Phản ánh tới báo Lao động Thủ đô, nhiều người dân tại xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, hàng loạt bến cảng, bãi tập kết, trung chuyển và kết vật liệu xây dựng, trạm trộn bê tông “mọc” lên dọc bên bờ sông Cầu và thường xuyên hoạt động tấp nập, điều này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, vấn đề ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự trên địa bàn, mà còn gây bức xúc dư luận.
Nhức nhối nhất trong khu vực này phải kể đến đó là sự tồn tại của cảng Hòa Bình. Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực ven sông Cầu thuộc địa bàn thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, cách tuyến đường tỉnh 296, hướng đi từ xã Trung Giã sang huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chỉ khoảng 200m, khu vực “cảng Hòa Bình” (ngã ba sông Cầu - sông Công) với diện tích lên đến hàng chục nghìn m2 thường xuyên diễn ra các hoạt động bốc xếp than, cát, sỏi, đất đá, dăm gỗ… từ tàu lên bãi tập kết và từ bãi lên các xe tải.
Theo quan sát, khu vực cảng Hòa Bình có chiều dài khoảng 300 - 400m, xung quanh được xây dựng kiên cố bằng bê tông; trên cảng, nhiều cẩu trục được lắp đặt cố định, cùng với hàng loạt máy xúc các loại hoạt động tấp nập.
Toàn cảnh khu vực cảng Hòa Bình và các bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép tại địa bàn thôn Hòa Bình, xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn (Hà Nội).
Từ đường tỉnh 296 rẽ vào khu vực cảng, đường được làm bằng bê tông kiên cố chạy quanh cảng. Thời điểm ghi nhận, phóng viên chứng kiến hàng loạt xe tải trọng lớn xếp hàng dài chờ vào cảng vận chuyển than, cát, sỏi. Trong khi đó, phía ngoài sông, một số tàu chở hàng cỡ lớn cũng đang neo đậu chờ cập cảng.
Đáng nói, hoạt động của cảng Hòa Bình diễn ra hằng ngày và rất sôi động, xe tải trọng lớn ra vào cảng tấp nập, điều này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, mà còn ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ, đảm bảo an ninh đê điều. Thậm chí, theo quan sát của chúng tôi, ngay sát cảng Hòa Bình là sự tồn tại của 2 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động rầm rộ. Ngạc nhiên hơn, ngay sát khu vực cảng là một số nhà xưởng lợp tôn, trạm trộn bê tông được dựng lên và hoạt động “như chốn không người”…
Cảng Hòa Bình (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) được xây dựng bê tông kiên cố, tàu ra vào cảng tấp nập.
“Khu vực cảng Hòa Bình hoạt động nhiều năm nay rồi, tôi nghe nói năm 2023 khu vực này từng bị cơ quan chức năng ra quyết định xử lý vi phạm, đình chỉ hoạt động và buộc khắc phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm… Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn khu vực cảng này lại hoạt động rầm rộ trở lại, thậm chí hiện nay cảng còn được mở rộng hơn trước”, một người dân tại thôn Hòa Bình cho hay.
Chính quyền địa phương “tạo điều kiện” cho cảng Hòa Bình hoạt động?
Để làm rõ phản ánh của người dân về khu vực bến cảng Hòa Bình và các bãi chứa, trung chuyển, tập kết vật liệu xây dựng trên địa bàn xã Trung Giã, chúng tôi liên hệ làm việc với ông Khổng Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Trung Giã và được ông Hoàn thông tin, khu vực cảng Hòa Bình hiện thuộc quyền quản lý của gia đình ông Nguyễn Quốc Hùng.
“Đây đều là đất nông nghiệp được người dân mua gom lại làm bến trung chuyển và nếu các hộ dân không bỏ tiền ra mua gom, thì khu vực cảng Hòa Bình đã thành sông rồi?”, ông Hoàn cho hay.
Hoạt động chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng như than, cát, sỏi... diễn ra tấp nập tại cảng Hòa Bình.
Liên quan đến nội dung phản ánh về cảng Hòa Bình được xây dựng kiên cố và hoạt động rầm rộ, tàu hàng ra vào tấp nập, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông đường thủy nội địa, ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ và hàng loạt vấn đề liên quan đến an ninh trật tự… nhưng chưa có giấy phép xây dựng bến cảng, chưa có giấy phép hoạt động, Chủ tịch UBND xã Trung Giã Khổng Văn Hoàn khẳng định, khu vực cảng Hòa Bình hiện hoàn toàn chưa có giấy phép hoạt động, đây cũng là vấn đề khiến xã “đau đầu”.
