Sáng 27/12, Bộ LĐ-TB-XH tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Trình bày tham luận về “Nâng cao hiệu quả công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn TPHCM”, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Văn Thinh cho biết, tính đến hết tháng 11/2024, số người tham gia BHXH là hơn 2,6 triệu người (trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện là 50.706 người), đạt tỷ lệ 54,10% (vượt 9,1% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương giao đến giai đoạn năm 2025 là 45%).
Toàn cảnh hội nghị
Số người tham gia BHTN là hơn 2,5 triệu người, đạt tỷ lệ 52,03% (vượt 17,03% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương giao đến giai đoạn năm 2025 là 35%).
Tuy nhiên, ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 kéo dài và tình hình kinh tế chính trị thế giới đang diễn biến phức tạp thời gian qua gây khó khăn trong công tác phát triển đối tượng người tham gia BHXH. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn duy trì việc làm cho người lao động do giảm đơn hàng, buộc đơn vị tạm ngưng hoạt động hoặc phải cắt giảm lao động, đồng thời một số doanh nghiệp gia công, sử dụng đông lao động để giảm chi phí sản xuất đã di dời hoạt động sang địa phương khác và TPHCM cũng không nằm ngoài xu hướng trên.
Chế độ BHXH tự nguyện (hưu trí và tử tuất) và chính sách của Nhà nước hỗ trợ người tham gia đóng BHXH tự nguyện hiện hành chưa thu hút được người lao động sau khi nghỉ việc hoặc người dân (nhất là người lao động khu vực phi chính thức) tham gia hệ thống BHXH.
Một bộ phận người sử dụng lao động còn chưa nhận thức đúng hoặc cố tình vi phạm pháp luật về quyền lợi, trách nhiệm của các bên khi tham gia BHXH dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH còn phổ biến như: trốn đóng, nợ đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH; chưa tham gia hoặc không tham gia đúng số người lao động làm việc thực tế tại doanh nghiệp…
Còn theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, trong năm 2024, ngành LĐ-TB-XH Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, nhất là về an sinh xã hội, nâng cao thúc đẩy xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thủ đô.
Năm 2024, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật, như giải quyết việc làm cho hơn 225.000 lao động, đạt 136,9% so với kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho hơn 70.000 người, giảm 10% so với năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp toàn Hà Nội là 1,7%.
Sở đã tham mưu UBND TP Hà Nội hỗ trợ ủy thác ngân hàng chính sách TP Hà Nội 1.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động. Về tỷ lệ lao động qua đào tạo, Hà Nội đạt tỷ lệ 74,2%, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 95,25%, Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trên 46%.
Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo, chỉ còn 0,04% hộ cận nghèo, hoàn thành xây sửa nhà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Hà Nội chủ động xây dựng chương trình công tác năm 2025, dự kiến trong quý I hoàn thành 70% khối lượng công việc trước khi hoàn thành sắp xếp bộ máy.
Theo bà Bạch Liên Hương, với việc sắp xếp bộ máy, Hà Nội nói chung và ngành LĐ-TB-XH nói riêng, đây là một việc rất khó bởi đối tượng quản lý của ngành rất lớn, bộ máy với 11 phòng ban chuyên môn và chi cục, 37 đơn vị sự nghiệp và hơn 3.200 cán bộ.
“Tuy nhiên, chúng tôi đã quán triệt nghiêm túc, nhận thức sâu sắc chủ trương sắp xếp, từ đó thực hiện nhệm vụ mới với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao nhất, bằng lương tri và lòng tự trọng của những người làm công tác xã hội, giữ vững truyền thống vẻ vang của ngành, không ngừng nỗ lực, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình”, bà Hương nói.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, sự kiện hôm nay của ng LĐ-TB-XH mang rất nhiều cung bậc cảm xúc. Xem phóng sự khái quát về sự phát triển của ngành suốt 80 năm, mọi hoạt động của ngành đều gắn rất nhiều với tình thương, với lòng nhân, vì con người. Kết quả công tác lao động, người có công và xã hội năm 2024 và giai đoạn 2016 - 2024 đã ôn lại cả quá trình phát triển của ngành LĐ-TB-XH.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, làm công tác chăm sóc người có công là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, là tâm thế tri ân, nghĩa tình của dân tộc việt Nam. Làm về thị trường lao động, đào tạo nghề là thực hiện phần việc quan trong như đúc kết của cha ông “nghệ phải tinh”.
Ngành LĐ-TB&XH cũng hết sức cố gắng trong việc xây dựng thị trường và quan hệ lao động hài hòa, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa tiệm cận với thông lệ quốc tế. Xây dựng được chính sách tiền lương tối thiểu là phần việc mang ý nghĩa rất quan trọng, ghi nhận bước phát triển vượt bậc của thị trường lao động Việt Nam.
Những kết quả đạt được hiện nay là cả một quá trình mà những con số kết quả của năm 2024 chỉ thể hiện được một phần. Phó Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của ngành trong suốt lịch sử hình thành, phát triển của Bộ LĐ-TB&XH.
“Chúng ta phải đảm bảo làm sao tiền lương tối thiểu, chính sách lao động việc làm không phân biệt đối xử để hàng hóa bán ra thị trường nước ngoài”, Phó Thủ tướng nêu yêu cầu.
Các đơn vị của Bộ LĐ-TB-XH nhận cờ thi đua trong năm 2024.
Về chính sách an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH quan tâm những công dân thiệt thòi nhất trong xã hội, giúp họ được thụ hưởng chính sách tốt nhất.
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhất trí những việc ngành LĐ-TB&XH đã làm, đánh giá cao các kết quả, thành tích ngành đã làm trong thời gian dài, đặc biệt trong năm 2024.
“Tôi chia sẻ với những hạn chế, khó khăn vướng mắc mà các đồng chí đã điểm ra, đồng tình với giải pháp chúng ta đề ra cho năm 2025 và những năm tới”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nói.
Về phương hướng năm 2025, Phó Thủ tướng nhấn mạnh có 3 sự kiện phải làm cùng lúc: Sắp xếp, tổ chức bộ máy; Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc; duy trì, tăng trưởng kinh tế trên 7% tạo đà cho những năm sau.
Ngoài ra, tất cả chính sách thuộc các lĩnh vực Bộ LĐ-TB-XH đang trực tiếp tham mưu cho Đảng và Nhà nước về người có công, an sinh xã hội, lao động việc làm, hoàn toàn không thay đổi, mà phải làm tốt hơn, làm nhiều hơn phục vụ nhu cầu của đất nước.
“Với tinh thần như vậy, đề nghị mỗi cán bộ của ngành nghiêm túc chấp hành việc bố trí. Vì các chính sách đã và đang làm, đặc biệt thành tựu ngành làm được cho đến bây giờ, đó là sự phát triển tiệm cận và càng ngày càng nâng lên tầm cao mới. Chúng ta cố gắng duy trì, tiếp thu và truyền lại để không có sự gián đoạn dù ở cơ quan, tổ chức nào”, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh.
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Lê Thành Long mong cán bộ, nhân viên trong ngành vững tâm, thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước, phát huy truyền thống đã đạt được trong những năm vừa qua, để các việc chúng ta đã và đang làm tiếp tục được nhân rộng và phát huy, đạt thành tựu cao hơn nữa trong những năm tới.
Nguyễn Trang/VOV.VN