Các chính sách thương mại của Mỹ đang làm ngành nuôi lợn Trung Quốc rơi vào 'bế tắc'

Các chính sách thương mại của Mỹ đang làm ngành nuôi lợn Trung Quốc rơi vào 'bế tắc'
4 giờ trướcBài gốc
Một trong những hệ quả lớn từ cuộc chiến thương mại đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump là khẩu phần ăn của đàn lợn tại Trung Quốc đã trở nên đa dạng hơn.
Những hạt đậu nành ‘xếp hàng’ để được chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Getty Images
Khi ông Trump áp đặt thuế lên hàng hóa Trung Quốc vào năm 2018, Bắc Kinh đã đáp trả bằng việc đánh thuế 25% lên các sản phẩm nông nghiệp Mỹ, bao gồm đậu nành - một thành phần chính trong thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc.
Dù phần lớn thuế này đã được dỡ bỏ vào năm 2019, hậu quả để lại vẫn không nhỏ. Khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ, khoảng 40% lượng đậu nành nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ. Đến nay, con số này chỉ còn 18%. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh vẫn cho rằng sự phụ thuộc này là quá lớn.
Đảm bảo an ninh lương thực luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc kể từ khi các chính sách của Mao Trạch Đông dẫn đến nạn đói vào những năm 1950. Đảng Cộng sản Trung Quốc coi việc cung cấp lương thực giá rẻ, ổn định cho người dân là một trong những nền tảng của tính chính danh.
Với nhu cầu tiêu thụ thịt lợn khổng lồ, Trung Quốc mỗi năm sử dụng hơn 110 triệu tấn đậu nành, trong đó 80% là hàng nhập khẩu. Đây được coi là "điểm nghẽn" nguy hiểm trong chuỗi cung ứng lương thực, theo truyền thông nhà nước.
Việc Tổng thống Trump đắc cử và đe dọa khởi động một cuộc chiến thương mại mới đặt các lãnh đạo Trung Quốc vào tình thế khó khăn. Ông Trump từng đề cập khả năng áp thuế 60% lên hàng hóa Trung Quốc.
Ngay cả khi mức thuế thấp hơn được áp dụng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải có biện pháp đáp trả. Đậu nành Mỹ, vốn chiếm khoảng một nửa tổng lượng xuất khẩu mặt hàng này của Mỹ sang Trung Quốc, là mục tiêu dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, nếu áp thuế lên đậu nành Mỹ, Trung Quốc sẽ phải chịu chi phí tăng cao để nuôi lợn, đẩy giá thịt lợn lên cao hơn. Trong bối cảnh đó, các quan chức Trung Quốc đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đậu nành Mỹ bằng nhiều giải pháp.
Một trong những chiến lược là tăng cường hợp tác thương mại với khu vực Mỹ Latinh. Brazil, hiện là quốc gia cung cấp đậu nành lớn nhất cho Trung Quốc, đang trở thành đối tác thương mại quan trọng.
Đặc biệt, dự án xây dựng cảng biển lớn tại Peru với sự hậu thuẫn của Trung Quốc dự kiến sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển và mở ra các tuyến thương mại mới giữa khu vực này và Trung Quốc.
Trong nước, nông dân Trung Quốc được hỗ trợ mạnh mẽ để trồng đậu nành. Dù công chúng còn e ngại cây trồng biến đổi gen, từ năm 2021, một số nông dân đã được phép canh tác loại đậu nành này. Các biện pháp này đã giúp Trung Quốc tăng sản lượng đậu nành từ 15 triệu tấn lên 20 triệu tấn mỗi năm trong 5 năm qua.
Mặt khác, nhiều trang trại đã giảm tỷ lệ đậu nành trong thức ăn chăn nuôi hoặc chuyển sang sử dụng các nguồn protein thay thế. Thậm chí, tại tỉnh Sơn Đông, một số nông dân nuôi chồn và cáo đã thử nghiệm dùng xác động vật chế biến thay thế đậu nành.
Các phòng thí nghiệm của Trung Quốc cũng mang đến hy vọng đột phá. Vào tháng 1, Viện Công nghệ Sinh học Công nghiệp Thiên Tân tuyên bố đã tổng hợp được protein phù hợp cho thức ăn chăn nuôi, sử dụng methanol chiết xuất từ than đá. Sản phẩm cuối cùng, theo các nhà khoa học, đủ rẻ để cạnh tranh với đậu nành.
Nếu công nghệ này được ứng dụng ở quy mô lớn, đây sẽ là "cuộc cácmạng" trong ngành nông nghiệp. Dù thiếu đất canh tác, Trung Quốc lại sở hữu trữ lượng than đá lớn và có thể tận dụng để sản xuất protein thay thế. Hơn nữa, lợn vốn không phải là loài kén ăn, điều này mở ra nhiều triển vọng để giải quyết bài toán phụ thuộc đậu nành nhập khẩu.
Hà Linh (Theo The Economist)
Nguồn Công Luận : https://congluan.vn/cac-chinh-sach-thuong-mai-cua-my-dang-lam-nganh-nuoi-lon-trung-quoc-roi-vao-be-tac-post322669.html