Hội viên, phụ nữ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc gắn biển cho các gia đình tham gia CLB “Phụ nữ công giáo sống tốt đời đẹp đạo, xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”
Toàn tỉnh hiện có trên 800.000 người, trong đó có trên 11.700 tín đồ tôn giáo chính như Phật giáo, Công giáo và Tin lành chủ yếu ở huyện Bắc Sơn, Tràng Định, thành phố Lạng Sơn... Số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên trên toàn tỉnh là hơn 266.000 người, phụ nữ tôn giáo chiếm 0,9% số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-BCH ngày 19/2/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam khóa XI về “Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay”, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội kiện toàn, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động; hướng dẫn tổ chức các hoạt động (Lễ Phật đản, Noel...); vận động hội viên, phụ nữ vùng có đạo tham gia sinh hoạt hội, xây dựng tổ chức hội vững mạnh và tích cực tham gia các phong trào thi đua, thực hiện các chương trình, dự án, đề án... Cùng với đó, các cấp hội thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động theo phương châm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với đặc điểm, tập quán của từng vùng, trong đó tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, hoạt động của phụ nữ các cấp gắn với thực hiện tốt phong trào “Sống tốt đời, đẹp đạo”… Kết quả, trong 10 năm qua, các cấp hội tuyên truyền được 26.074 cuộc, thu hút trên 1 triệu lượt hội viên phụ nữ, trong đó có hội viên phụ nữ tôn giáo tham gia.
Chị Hà Phương Thảo, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định cho biết: Tôi theo đạo Công giáo. Bản thân tôi thường xuyên được hội phụ nữ các cấp tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chương trình, hoạt động của phụ nữ. Bên cạnh đó còn được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10… do các cấp hội phụ nữ tổ chức. Đặc biệt, gia đình tôi kinh doanh nông sản địa phương, do đó các cấp hội luôn tạo điều kiện cho tôi tham gia các hội chợ, ngày hội khởi nghiệp... do hội phụ nữ các cấp tổ chức hoặc hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... Nhờ đó, việc kinh doanh của gia đình có nhiều thuận lợi, thu nhập ổn định.
Bằng các hoạt động thiết thực, các cấp hội đã tập hợp đông đảo phụ nữ là đồng bào công giáo tham gia tổ chức hội. Đến nay, toàn tỉnh có 145/200 cơ sở hội đạt tỷ lệ thu hút, tập hợp hội viên trên 60% với hơn 170.000 hội viên (tăng trên 39.000 so với năm 2014), trong đó có 641 hội viên là phụ nữ tôn giáo (tăng trên 0,3% so với năm 2014).
Đặc biệt, trong những năm qua, các cấp hội còn tích cực hỗ trợ phụ nữ tôn giáo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc từ đó ngày càng tin tưởng, gắn bó với tổ chức hội. Bà Lăng Thị Lê Thùy, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, thành phố có 11 hội cơ sở với hơn 12.700 hội viên. Là địa bàn có nhiều đồng bào công giáo sinh sống, để thu hút, phát triển hội viên trong đó có hội viên phụ nữ tôn giáo, chúng tôi tập trung tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, tạo điều kiện để các chị em tiếp cận với các nguồn vốn vay hoặc tham gia tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ sửa chữa nhà ở... Cùng với đó, 100% cơ sở hội đều tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao để đáp ứng nhu cầu, tạo sân chơi cho hội viên trong đó có hội viên phụ nữ tôn giáo.
Được biết, đến thời điểm này, tổ chức hội phụ nữ toàn tỉnh đã đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ đạt trên 1.600 tỷ (tăng trên 800 tỷ đồng so với năm 2014), trong đó, có 12 gia đình phụ nữ tôn giáo được tiếp cận vốn vay và hỗ trợ thoát nghèo.
Bà Trương Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để tập hợp, thu hút và hỗ trợ phụ nữ tôn giáo đạt hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục yêu cầu các cấp hội thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống của hội viên, phụ nữ tín đồ tôn giáo để từ đó kịp thời phản ánh với hội cấp trên và cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết. Đồng thời duy trì và xây dựng mới nhiều mô hình, hoạt động hiệu quả để thu hút, tập hợp hội viên tôn giáo; quan tâm hỗ trợ, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với chị em phụ nữ; chuyển hướng các hoạt động từ hỗ trợ, chăm lo sang khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng và vai trò chủ thể của phụ nữ...
Với các giải pháp cụ thể, thiết thực, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức hội phụ nữ, đời sống của hội viên phụ nữ vùng có đạo đã có những đổi thay nhất định, nhiều chị em đã phát huy khả năng của mình trong sản xuất, kinh doanh và tham gia hoạt động xã hội, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
THU HIỀN