng, chế biến theo quy trình nghiêm ngặt và đạt chuẩn quốc tế, cá tra hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chí an toàn, tiện lợi và dinh dưỡng cho người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, tại các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, cá tra nội địa vẫn bị “lép vế” so với các loại cá nhập khẩu như cá hồi Nauy, cá tuyết, cá basa nước ngoài. Sản phẩm cá tra (nếu có) thường nằm ở các vị trí khuất, bao bì đơn giản, thiếu thông tin và kém thu hút. Quan trọng hơn, sự thiếu vắng các thương hiệu cá tra nội địa mạnh khiến người tiêu dùng chưa có đủ lòng tin để lựa chọn và gắn bó với sản phẩm này trong bữa ăn hằng ngày.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu từng thử quay lại thị trường trong nước, nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ, mang tính thử nghiệm, chưa có đầu tư dài hạn. Trong khi đó, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu mở rộng và nhu cầu thực phẩm an toàn, tiện lợi ngày càng cao, vẫn là một “mảnh đất vàng” chưa được khai thác tương xứng.
Cần một cuộc tái định vị toàn diện
Theo các chuyên gia, muốn đưa cá tra muốn chinh phục thị trường nội địa, điều đầu tiên cần thay đổi là tư duy tiếp cận thị trường trong nước. Không thể tiếp tục coi nội địa là thị trường phụ hay nơi tiêu thụ phần dư thừa từ xuất khẩu. Ngược lại, cần đầu tư bài bản vào hình ảnh thương hiệu, trải nghiệm tiêu dùng và chất lượng phục vụ để cá tra thực sự trở thành lựa chọn đáng tin cậy của người tiêu dùng Việt.
Cụ thể, việc tái định vị cần được thực hiện từ nhiều hướng: cải tiến bao bì bắt mắt, cung cấp đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, phát triển các dòng sản phẩm phù hợp với thị hiếu như cá tra cắt lát ướp sẵn, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em và người cao tuổi, hay thực phẩm “healthy” cho người ăn kiêng. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái thương hiệu bài bản từ nhận diện, truyền thông đến dịch vụ hậu mãi cũng là yếu tố then chốt.
Ở tầm vĩ mô, các hiệp hội ngành hàng như VASEP cần đóng vai trò dẫn dắt. Các chiến dịch quy mô lớn như “Người Việt dùng cá Việt” cần được triển khai thực chất, gắn với các hoạt động cụ thể như tuần lễ cá tra tại siêu thị, chương trình nấu ăn cùng đầu bếp nổi tiếng, hay hợp tác với các KOLs ẩm thực để lan tỏa hình ảnh tích cực về cá tra trên mạng xã hội.
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức như rào cản kỹ thuật, biến động tỷ giá, chính sách thuế và các yếu tố địa chính trị, thị trường nội địa đang nổi lên như một “tấm đệm an toàn” cho doanh nghiệp duy trì sản xuất, ổn định dòng tiền. Không chỉ là giải pháp tình thế, nếu đầu tư đúng hướng, nội địa có thể trở thành nơi thử nghiệm ý tưởng sản phẩm mới, từ đó mở rộng ra thị trường quốc tế.
Một khi cá tra hiện diện phổ biến trong các suất ăn công nhân, thực đơn học sinh, bữa cơm gia đình và cả nhà hàng cao cấp, đó sẽ là minh chứng cho sự trưởng thành toàn diện của ngành cá tra Việt Nam. Không còn là sản phẩm thuần xuất khẩu, cá tra có thể và cần trở thành biểu tượng của nông nghiệp hiện đại và bản sắc ẩm thực dân tộc.
Thị trường nội địa, vì thế, không chỉ là phần còn lại của một chiến lược kinh doanh, mà chính là nền tảng vững chắc để ngành cá tra phát triển tự chủ, bền vững và lâu dài. Khi người Việt có thể tự hào tiêu dùng cá tra theo cách hiện đại và thông minh nhất, cũng là lúc ngành cá tra thực sự bước sang một chương mới - chương của nội lực, bản lĩnh và hội nhập vững vàng.
THANH TRÀ