Nhà máy lọc dầu tại Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: THX/TTXVN
Châu Á là khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện nay và dự kiến sẽ tiếp tục giữ vai trò này trong những thập kỷ tới. Do đó, một số nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, những nhà sản xuất ở Trung Đông, đang tìm cách mở rộng sự hiện diện tại đây.
Trong hai năm qua, Saudi Arabia đã công bố một loạt các thỏa thuận hạ nguồn ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á, khi quốc gia này tìm cách mở rộng thị trường điểm đến cho dầu thô của mình.
Vào tháng 7/2024, công ty dầu khí quốc gia của Abu Dhabi, ADNOC, đã công bố một thỏa thuận hợp tác - trong một liên doanh với Borouge và Borealis - với Tập đoàn Hóa chất Wanhua của Trung Quốc, để khởi động một nghiên cứu khả thi nhằm phát triển một tổ hợp nhựa dẻo polyolefin chuyên dụng hiện đại, có công suất lên tới 1,6 triệu tấn mỗi năm tại tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc.
Trong khi đó, nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, Saudi Aramco, đã ký thêm các thỏa thuận với Tập đoàn Rongsheng Petrochemical và Hengli của Trung Quốc vào tháng 9/2024, để thúc đẩy các cuộc đàm phán hợp tác trong lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu ở Trung Quốc và Saudi Arabia.
Đầu năm nay, Aramco đã bắt đầu thảo luận với Tập đoàn Hengli về khả năng mua lại 10% cổ phần trong Hengli Petrochemical.
Chủ tịch mảng hạ nguồn của Saudi Aramco, Mohammed Al Quahtani, cho biết, Trung Quốc là một quốc gia quan trọng trong chiến lược tăng trưởng hạ nguồn toàn cầu của doamh nghiệp và Saudi Aramco mong muốn thúc đẩy mối quan hệ đã kéo dài hơn ba thập kỷ để khai thác các cơ hội mới tại thị trường quan trọng này.
Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ sớm chứng kiến nhu cầu về nhiên liệu vận tải đường bộ, như xăng và dầu diesel, đạt "đỉnh", do doanh số bán xe điện (EV) và xe tải chạy bằng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) liên tục tăng.
Mặc dù Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), với sự dẫn dắt của Saudi Arabia, đã nhận thức rõ sự chuyển dịch cơ cấu trong nhu cầu nhiên liệu đường bộ ở Trung Quốc, nhưng tổ chức này tin rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng và phải rất lâu nữa mới chạm tới ngưỡng tối đa.
Bất chấp sự khác biệt trong đánh giá về xu hướng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dài hạn, OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự đoán rằng Ấn Độ sẽ sớm “soán ngôi” của Trung Quốc, trở thành động lực tăng trưởng nhu cầu dầu lớn nhất toàn cầu.
Báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2050 của OPEC, chỉ ra rằng Ấn Độ, châu Á (không bao gồm Trung Quốc), châu Mỹ và Trung Đông sẽ là những khách mua chính trên thị trường dầu mỏ trong các năm tới. Nhu cầu kết hợp ở bốn khu vực này dự kiến sẽ tăng thêm 22 triệu thùng dầu mỗi ngày từ năm 2023 đến năm 2050. Riêng Ấn Độ sẽ tăng thêm 8 triệu thùng/ngày về nhu cầu dầu mỏ vào năm 2050 và nhu cầu của Trung Quốc ước tính sẽ tăng thêm 2,5 triệu thùng/ngày trong cùng giai đoạn.
Diệu Linh (Theo Oilprice.com)