Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho các khoản vay giá rẻ được thực hiện sau đại dịch Covid-19, khi lãi suất vẫn ở mức thấp.
Theo báo cáo từ Moody’s, tỷ lệ vỡ nợ trên thị trường vay đòn bẩy toàn cầu – phần lớn tập trung tại Mỹ – đã tăng lên 7,2% trong vòng 12 tháng tính đến tháng 10. Đây là mức cao nhất kể từ cuối năm 2020 và phản ánh rõ tác động của lãi suất cao lên các doanh nghiệp có mức nợ lớn.
Các công ty Mỹ đối mặt làn sóng vỡ nợ các khoản vay đòn bẩy. Ảnh: NPR
Mặc dù thị trường trái phiếu lợi suất cao cũng ghi nhận sự gia tăng tình trạng vỡ nợ, tốc độ này vẫn khiêm tốn hơn đáng kể so với thị trường vay đòn bẩy. Xu hướng này làm nổi bật thực trạng ngày càng có nhiều doanh nghiệp rủi ro chọn vay vốn từ thị trường vay đòn bẩy, một phân khúc phát triển mạnh trong những năm gần đây.
Áp lực từ lãi suất cao
Các khoản vay đòn bẩy, vốn được cung cấp với lãi suất cao cho những công ty có xếp hạng tín nhiệm thấp hoặc đã gánh nhiều nợ, thường đi kèm với lãi suất thả nổi. Trong giai đoạn đại dịch, khi lãi suất cực kỳ thấp, nhiều công ty đã tận dụng vay nợ để mở rộng hoạt động. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi lãi suất tăng cao, chi phí vay tăng vọt đã khiến nhiều công ty gặp khó khăn nghiêm trọng.
Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu giảm lãi suất, những tác động của giai đoạn thắt chặt tiền tệ kéo dài vẫn đang hiện hữu. Một số doanh nghiệp không chỉ đối mặt với áp lực từ chi phí vay mà còn phải xử lý các khoản vay đến hạn.
David Mechlin, Giám đốc danh mục tín dụng tại UBS Asset Management, nhận định: “Có rất nhiều khoản vay được phát hành trong thời kỳ lãi suất thấp. Khi căng thẳng từ lãi suất cao vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, xu hướng vỡ nợ này có thể kéo dài đến năm 2025."
Tình trạng vỡ nợ gia tăng
Theo dữ liệu từ Moody’s, tỷ lệ vỡ nợ đối với các khoản vay rác tại Mỹ đã đạt mức cao nhất trong thập kỷ qua. Các nhà phân tích dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, đặc biệt khi Fed báo hiệu rằng việc giảm lãi suất sẽ diễn ra với tốc độ chậm hơn vào năm tới.
Một phần lớn các vụ vỡ nợ gần đây liên quan đến các giao dịch xử lý các khoản vay khó đòi (debt exchange). Trong các giao dịch này, các công ty thường đàm phán lại các điều khoản vay hoặc kéo dài thời gian đáo hạn để tránh phá sản. Tuy nhiên, điều này thường khiến các nhà đầu tư phải chấp nhận mức hoàn trả thấp hơn.
Ruth Yang, Giám đốc phân tích thị trường tư nhân tại S&P Global Ratings, cho biết: “Những giao dịch như vậy đã chiếm hơn một nửa số vụ vỡ nợ trong năm nay – một con số kỷ lục."
Bên cạnh những tác động từ lãi suất cao, một số nhà quản lý quỹ lo ngại tỷ lệ vỡ nợ cao phản ánh những thay đổi cơ bản trên thị trường vay đòn bẩy trong những năm qua.
Mike Scott, nhà quản lý quỹ cao cấp tại Man Group, nhận xét: “Chúng ta đã có một thập kỷ tăng trưởng bùng nổ trên thị trường vay đòn bẩy. Nhiều doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe và phần mềm có ít tài sản để đảm bảo khoản vay. Điều này khiến khả năng thu hồi vốn trong trường hợp vỡ nợ trở nên thấp hơn."
Tương tự, Justin McGowan, đối tác tín dụng tại Cheyne Capital, cho rằng sự kết hợp giữa “thiếu tăng trưởng và thiếu tài sản để thu hồi” đang khiến các nhà đầu tư đối mặt với rủi ro lớn hơn.
Những kỳ vọng trái chiều
Dù tình trạng vỡ nợ tăng cao, một số nhà quản lý quỹ vẫn khẳng định xu hướng này sẽ không kéo dài. Dữ liệu từ Ice BofA cho thấy chênh lệch lợi suất trên thị trường trái phiếu lợi suất cao vẫn ở mức thấp trong lịch sử, cho thấy nhu cầu đầu tư trái phiếu rủi ro vẫn mạnh mẽ.
Brian Barnhurst, Giám đốc nghiên cứu tín dụng toàn cầu tại PGIM, nhận định việc Fed giảm lãi suất sẽ mang lại sự hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp đã vay nợ từ thị trường vay đòn bẩy hoặc phát hành trái phiếu lợi suất cao. “Chúng tôi không thấy sự gia tăng đáng kể trong các khoản vỡ nợ trên cả hai loại tài sản này. Thực tế, mối quan hệ giữa các khoản vay có đòn bẩy và trái phiếu lợi suất cao có thể đã thay đổi vào cuối năm 2023," ông cho biết.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cảnh báo việc gia tăng các giao dịch xử lý nợ khó đòi chỉ là biện pháp tạm thời, che giấu những căng thẳng tiềm ẩn và khiến xuất hiện các rủi ro trong tương lai.
Khi các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục vật lộn với chi phí vay cao, triển vọng của thị trường vay đòn bẩy vẫn còn nhiều biến động. Mặc dù lãi suất có thể giảm trong thời gian tới, hậu quả từ giai đoạn vay nợ giá rẻ kéo dài sẽ tiếp tục là một thách thức lớn đối với nền kinh tế và các nhà đầu tư.
Tùng Lâm