Ca tử vong do bạch hầu ở Cao Bằng, chưa phát hiện được nguồn lây

Ca tử vong do bạch hầu ở Cao Bằng, chưa phát hiện được nguồn lây
7 giờ trướcBài gốc
Ngay sau khi ghi nhận 1 ca tử vong do Bạch Hầu tại Cao Bằng, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn đã đến giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ tình hình bệnh bạch hầu tại xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Y tế còn có đại diện Cục YTDP; Cục Quản lý Khám chữa bệnh; BV Nhi Trung Ương; Khoa Dịch tễ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trao đổi, cập nhật kiến thức mới về bệnh bạch hầu cho cán bộ y tế Cao Bằng.
Báo cáo của TTYT huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng cho biết, hộ gia đình có ca bệnh tử vong ở xóm Khau Noong, xã Thạch Lâm, nằm biệt lập trên một quả đồi cách xa các hộ gia đình khác. Gia đình gồm 8 người sinh sống, hiện tại chưa ai có dấu hiệu triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Tổng số trường hợp tiếp xúc gần bước đầu được xác định 19 người (trong đó tại trường học 11 người, tại gia định bệnh nhân là 8 người).
TTYT huyện Bảo Lâm đã báo cáo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cao Bằng tiến hành xác minh và lập danh sách các đối tượng có nguy cơ cao do tiếp xúc gần, phối hợp triển khai phun khử khuẩn trong và xung quanh nhà, điểm trường mầm non và tiểu học bằng Cloramin B nơi bệnh nhân sinh sống, học tập và điều trị; trực tiếp giám sát tại thực địa, thực hiện việc lấy mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần với bệnh nhân; cử đội đáp ứng nhanh xuống hỗ trợ Trạm Y tế xã Thạch Lâm thực hiện giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các ca nghi ngờ, hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng.
Hiện nay, chưa xác định được nguồn lây của ca bệnh, vì vậy, địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc đánh giá nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn, việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh còn gặp nhiều khó khăn do các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh đều ở các xóm vùng cao, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn chủ yếu là đi bộ.
Năm 2024, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn huyện Bảo Lâm mới đạt 38%, xã Thạch Lâm đạt 37,5%; tiêm vắc xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 43,6%...
Đoàn giám sát hỗ trợ, điều tra dịch tễ của Bộ Y tế đã chỉ đạo lấy thêm 8 mẫu bệnh phẩm là người tiếp xúc gần những người trong gia đình bệnh nhân gửi Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Hướng dẫn trực tiếp cho học sinh uống thuốc điều trị dự phòng, đồng thời hướng dẫn giáo viên điểm Trường Mầm non, Tiểu học Khau Noong cách cho học sinh uống thuốc, khuyến cáo giáo viên cách theo dõi sức khỏe học sinh, khi có biểu hiện bất thường cần báo cho Trạm Y tế xã.
Tính đến sáng 26/11, cơ quan y tế đã lấy tổng số 16 mẫu bệnh phẩm đưa về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Để chủ động tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan trên diện rộng, Đoàn công tác của Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế Cao Bằng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh trên địa bàn có bệnh nhân mắc bệnh và tại cộng đồng. Tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý môi trường bằng hóa chất; điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân, thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân nếu xuất hiện các ca bệnh, hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh chuyển biến nặng, tử vong. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Thời gian tới, cần rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, nhất là tại địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trong chuyến công tác, bác sĩ của BV Nhi Trung ương đã hướng dẫn cho các cán bộ y tế huyện Bảo Lâm khám phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh bạch hầu. Qua đó, trang bị cho đội ngũ viên chức y tế làm công tác khám, chữa bệnh có đầy đủ kiến thức chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu, nâng cao năng lực tổ chức khám sàng lọc, cách ly, thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định.
Nâng cao kỹ năng công tác dự phòng lây nhiễm, kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh, kỹ năng giám sát, phát hiện sớm bệnh bạch hầu tại cộng đồng.
Mai Hoa
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/ca-tu-vong-do-bach-hau-o-cao-bang-chua-phat-hien-duoc-nguon-lay-169241126101508459.htm