Các công trình giao thông trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Các công trình giao thông trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
2 ngày trướcBài gốc
Thực hiện Kết luận số 203-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về định hướng xây dựng các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh dần phát triển hoàn thiện, các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh được đầu tư nâng cấp, hệ thống giao thông đô thị được mở rộng... Nhiều công trình giao thông được xây dựng, hoàn thành, đưa vào sử dụng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kết nối giữa các địa phương, các khu du lịch, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân, bảo đảm an toàn, thông suốt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua, hệ thống đường đô thị TP Hồng Ngự được tập trung đầu tư mở rộng
Hệ thống đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư các tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (đang thi công), Mỹ Thuận - Cần Thơ (đưa vào sử dụng), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (đang thi công), Mỹ An - Cao Lãnh (chưa khởi công) và Quốc lộ 30 giai đoạn 3 (đoạn tuyến tránh TP Cao Lãnh đang thi công)...
Đối với hệ thống đường tỉnh, tỉnh đã đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng 17/23 công trình; đang triển khai thi công 5/23 công trình, dự kiến hoàn thành trong năm 2025; chuẩn bị hồ sơ đề xuất 1/23 dự án. Trong đó, đã đầu tư xây dựng hoàn thành công trình chuyển tiếp giai đoạn 2016 - 2020, gồm đường Sở Tư pháp kết nối đường Tân Việt Hòa, hệ thống cầu đường ĐT.849, hệ thống giao thông kết nối hạ tầng du lịch và nông nghiệp, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT.841 và cầu Sở Thượng 2, nâng cấp tuyến ĐT.848, tuyến ĐT.846... Tỉnh đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 gồm: nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.849 (ĐT.848-QL.80); nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.842; nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.855... Riêng các dự án xây dựng tuyến ĐT.857, ĐT.845, hệ thống cầu trên tuyến ĐT.844, cầu Phú Hiệp và cầu Cà Dâm, Bến phà An Phong - Tân Bình đang triển khai thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2025. Đối với dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh đang phối hợp Trung ương chuẩn bị đầu tư, dự kiến hoàn thành sau năm 2025.
Tỉnh đã tập trung nguồn vốn đầu tư các tuyến đường giao thông đô thị có tính chất quan trọng, thúc đẩy cho sự phát triển ở 3 trung tâm đô thị lớn (thành phố: Cao Lãnh, Sa Đéc và Hồng Ngự) theo Kết luận số 253-KL/TU, Kết luận số 253-KL/TU và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và các đô thị khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã đầu tư xây dựng hoàn thành 8/23 công trình, dự kiến đến năm 2025 sẽ hoàn thành thêm 11/23 công trình, 4/23 công trình sẽ hoàn thành sau năm 2025.
Hệ thống đường giao thông nông thôn, tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành và địa phương hoàn thành công tác quy hoạch vùng tích hợp vào quy hoạch tỉnh, phối hợp chặt chẽ trong công tác đầu tư xây dựng các công trình giao thông nông thôn bảo đảm từng bước kết nối đồng bộ, thông suốt từ mạng lưới giao thông Quốc gia đến mạng lưới đường giao thông nông thôn, kết hợp giữa kinh tế với an ninh quốc phòng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại, giao thương, trao đổi hàng hóa của Nhân dân, hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn cho các huyện. Đến nay, đã đưa vào sử dụng 25/37 công trình, đang triển khai thi công 12/37 công trình. Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành 37/37 công trình.
Về xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025, đến nay, 100% các xã có đường ôtô đến trung tâm, 115/115 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông xã nông thôn mới; 38/115 xã đạt tiêu chí số 2 xã nông thôn mới nâng cao. Dự kiến đến năm 2025, có 66/115 xã đạt tiêu chí số 2 xã nông thôn mới nâng cao, có 5/115 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông xã nông thôn mới kiểu mẫu. Các công trình giao thông nông thôn đầu tư theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm, thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, ngày càng hiệu quả, được sự đồng thuận cao trong Nhân dân, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn.
Tỉnh cũng thực hiện quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe trên địa bàn tỉnh tích hợp vào quy hoạch tỉnh; huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư bến xe TP Hồng Ngự, nâng tổng số các bến xe toàn tỉnh là 11 bến, trong đó bến xe TP Cao Lãnh, TP Sa Đéc là đầu mối giao thông của tỉnh; đưa vào khai thác 12 tuyến xe buýt chất lượng cao nhằm mở rộng mạng lưới xe buýt đến các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, phục vụ nhu cầu đi lại nội tỉnh và liên tỉnh của người dân. Đồng thời định hướng phát triển phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh theo lộ trình chuyển đổi, phát triển phương tiện taxi phủ khắp toàn tỉnh, ưu tiên phát triển loại hình taxi điện, taxi sử dụng nhiên liệu sạch để giảm phát thải khí carbon.
Về vốn cho các công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải đã huy động nguồn vốn Trung ương để đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ trên địa bàn tỉnh với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng. Tỉnh đã bố trí nguồn vốn đầu tư các tuyến đường tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 7.291 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ nguồn vốn khoảng 693,7 tỷ đồng cho các địa phương đầu tư các công trình giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 1.359 tỷ đồng; hỗ trợ nguồn vốn khoảng 1.600 tỷ đồng cho 3 thành phố đầu tư các công trình giao thông đô thị với tổng mức đầu tư khoảng 3.041 tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương đã vận động nguồn lực xã hội hóa, xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với tổng giá trị khoảng 252 tỷ đồng.
TN
Nguồn Đồng Tháp : https://baodongthap.vn/kinh-te/cac-cong-trinh-giao-thong-trong-diem-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-128353.aspx