Các địa phương khu vực Tây Gia Lai xử lý các trụ sở dôi dư sau sáp nhập

Các địa phương khu vực Tây Gia Lai xử lý các trụ sở dôi dư sau sáp nhập
9 giờ trướcBài gốc
Bài toán sử dụng hiệu quả tài sản công đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt từ chính quyền cấp cơ sở nhằm tránh tình trạng buông lỏng quản lý, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhà nước.
Nhiều trụ sở dôi dư còn… bỏ trống
Phường Pleiku là đơn vị hành chính mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập 5 xã, phường của TP. Pleiku (cũ) gồm: Hoa Lư, Tây Sơn, Hội Thương, Phù Đổng và Trà Đa. Sau sắp xếp, Đảng ủy, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Trung tâm Phục vụ hành chính công của phường được bố trí làm việc tại trụ sở UBND TP. Pleiku (cũ).
Trụ sở UBND phường Hội Thương (cũ) dự kiến sẽ bàn giao cho Trường THCS Nguyễn Huệ làm cơ sở 2. Ảnh: Minh Phương
Trong khi đó, trụ sở Công an phường được bố trí tại UBND phường Tây Sơn (cũ) và Ban Chỉ huy Quân sự phường làm việc tại UBND phường Hoa Lư (cũ). Hiện trụ sở UBND các phường Phù Đổng, Hội Thương và xã Trà Đa (cũ) vẫn còn bỏ trống, chờ phương án bố trí sử dụng nhằm tránh lãng phí.
Ông Nguyễn Sáu-Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2-Hội Thương (phường Pleiku) cho rằng, địa phương cần sớm đề xuất tỉnh có cơ chế cho phép sử dụng các trụ sở dôi dư làm thiết chế văn hóa, thể thao, giáo dục phục vụ cộng đồng.
“Ví dụ, các trụ sở UBND phường bỏ trống có thể chuyển thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ thể thao hoặc nếu gần trường học thì giao cho nhà trường làm cơ sở 2. Như vậy sẽ rất thiết thực, tránh lãng phí”-ông Sáu đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Toàn-Phó Chủ tịch UBND phường Pleiku-cho biết: Địa phương đang thực hiện sắp xếp trụ sở theo phương án của UBND TP. Pleiku cũ đã xây dựng trước đó.
Cụ thể, ngoài 2 trụ sở UBND phường Tây Sơn và Hoa Lư (cũ) đã được bố trí, trụ sở phường Hội Thương (cũ) sẽ bàn giao cho Trường THCS Nguyễn Huệ làm cơ sở 2; trụ sở phường Phù Đổng (cũ) sẽ bàn giao cho đơn vị sự nghiệp công lập là Ban Quản lý dự án đầu tư phường (dự kiến sẽ được thành lập vào thời gian tới); còn trụ sở xã Trà Đa (cũ) sẽ bàn giao quỹ đất để triển khai dự án Khu đô thị CK54.
Tại xã Phú Thiện-đơn vị mới được thành lập sau khi sáp nhập thị trấn Phú Thiện và 3 xã Ia Sol, Ia Piar, Ia Yeng-các cơ quan chính quyền đang sử dụng trụ sở UBND huyện Phú Thiện (cũ) làm nơi làm việc chung. Tuy tận dụng được cơ sở vật chất nhưng việc phân chia không gian, bố trí phòng, ban vẫn còn một số bất cập.
Ông Nguyễn Anh Tuấn-Chủ tịch UBND xã Phú Thiện-cho biết: Địa phương đã kiến nghị các cơ quan, đơn vị ngành dọc của Trung ương từng đóng chân trên địa bàn sớm bàn giao lại trụ sở cũ để xã quản lý theo đúng thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý tài sản công không còn nhu cầu sử dụng sau sáp nhập, nhằm giúp địa phương quản lý hiệu quả, tránh tình trạng xuống cấp, hư hỏng và lãng phí.
Tương tự, xã Chư Sê (được thành lập sau khi sáp nhập 5 xã, thị trấn thuộc huyện Chư Sê trước đây) cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự. Hiện chính quyền xã sử dụng trụ sở UBND huyện (cũ) để làm việc, song còn đến 4 trụ sở cũ của các xã Dun, Ia Blang, Ia Pal và Ia Glai vẫn đang chờ phương án xử lý.
