Gia đình anh Rơ Mah Tung (làng Krông, xã Ia Mơ, huyện Chư Prông) đang háo hức để được chuyển vào ở trong ngôi nhà mới khang trang. Căn nhà được xây dựng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cùng sự góp công, góp sức của bà con trong làng và đội thợ địa phương.
Gia đình anh Tung có 2,7 ha đất canh tác gồm 2 ha lúa rẫy và 7 sào đất trồng cây điều. Do đất cằn, dốc, lại xa nguồn nước nên năng suất thấp, cuộc sống gia đình với 4 khẩu của anh vẫn còn nhiều khó khăn. Vì vậy, khi được hỗ trợ xây dựng nhà, không chỉ gia đình anh Tung mà cả cộng đồng đều vui.
Đến nay, xã Ia Mơ đã khởi công 100% nhà thuộc chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Ảnh: P.D
Ông Nguyễn Tuấn Anh-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ-cho biết: Toàn xã có 36 hộ được thụ hưởng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đến nay, 100% số nhà đã được khởi công, trong đó 9 căn đã hoàn thiện. Qua vận động có 15 hộ tham gia đối ứng với mức đóng góp 13-40 triệu đồng.
Chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn và huy động lực lượng thanh niên, dân quân, phụ nữ tham gia ngày công hỗ trợ người dân đào móng, dựng nhà. Xã còn chủ động kết nối các tổ thợ đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo hoàn thành toàn bộ số nhà trước ngày 30-6.
Được biết, Chư Prông là địa phương có số lượng nhà tạm, nhà dột nát cần xóa cao nhất tỉnh với 998 nhà (xây dựng 948 nhà, sửa chữa 50 nhà). Tính đến ngày 16-5, toàn huyện đã khởi công được 899 căn nhà (đạt 90,08% kế hoạch), trong đó 213 căn đã hoàn thành (chiếm 35,75%).
Bí thư Huyện ủy Đinh Văn Dũng cho hay: Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các căn nhà đã khởi công, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương triển khai xây dựng những ngôi nhà còn lại; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo chất lượng công trình.
Song song với đó, huyện tiếp tục huy động nguồn lực với tinh thần tương thân tương ái, vận động sự đóng góp từ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và Nhân dân. Để tránh tình trạng người dân vay vốn lãi suất cao hoặc cầm cố tài sản khi đối ứng kinh phí, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát tình hình thực tế từng hộ, có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo công chức địa chính-xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Với các trường hợp chưa có đất ở, địa phương vận động người thân, dòng họ, cộng đồng hiến tặng đất để hộ dân có điều kiện ổn định nơi ở, an tâm lao động sản xuất.
Tại huyện Đức Cơ, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng đang được triển khai quyết liệt. Huyện đã phân loại cụ thể nhóm đối tượng thụ hưởng để bố trí kinh phí hợp lý. Bên cạnh nguồn ngân sách, huyện linh hoạt sử dụng nguồn xã hội hóa hỗ trợ đối ứng cho các hộ khó khăn, kịp thời tạm ứng ngân sách để không hộ nào thiếu kinh phí làm nhà.
Đáng chú ý, trong giai đoạn cao điểm, giá vật liệu xây dựng tăng cao, huyện đã huy động một số đơn vị quân đội tham gia hỗ trợ ngày công xây dựng nhà tại 2 xã Ia Lang và Ia Krêl, góp phần quan trọng trong việc giải quyết công thợ, tăng cường chất lượng nhà ở cho hộ nghèo.
Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tập trung sửa chữa nhà ở trước, ưu tiên khởi công những ngôi nhà có nguồn đối ứng; yêu cầu các cửa hàng vật liệu không được tăng giá vật liệu đối với các hộ dân đang xây dựng nhà ở theo hỗ trợ của Nhà nước.
“Đến thời điểm này, Đức Cơ đã khởi công 100% nhà ở và hoàn thành hơn 50% số nhà theo kế hoạch. 2 xã Ia Nan, Ia Kla và thị trấn Chư Ty dự kiến hoàn thành việc xây dựng trước ngày 30-5. Huyện đặt mục tiêu cơ bản hoàn thành chương trình trước ngày 20-6”-Bí thư Huyện ủy Phạm Văn Cường thông tin.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Pnôn hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: P.D
Tương tự, với quyết tâm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 10-6, huyện Chư Sê đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền và chủ động, tận dụng tối đa các nguồn lực hỗ trợ, có phương án huy động đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ trên địa bàn quản lý.
Cùng với đó, quan tâm, chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng và thanh-quyết toán các nguồn kinh phí hỗ trợ theo đúng quy định, đảm bảo thời gian hoàn thành trước khi sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8/17 địa phương đã khởi công 100% số nhà tạm, nhà dột nát; 3 địa phương đạt trên 90% và các địa phương còn lại trên 70%. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, từ đầu tháng 4 đến nay, các lực lượng quân đội đóng quân trên địa bàn đã đóng góp tổng cộng 29.630 ngày công tham gia xây dựng, sửa chữa nhà cho người dân.
Trong đó, lực lượng vũ trang tỉnh với 437 cán bộ, chiến sĩ tham gia 11.438 ngày công; các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huy động 436 cán bộ, chiến sĩ với 10.012 ngày công; các ngành, đoàn thể địa phương đóng góp 8.180 ngày công.
PHƯƠNG DUNG