Các Big Oil chuyển hướng vào dầu khí, trì hoãn mục tiêu năng lượng sạch. Ảnh FT
Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2025
Các Chính phủ trên toàn cầu đã giảm tốc độ triển khai các chính sách năng lượng sạch và trì hoãn các mục tiêu sau xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào năm 2022.
Điều này dẫn đến chi phí năng lượng tăng cao khi nhiều cường quốc phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga nhằm cản trở nỗ lực quân sự của Moscow.
Hiệu suất cổ phiếu của các công ty năng lượng lớn tại châu Âu tụt lại so với các tập đoàn khổng lồ ở Mỹ như Chevron và Exxon, những công ty tập trung nhiều hơn vào dầu khí.
Rút lui khỏi đầu tư năng lượng sạch
Theo Reuters, BP và Shell đã cắt giảm kế hoạch chi hàng tỷ USD vào các dự án năng lượng sạch trong năm 2024.
Các công ty này chuyển hướng tập trung vào mảng kinh doanh dầu khí, lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hơn.
BP gần đây đã công bố kế hoạch hợp tác với công ty sản xuất điện JERA của Nhật Bản để thoái vốn khỏi phần lớn các dự án điện gió ngoài khơi của mình.
Trước đó, công ty này từng đặt mục tiêu tăng năng lượng tái tạo lên gấp 20 lần trong giai đoạn 2020-2030, đạt 50 gigawatt.
Shell cũng đã ngừng đầu tư vào các dự án điện gió ngoài khơi mới, rút khỏi thị trường điện tại châu Âu và Trung Quốc, đồng thời làm yếu đi các mục tiêu giảm khí thải carbon trong năm nay.
Trong khi đó, công ty nhà nước Equinor của Na Uy cũng giảm đầu tư vào các dự án năng lượng sạch.
Rohan Bowater, nhà phân tích tại Accela Research, chia sẻ với Reuters: “Những gián đoạn địa chính trị như xung đột tại Ukraine đã làm suy yếu động lực ưu tiên chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp, trong bối cảnh giá dầu cao và kỳ vọng nhà đầu tư dần thay đổi”.
Theo Reuters, BP, Shell và Equinor đã giảm chi tiêu cho các dự án carbon thấp xuống 8% trong năm 2024.
Shell cho biết vẫn cam kết trở thành công ty năng lượng không phát thải ròng vào năm 2050, đồng thời tiếp tục đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Equinor nói với Reuters: “Phân khúc điện gió ngoài khơi đã trải qua những thời kỳ khó khăn trong vài năm qua do lạm phát, chi phí tăng, và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Equinor sẽ tiếp tục với cách tiếp cận chọn lọc và kỷ luật hơn”.
Thách thức về khí hậu
Việc các công ty dầu mỏ lớn trì hoãn thực hiện các chính sách năng lượng sạch đang là một thách thức lớn.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng năm 2025 có thể là năm nóng nhất trong lịch sử, do lượng khí thải carbon dự kiến đạt mức cao kỷ lục, Reuters đưa tin.
Ngoài ra, chiến thắng của đảng Cộng hòa với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống cũng làm mờ kỳ vọng về các mục tiêu chuyển đổi năng lượng.
Tổng thống đắc cử Trump được dự báo sẽ ủng hộ các công ty dầu khí tại Mỹ, và bãi bỏ nhiều quy định về khí hậu được ban hành dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Các công ty năng lượng trên toàn cầu, đặc biệt tại châu Âu, đang theo dõi liệu ông Trump có rút lại các chính sách năng lượng sạch mang tính bước ngoặt của ông Biden hay không, vì nhiều công ty này đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Mỹ.
Nhu cầu dầu chững lại
Dù các công ty dầu mỏ đang cố gắng tập trung vào khai thác nhiên liệu hóa thạch để tăng lợi nhuận, nhưng kế hoạch của họ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tăng trưởng nhu cầu dầu đã chững lại trong năm qua, với nền kinh tế Trung Quốc suy yếu ảnh hưởng đến nhập khẩu dầu của quốc gia này.
Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, có thể đạt đỉnh về nhu cầu dầu trong vài năm tới, theo nhận định của các chuyên gia.
Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã nhiều lần trì hoãn việc tăng sản lượng trong năm 2024, cho thấy nhu cầu yếu kém.
Nguồn cung gia tăng từ Mỹ, Brazil, Guyana và các nước khác vào năm tới có khả năng khiến thị trường dư thừa nguồn cung, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Điều này có thể tiếp tục làm giảm lợi nhuận của các công ty dầu mỏ trong năm tới. Theo Reuters, ước tính của LSEG cho biết, tổng nợ ròng của 5 công ty dầu mỏ lớn nhất phương Tây dự kiến sẽ tăng lên 148 tỷ USD vào năm 2024, từ mức 92 tỷ USD vào năm 2022.
Nh.Thạch
AFP