Trụ sở UBND xã HBông (cũ) đã có phương án bố trí, sắp xếp trụ sở theo phương án sau khi sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Minh Phương
Theo ông Nguyễn Văn Đương-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Sê, địa phương đã thành lập đoàn kiểm kê tài sản, đánh giá toàn diện các trụ sở dôi dư. Dự kiến, một số trụ sở có thể giao cho trường học, khu thể thao quản lý sử dụng; số còn lại sẽ tham mưu cho Ban Thường vụ Đảng ủy xã phương án bố trí phù hợp, đúng quy định.
Chủ động xử lý, tránh lãng phí tài sản công
Trong khi đó, tại phường An Phú (được thành lập từ xã Chư Á, xã An Phú và phường Thắng Lợi thuộc TP. Pleiku cũ), công tác tận dụng trụ sở cũ được triển khai hiệu quả, không để xảy ra tình trạng bỏ trống, lãng phí.
Bà Hoàng Thị Minh Bình-Chủ tịch UBND phường An Phú-khẳng định: Các trụ sở cũ đều được sử dụng hợp lý, trong đó 1 trụ sở dành cho HĐND, 1 cho Đảng ủy và Mặt trận, 1 cho Công an phường; trụ sở Công an xã cũ được bố trí cho Ban Chỉ huy Quân sự phường. “Hiện chúng tôi sử dụng hết toàn bộ cơ sở sẵn có để phục vụ công việc, không có trụ sở nào bị bỏ hoang hay lãng phí”-bà Bình cho biết.
Các trụ sở cũ sau khi sáp nhập đều được UBND phường An Phú sử dụng hợp lý để phục vụ công việc, không có trụ sở nào bị bỏ hoang hay lãng phí. Ảnh: Minh Phương
Thực tế tại các địa phương phía Tây tỉnh Gia Lai cho thấy, việc xử lý trụ sở hành chính dôi dư sau sáp nhập phụ thuộc rất lớn vào tính chủ động, linh hoạt và tinh thần trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Nếu được rà soát bài bản, phân công rõ ràng và sử dụng đúng quy định, không chỉ tiết kiệm ngân sách mà còn góp phần phát huy hiệu quả phục vụ cộng đồng.
Để tháo gỡ khó khăn trong xử lý tài sản công, trước đó, UBND tỉnh Gia Lai (cũ) đã ban hành văn bản thống nhất chủ trương về phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản dôi dư theo đề xuất của Sở Tài chính (cũ). Phương án này yêu cầu các địa phương khẩn trương tiếp nhận, bàn giao và bố trí lại trụ sở làm việc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát, sử dụng sai mục đích hoặc để trống.
Mới đây, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã ban hành văn bản số 388/UBND-KTTH về việc bố trí trụ sở, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và khai thác các trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức triển khai sắp xếp, xử lý trụ sở theo mô hình mới, đảm bảo hoạt động thông suốt, không gián đoạn; đồng thời xử lý tài sản dôi dư đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.
UBND tỉnh yêu cầu các xã, phường ưu tiên đảm bảo điều kiện vật chất cho các Trung tâm Phục vụ hành chính công. Ảnh: Minh Phương
Đối với những trụ sở dôi dư chưa sử dụng, các địa phương phải bố trí nhân sự trực bảo vệ, quản lý tài sản theo quy định. Trường hợp tài sản hiện có không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì được phép cải tạo, sửa chữa hoặc mua sắm bổ sung theo tiêu chuẩn, định mức. Đặc biệt, cần ưu tiên đảm bảo điều kiện vật chất cho các Trung tâm Phục vụ hành chính công nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan rà soát kế hoạch xử lý trụ sở, tài sản dôi dư của tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai (cũ); tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch xử lý trụ sở, tài sản dôi dư của tỉnh Gia Lai (mới) bảo đảm “6 rõ”: Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền. Trên cơ sở đó, triển khai quyết liệt, hiệu quả theo kế hoạch, không để thất thoát, xuống cấp, lãng phí tài sản.
Có thể nói, giải "bài toán" hậu sáp nhập không chỉ dừng lại ở việc tổ chức lại bộ máy nhân sự, mà còn đòi hỏi từng địa phương phải chủ động vào cuộc, từng sở, ngành phải phối hợp đồng bộ, minh bạch, công khai trong công tác quản lý tài sản công-tài sản của toàn dân.
MINH PHƯƠNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/cac-dia-phuong-khu-vuc-tay-gia-lai-xu-ly-cac-tru-so-doi-du-sau-sap-nhap-post561353.html