Ngày 17/11 vừa qua, cuộc đàm phám khí hậu về tình trạng nóng lên của Trái đất do Liên Hợp Quốc tổ chức COP29 đã diễn ra tại thủ đô Baku, Cộng hòa Azerbaijan trong bầu không khí ngoại giao căng thẳng. Trong tình hình thế giới đang gặp khó khăn về nguồn vốn tài chính cho khí hậu, lãnh đạo của gần 200 quốc gia hy vọng nhóm G20 có thể phá vỡ được thế bế tắc này.
Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP29 diễn ra vào ngày 17/11 vừa qua tại thủ đô Baku, Azerbaijan. Ảnh: Reteurs/ Maxim Shemetov.
Cần ít nhất 1 nghìn tỷ USD mỗi năm để giải quyết vấn đề về khí hậu
Trước đó vào năm 2009, các quốc gia giàu có như Mỹ và khối châu Âu đã nhất trí sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với chi phí chuyển đổi năng lượng sạch và thích nghi với biến đổi khí hậu.
Các khoản đầu tư được bắt đầu vào năm 2020 nhưng phải tới năm 2022 mới được chuyển đầy đủ. Đến cuối năm 2024, khoản cam kết 100 tỷ USD sẽ hết hạn. Vì thế, các quốc gia đang đàm phám để hướng tới mục tiêu quỹ tài trợ cao hơn từ năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay một số quốc gia vẫn chưa muốn xác định rõ quy mô các quốc gia nào sẽ đóng góp và đóng góp bao nhiêu.
Để duy trì được các mục tiêu về khí hậu và chống chọi với tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia đang phát triển sẽ cần một khoản tài trợ lớn. Ảnh: UNDP.
Nhiệm vụ của cuộc hội nghị thượng đỉnh COP29 lần này có nhiệm vụ thống nhất các mục tiêu huy động hàng trăm tỷ USD, thậm chí hơn 1 nghìn tỷ USD cho khí hậu. Được biết nguồn ngân sách khổng lồ này lại phụ thuộc rất nhiều vào các quốc gia thuộc nhóm G20 có nền kinh tế lớn trên khắp địa cầu. Số tiền này sẽ được chuyển từ các nước phát triển, ngân hàng đa phương và lĩnh vực tư nhân tới các quốc gia đang phát triển để giúp họ đạt được mục tiêu về khí hậu và bảo vệ xã hội khỏi thời tiết khắc nghiệp.
Các nước đang phát triển cho biết, họ cần một khoản quỹ tài trợ có con số cụ thể. Theo hầu hết các ước tính, các quốc gia đang phát triển cần hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, các quốc gia phát triển giàu có lại dự kiến sẽ không nêu rõ số tiền trợ cấp cụ thể là bao nhiêu. Các nhà ngoại giao của các nước phát triển biện hộ rằng, ngân sách quốc gia của họ đang gặp căng thẳng về các áp lực kinh tế khác thì việc chi hơn 100 tỷ USD cho khí hậu là điều phi thực tế.
Những nước nào chịu trách nhiệm lớn nhất cho quỹ tài chính khí hậu?
Nắm giữ tới 85% nền kinh tế trên thế giới, nhóm G20 là những quốc gia đóng góp lớn nhất cho các ngân hàng phát triển đa phương giúp định hướng tài chính khí hậu. Thế nhưng, G20 cũng đồng thời là nhóm các quốc gia phát thải nhiều nhất trên thế giới chịu trách nhiệm cho hơn 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu. Nhóm G20 hiện nay bao gồm các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Ý, Canada, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga, Australia, Argentina, Mexico, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU).
Nhóm G20 gồm 20 quốc gia có nền kinh tế lớn mạnh phải chịu trách nhiệm về lượng khí thải của họ. Ảnh: Dastur Energy.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres khẳng định, tất cả các quốc gia phải làm tròn trách nhiệm đối với hệ thống khí hậu thế giới. Trong đó, nhóm G20 phải dẫn đầu vì họ là những nước phát thải lớn nhất, đồng thời cũng có năng lực kinh tế nhất.
Cho đến nay, chỉ có một vài chục quốc gia giàu có đang có nghĩa vụ phải trả tiền tài chính khí hậu cho Liên Hợp Quốc. Thế nhưng, trong bối cảnh các quốc gia đang phát triển cũng phất nhanh lên như diều gặp gió thì, các cường quốc giàu có mong muốn các nước đang phát triển như Trung Quốc hay các quốc gia dầu mỏ cũng phải có nghĩa vụ đóng góp vào quỹ tài chính khí hậu này. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc vẫn phản đối yêu cầu này. Trung Quốc cho rằng, với tư cách là một quốc đang phát triển, họ không có cùng trách nhiệm như các quốc gia công nghiệp hóa lâu đời như Anh và Mỹ. Chính vì những lý lẽ này mà COP29 vẫn chưa đi đến được quyết định cuối cùng về tài chính khí hậu.
Các nhà khoa học của Liên Hợp Quốc cho biết, năm 2025 là hạn cuối để các nước tham dự cập nhật kế hoạch khí hậu quốc gia trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, ngăn chặn thảm họa. Trong trường hợp không đi đến được thỏa thuận cuối cùng về khoản tài trợ khí hậu lớn, các quốc gia có thể trình bày kế hoạch khí hậu lỏng lẻo hơn với lý do không có đủ khả năng thực hiện kế hoạch khí hậu siết chặt hơn.
Cát Ân