Các chủ vườn 'bưởi tiến vua' ở Yên Bái mất trắng hàng trăm tỷ sau mưa lũ

Các chủ vườn 'bưởi tiến vua' ở Yên Bái mất trắng hàng trăm tỷ sau mưa lũ
3 giờ trướcBài gốc
Hàng trăm hecta "bưởi tiến vua" mất trắng...
Được coi là vùng đất “thủy tổ” cây bưởi của Yên Bái, bưởi Đại Minh và Khả Lĩnh từng bước xác lập thương hiệu trên thị trường, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho nhiều hộ dân huyện Yên Bình và Yên Bái.
Clip mất trắng gần 100ha "bưởi tiến vua" sau cơn bão số 3.
Cơn bão số 3 vừa qua khiến các vườn bưởi đặc sản Đại Minh, huyện Yên Bình bị thiệt hại nặng. Gần 100ha bưởi sắp được thu hoạch đã bị ngập nước, rụng quả, thối rễ, chết hàng loạt.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có trên 200 gốc bưởi đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, trên 100 gốc bưởi của gia đình chị bị ngập nước, trong đó có 80 gốc đã bị rụng lá, rụng quả, Nhiều cây trong số đó đang có dấu hiệu chết héo. Ngay sau khi nước rút gia đình chị đã tập trung vệ sinh bề mặt vườn, thu gom quả rụng, đào hố chôn, rắc vôi khử trùng, cắt tỉa bỏ cảnh tăm, cành bệnh, cành bị tổn thương theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp với hy vọng cứu lại vườn bưởi.
Nhiều diện tích bưởi Đại Minh tiêu điều sau trận lũ lụt lịch sử vừa qua.
"Có những quả ở trên cây tưởng là vớt vát được, nhưng khi bổ ra đã héo và hỏng hoàn toàn. Lấy cuốc xới thử một gốc, toàn bộ rễ cây đã thối đen, không thể cứu được nữa. Những năm trước, thi thoảng cũng có nước lũ tràn qua rồi rút nhanh, năm nay mưa nhiều, hồ thủy điện xả lũ lớn nên vườn bưởi bị ngập sâu trong nước hơn 5 ngày trời, khi nước rút, nắng lên cây đồng loạt chết khô", chị Thủy ngậm ngùi.
Cũng giống như gia đình chị Thủy, sau bão số 3, toàn bộ diện tích bưởi gia đình ông Nguyễn Văn Tá ở thôn Minh Thân, xã Đại Minh rộng hơn 4.000m2 với hơn 230 cây đã trồng 8 năm nay chẳng còn cây nào sống sót. Dưới các rãnh trong vườn. nước vẫn ứ đọng, nhiều quả bưởi thối bốc mùi chua loét.
Thẫn thờ cầm chiếc cưa sắt cắt hết cành một số cây với hy vọng sẽ nảy mầm mới, nhưng ông Tá cũng không biết có được không.
"Tám năm trước, tôi chuyển đổi hơn 1 mẫu ruộng lúa sang trồng bưởi để có thu nhập khá hơn. Bưởi trồng từ năm thứ 5 trở đi bắt đầu bói quả, đến năm ngoái, vườn bưởi đã cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Năm nay, các cây bưởi sai quả trĩu cành, tưởng sẽ có một vụ bội thu nhưng... giờ thì mất trắng. Đợt vừa rồi, các nông dân vùng bưởi chúng tôi mất hàng trăm tỷ, giờ biết trông cậy vào đâu".
Tìm chuyên gia cứu vùng bưởi
Được biết, ngay sau khi nước rút, huyện Yên Bình đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, đồng hành cùng người dân kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại đề xuất phương án khắc phục phù hợp.
Đối với diện tích bưởi bị ảnh hưởng vẫn có khả năng cho thu hoạch, cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người dân khơi thông, đào rãnh thoát nước, cắt tỉa cành, tiếp tục chăm sóc để đảm bảo chất lượng quả.
Việc tỉa cành, xới gốc là giải pháp ban đầu để phục hồi những cây bị thiệt hại nhẹ.
Ông Lã Tuấn Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái cho biết: "Nhiều cây bưởi bị rụng quả hoặc vàng lá, cành bị chết từng phần do ngập trong nước lâu ngày, mất khả năng quang hợp. Phần gốc cây hầu hết bị long tróc, bộ rễ bị tổn thương và bị vi sinh vật gây hại sau mưa lũ".
Với diện tích bưởi bị ngập úng không cho thu hoạch quả nhưng vẫn có khả năng phục hồi cây, huyện Yên Bình đã phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trực tiếp tới khảo sát mức độ thiệt hại, đánh giá khả năng phục hồi, thực hiện làm mô hình phục hồi mẫu cho cây bưởi trên diện tích 1ha và hướng dẫn trực tiếp cho người dân kỹ thuật chăm sóc.
Tại đây các chuyện gia đầu ngành của viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện và hướng dẫn các hộ trồng bưởi vệ sinh toàn bộ vườn cây, cắt bỏ toàn bộ cành bị khô chết, để lại phần tán trên ngọn, sau khi cành bên hồi phục sẽ tạo lại toàn bộ tán cây.
Ông Bùi Quang Đãng, Trưởng ban khoa học và hợp tác quốc tế Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam nói: "Chúng tôi sẽ thực hiện vệ sinh vùng gốc cây, vườn cây; xới phá váng mặt đất xung quanh gốc cây và vùng rễ cây. Tiến hành khơi thêm rãnh thoát nước trong vườn và rắc vôi bột vào vùng rễ cây. Phun thuốc trừ nấm phủ toàn bộ cành, tán cây, rễ cây. Sau đó hướng dẫn sử dụng phân bón vào vùng rễ theo liều lượng quy định cho bà con theo dõi để áp dụng trên diện rộng".
Hà Thắng
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/cac-chu-vuon-buoi-tien-vua-o-yen-bai-mat-trang-hang-tram-ty-sau-mua-lu-192240930172254862.htm