Giao dịch viên làm việc trên sàn chứng khoán ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hy vọng về một đợt tăng điểm cuối năm trên Phố Wall đã tan thành mây khói vào phiên giao dịch cuối tuần 27/12 khi nhóm cổ phiếu công nghệ đồng loạt lao dốc, trong khi đồng yen suy yếu lại đẩy chứng khoán Nhật Bản lên cao.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ kết thúc tuần lễ nghỉ lễ bằng một cú trượt dài. Trong đó chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,5% xuống 19.722,03 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,1% xuống 5.970,84 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8% xuống 42.992,21 điểm. Cổ phiếu Tesla giảm khoảng 5%, còn cổ phiếu của nhà sản xuất chip AI Nvidia mất khoảng 2%.
Thị trường chứng khoán Phố Wall thường có xu hướng tăng điểm vào dịp cuối năm, hiện tượng được biết đến với tên gọi "Santa Claus rally". Tuy nhiên, đợt tăng điểm vào đêm Giáng sinh đã không thể kéo dài, khi các chỉ số hầu như không biến động trong phiên giao dịch ngày 26/12 và sau đó lao dốc vào ngày 27/12.
Theo nhà phân tích Patrick O'Hare của chuyên trang về thị trường chứng khoán Briefing.com, một yếu tố gây lo ngại là lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên khoảng 4,6%, tăng gần 0,9 điểm phần trăm kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024, lần cắt giảm đầu tiên sau hơn 4 năm.
Chứng khoán Phố Wall đã từng bị ảnh hưởng nặng nề hồi đầu tháng này khi Fed cho thấy cơ quan này có thể sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với dự kiến trước đó. Điều này một phần xuất phát từ sự bất ổn liên quan đến lời hứa tăng thuế nhập khẩu của Tổng thống đắc cử Donald Trump, điều có thể làm tăng lạm phát vốn đã dai dẳng.
Theo số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 20/12, số liệu lạm phát mà Fed ưu tiên theo dõi đã tiếp tục tăng mặc dù mức tăng thấp hơn dự báo.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 11/2024 tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 2,3% trong tháng 10/2024. Tuy nhiên, chỉ số giá PCE chỉ tăng 0,1% so với tháng 10/2024, cho thấy mức tăng đã chậm lại, điều mà Fed mong đợi.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, chỉ số giá PCE lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,1% so với một tháng trước đó. Cả hai con số này đều thấp hơn so với dự kiến.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ của nước này đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 11/2024 khi các hộ gia đình gia tăng mua xe và hàng hóa trực tuyến, cho thấy động lực cơ bản mạnh mẽ của nền kinh tế khi sắp kết thúc năm 2024.
Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng 0,7% trong tháng 11/2024, cao hơn mức dự báo tăng 0,5% được các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra trước đó cũng như mức tăng 0,5% của tháng 10/2024. So với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 11 vừa qua, doanh số bán lẻ tăng 3,8%.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 8.149,78 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 1% lên 7.355,37 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,7% lên 19.984,32 điểm sau khi Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier giải tán Quốc hội vào ngày 27/12, mở đường cho một cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 23/2/2025. nhấn mạnh sự cần thiết của "sự ổn định chính trị" ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa tăng gần 2% lên 40.281,16 điểm, khi đồng yen suy yếu gần đây mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu lớn. Đồng yen đã chạm mức 158,08 yen đổi 1 USD vào tối ngày 26/12, mức thấp nhất trong gần 6 tháng, sau khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đưa ra những bình luận không rõ ràng về khả năng tăng lãi suất vào tháng tới.
Dữ liệu gần đây cho thấy lạm phát của Nhật Bản đã tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 12, trong khi sản xuất công nghiệp giảm ít hơn dự kiến trong tháng 11 và doanh số bán lẻ cao hơn ước tính trong tháng trước. Chính phủ Nhật Bản cũng đã thông qua một ngân sách kỷ lục cho năm tài chính tới, tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội đối với dân số già và quốc phòng để ứng phó với các rủi ro khu vực.
Chính phủ Nhật Bản ngày 20/12 công bố số liệu cho hay lạm phát của Nhật Bản trong tháng 11/2024 tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lõi, không bao gồm giá thực phẩm tươi sống và giá năng lượng, trong tháng 11/2024 tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn mức tăng 2,3% trong tháng 10/2024.
Lạm phát tiếp tục cao hơn mục tiêu 2% mà BoJ đặt ra hơn 10 năm trước nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước đang có dấu hiệu trì trệ.Kể từ tháng 4/2022, Nhật Bản đã không giữ được lạm phát ở mức mục tiêu 2%, mặc dù các nhà hoạch định chính sách của BoJ cho rằng điều này một phần do những yếu tố tạm thời như tình hình xung đột ở Ukraine.
Ngày 19/12, BoJ đã giữ nguyên lãi suất cho vay và cảnh báo về tình trạng không chắc chắn đối với nền kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Theo nhà phân tích Stefan Angrick của công ty nghiên cứu kinh tế Moody's Analytics, mặc dù tạm dừng việc tăng lãi suất, BoJ dường như quyết tâm tăng cường thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tuyên bố chính sách của BoJ vẫn duy trì quan điểm khá kiên định khi cho rằng kinh tế Nhật Bản đang phục hồi và sẽ tiếp tục tăng trưởng trên mức tiềm năng, một quan điểm có phần trái ngược với số liệu hiện tại.
Trong khi đó, nhà phân tích Stefan Angrick cho rằng nhu cầu yếu đã kìm hãm đà tăng trưởng của Nhật Bản và dự báo BoJ sẽ tăng lãi suất thêm hai lần trong năm 2025.
Còn tại Seoul, thị trường chứng khoán đóng cửa giảm 1% xuống 2.404,77 điểm sau khi đồng won giảm xuống mức thấp nhất gần 16 năm là 1.487,03 won đổi 1 USD vào sáng 27/12.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,1% lên 20.116,93 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,1% lên 3.400,14 điểm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã ghi nhận vài phiên giao dịch tích cực trước thềm lễ Giáng sinh, đặc biệt là vào ngày 24/12, với các chỉ số chính đều tăng trên 0,9%, cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong dịp lễ cuối năm. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng này vẫn còn những lo ngại về các yếu tố vĩ mô và chính trị có thể ảnh hưởng đến thị trường trong tương lai./.
(TTXVN/Vietnam+)