Các chuyên gia giáo dục nói gì về phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025?

Các chuyên gia giáo dục nói gì về phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025?
10 giờ trướcBài gốc
Chiều 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Thông tin phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Đây là lần đầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về phổ điểm trước khi công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Phản ánh sự tiến bộ vượt bậc nhiều tỉnh “vùng trũng” của giáo dục
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 được đánh giá là một bước chuyển mình quan trọng của giáo dục phổ thông Việt Nam, thể hiện qua sự thay đổi đồng bộ từ khâu tổ chức đến chất lượng đề thi và phổ điểm. TS Quách Tuấn Ngọc, Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh: “Những địa phương từng khó khăn nay lại có tỷ lệ học sinh đạt điểm khá, giỏi cao. Điều này cho thấy kỳ thi năm nay có tính đại diện và công bằng rõ rệt hơn”.
Theo ông Ngọc, phổ điểm năm nay đã phản ánh sự tiến bộ vượt bậc của nhiều tỉnh vốn được coi là “vùng trũng” giáo dục trước đây. An Giang, Tây Ninh hay Đắk Lắk bất ngờ lọt nhóm 14 địa phương có kết quả tốt nhất cả nước. Đây không chỉ là kết quả từ nỗ lực của thầy và trò ở các địa phương mà còn minh chứng cho sự cải cách hợp lý trong giáo dục phổ thông.
TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phát biểu. Ảnh: Trần Hiệp
Bên cạnh đó, sự thay đổi rõ rệt nhất thể hiện ở cấu trúc đề thi, đặc biệt là môn Toán. TS Quách Tuấn Ngọc thẳng thắn chỉ ra: “Trước đây, đề trắc nghiệm hoàn toàn khiến thí sinh có thể “đánh bừa” mà vẫn được điểm. Nhưng năm nay, đề thi đã có phần yêu cầu tư duy, ứng dụng không thể làm bài nếu không có kiến thức và kỹ năng suy luận. Với cách ra đề mới, thí sinh buộc phải có năng lực thực sự mới đạt được điểm cao, loại bỏ hoàn toàn yếu tố may rủi”, ông khẳng định.
Không chỉ Toán, đề thi Ngữ văn và Lịch sử cũng được điều chỉnh theo hướng cân đối giữa kiến thức nền và khả năng vận dụng. TS Ngọc đánh giá cao sự cải tiến này, khẳng định kỳ thi đã tiệm cận mục tiêu đánh giá đúng năng lực học sinh. Dù tỷ lệ tốt nghiệp vẫn giữ ở mức trên 90%, phổ điểm đã thể hiện được sự phân tầng rõ ràng, trở thành cơ sở quan trọng cho các trường đại học xét tuyển. “Không còn hiện tượng 10.000 thí sinh đạt điểm 10 như những năm trước. Các trường có thể yên tâm sử dụng phổ điểm này để lựa chọn đúng đối tượng”, TS Ngọc nhấn mạnh.
Căn cứ xét tuyển vào đại học với độ tin cậy cao
Kết quả kỳ thi cũng được coi là minh chứng cho hiệu quả bước đầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi hướng đi cải cách được khẳng định là đúng đắn.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục nhìn nhận: “Phổ điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 đã khẳng định được mục tiêu xác nhận trình độ phổ thông cơ bản, nền tảng, đồng thời là căn cứ xét tuyển vào đại học với độ tin cậy cao”.
GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Khoa học giáo dục phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Trần Hiệp
Theo ông, phân loại người học là quá trình bắt buộc, không chỉ phục vụ xét tuyển đại học mà còn định hướng đào tạo và xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa. Cách tiếp cận này phù hợp với xu thế toàn cầu hóa giáo dục, nơi mà điểm số tuyệt đối ngày càng trở nên lỗi thời. “Học là quá trình, thi chỉ là một khâu xác nhận với cá nhân”, GS.TS Phạm Hồng Quang khẳng định.
Ông cũng lưu ý yếu tố bối cảnh trong đánh giá năng lực học sinh. Điểm cao của học sinh chuyên và học sinh đại trà không thể so sánh nếu thiếu ngữ cảnh cụ thể. Ví dụ, trong top 10 tỉnh có điểm trung bình môn Tin học cao nhất, nhiều địa phương vùng khó như Lai Châu, Sơn La, Gia Lai, Tuyên Quang, Phú Thọ đã vươn lên mạnh mẽ, cho thấy nỗ lực cải thiện cách dạy và học cũng như hiệu quả của các chính sách quản lý giáo dục như Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.
GS.TS Phạm Hồng Quang nhấn mạnh nguyên tắc cốt lõi: “Yêu cầu cao là nguyên tắc trong dạy học và đánh giá đúng năng lực từng em là yêu cầu bắt buộc”. Theo ông, mỗi học sinh, qua kỳ thi, tự xác nhận đúng năng lực bản thân để lựa chọn con đường phù hợp, học tiếp, đi làm hoặc kết hợp cả hai. Chỉ khi đó, các em mới thực sự tìm thấy hạnh phúc và đóng góp được cho xã hội.
Đặc biệt, GS.TS Phạm Hồng Quang đánh giá cao sự đổi mới của đề thi Ngữ văn năm nay khi hướng đến phát triển năng lực, khuyến khích thí sinh huy động kiến thức lịch sử, văn hóa, chính trị và hơi thở cuộc sống để kiến tạo ý tưởng. Đây không chỉ là thay đổi về kỹ thuật ra đề mà còn gợi mở cách tiếp cận giáo dục mới: học để hiểu, để cảm và để tư duy sáng tạo.
Nhìn tổng thể, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 không chỉ hoàn thành vai trò xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học mà còn định hình xu hướng giáo dục phổ thông mới, coi trọng nền tảng vững chắc, mở ra khả năng nhìn thế giới, tư duy khám phá và tư duy linh hoạt cho học sinh. Đó chính là giá trị cốt lõi mà những cải cách giáo dục đang hướng tới.
8 giờ sáng mai 16/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025. Sau khi biết điểm, thí sinh sẽ nhận được giấy chứng nhận kết quả thi, chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, học bạ trung học phổ thông, chậm nhất vào 22/7.Thời gian đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học là từ 16/7 đến 17h ngày 28/7, không giới hạn số lần. Thí sinh nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến từ 29/7 đến 17h ngày 5/8.
Hoàng Lan
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/cac-chuyen-gia-giao-duc-noi-gi-ve-pho-diem-ky-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-2025-410661.html