Lửa bùng lên sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Kiev, Ukraine, ngày 20/12/2024. (Ảnh minh họa: XINHUA)
Tuyên bố chung nêu rõ, các nước châu Âu cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Ukraine cùng với các đối tác quốc tế. Các ngoại trưởng nhấn mạnh, hiện nay, châu Âu đang đóng góp khoảng 2/3 tổng số viện trợ dành cho Ukraine.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng bác bỏ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào có thể hạn chế ngành công nghiệp quốc phòng và quân sự của Ukraine, hoặc ngăn cản sự hiện diện quân sự của các quốc gia đối tác tại nước này.
"Chúng tôi tái khẳng định quyền tự quyết của Ukraine trong việc lựa chọn tương lai của mình và bảo vệ nền dân chủ. Tương lai của Ukraine là ở châu Âu và trong Liên minh châu Âu. Tương lai đó có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh của toàn châu Âu", tuyên bố nhấn mạnh.
Ngoài ra, các nước châu Âu khẳng định vai trò không thể thiếu trong tiến trình đàm phán và khẳng định sẽ đưa ra quyết định của riêng mình.
Cùng ngày, Thụy Điển tuyên bố sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự trị giá 16 tỷ kronor (tương đương 1,59 tỷ USD) cho Ukraine. Đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất mà quốc gia Bắc Âu này công bố cho đến nay.
Theo Chính phủ Thụy Điển, với gói hỗ trợ mới này, tổng viện trợ quân sự của nước này dành cho Kiev sẽ đạt 29,5 tỷ kronor trong năm nay và khoảng 80 tỷ kronor kể từ năm 2022.
Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Pal Jonson khẳng định trên mạng xã hội X rằng đây là gói viện trợ quân sự lớn nhất mà nước này từng triển khai.
Gói hỗ trợ này bao gồm hệ thống phòng không, pháo binh, hệ thống liên lạc vệ tinh, hỗ trợ hải quân cùng nhiều trang thiết bị từ lực lượng vũ trang và ngành công nghiệp quốc phòng Thụy Điển.
TRUNG HƯNG