“Hiện xã đang kêu để giúp cho các hộ, muốn tạo điều kiện cho các hộ hoàn thiện hồ sơ thuê đất với Nhà nước, tuy nhiên việc này hơi khó”, ông Hoàn nói.
Trước câu trả lời của Chủ tịch UBND xã Trung Giã về việc “khó xử lý” vi phạm, cũng như việc “tạo điều kiện” để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thuê đất và hoạt động… chúng tôi đặt câu hỏi, nếu không hoàn thiện được hồ sơ thì vi phạm vẫn để tồn tại? ông Hoàn cho biết: “Nếu không hoàn thiện được hồ sơ thì “1 - 2 năm” sẽ phải xử lý, chứ Nhà nước đang thực hiện quyết liệt như vậy làm sao để tồn tại được. Và nếu báo chí phản ánh thì đồng nghĩa với việc “các ông” đóng cửa luôn, đừng nói đến việc xin phép làm gì, cho nên rất khó khăn. Trách nhiệm của Nhà nước thì bắt buộc mình phải làm, nhưng để dừng hẳn thì khó khăn lắm”.
Mặc dù không có giấy phép hoạt động, tuy nhiên khu vực cảng Hòa Bình vẫn hoạt động rất tấp nập ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ tại địa phận xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn.
Đề cập đến việc xử lý quyết liệt của cơ quan Nhà nước, theo ông Khổng Văn Hoàn, xã đã nắm bắt được Văn bản chỉ đạo ngày 19/8/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn Thành phố; bên cạnh đó, xã cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị lên huyện và hằng năm vẫn tiến hành rà soát, báo cáo. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị được cung cấp các báo cáo thì vị Chủ tịch UBND xã Trung Giã viện lý do trì hoãn và khất lần với lý do “cán bộ địa chính đi vắng”.
Không chỉ tồn tại trên đất nông nghiệp, khu vực cảng Hòa Bình và các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu, trạm trộn bê tông xung quanh cảng còn nằm trong khu vực thoát lũ của sông Cầu, vì thế, vấn đề đảm bảo hành lang thoát lũ là cực kỳ quan trọng. Thế nhưng nhiều năm qua, hàng loạt bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng “chui” vẫn đua nhau hoành hành và mở rộng với quy mô ngày một lớn hơn như “chốn không người”, nhưng các cơ quan quản lý địa phương lại có dấu hiệu “ngó lơ” để các công trình vi phạm tồn tại.
Trong khi đó, cũng khẳng định có việc vi phạm hoạt động không phép ở các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng tại khu vực cảng Hòa Bình khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sóc Sơn cho hay: “Rất khó khăn trong việc xin cấp phép của các đơn vị ở bãi tập kết này, vì nó còn liên quan đến vấn đề quy hoạch bến thủy nội địa. Huyện đã kiểm tra, xử lý và yêu cầu các đơn vị hoàn thiện thủ tục thuê đất theo quy định”.
Máy xúc, xe tải nặng thường xuyên ra vào cảng Hòa Bình vận chuyển hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, giao thông, môi trường...
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc huyện “khó xử lý” thì vi phạm vẫn được để tồn tại?, ông Toàn nói: “Không vì việc đó mà để tồn tại như vậy, và không có việc huyện bao che. Huyện vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển nhưng phải theo quy định của pháp luật. Trong thời gian nhất định, nếu các hộ không hoàn thiện thủ tục thuê đất thì đến một thời hạn sẽ phải xử lý”.
Được biết, tại khu vực cảng Hòa Bình do ông Nguyễn Quốc Hùng quản lý, ngày 20/3/2020, UBND xã Trung Giã đã có quyết định số 111/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường với ông Nguyễn Quốc Hùng; tiếp đó, ngày 4/4/2023 UBND huyện Sóc Sơn cũng đã có Quyết định số 1706/QĐ-XPVPHC với ông Hùng về nội dung trên.
Quyết định của huyện Sóc Sơn nêu rõ: Đình chỉ hoạt động nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của cơ sở 3 tháng; buộc khắc phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường… Các quyết định ban hành là vậy, nhưng hiện các công trình vi phạm tại khu vực này vẫn ngang nhiên tồn tại.