Nhìn lại năm 2024, ông thấy đâu là những vấn đề kinh tế nổi lên cần lưu ý với các doanh nghiệp trong nước và nhìn ở bức tranh toàn cầu?
Tôi tin rằng năm 2024 là một năm quan trọng được đánh dấu bởi cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Việc ông Donald Trump giành chiến thắng sẽ khiến cho nỗi lo về đánh thuế lên các quốc gia xuất khẩu lớn sang Mỹ quay trở lại. Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là có rủi ro thương mại lớn khi ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh
Ở khía cạnh lạc quan, khi lãi suất của Fed đã bắt đầu giảm xuống, nó tạo ít sức ép hơn cho việc duy trì lãi suất ngắn hạn cao để duy trì khoảng cách lãi suất hợp lý giữa USD và VND, tạo cho Ngân hàng Nhà nước nhiều cơ hội để điều chỉnh chính sách tỷ giá và lãi suất linh hoạt hơn. Điều đó tạo một số dư địa cho Ngân hàng Nhà nước trong việc giữ VND ổn định một cách tương đối và những sức ép về tỷ giá nếu có sẽ không quá căng.
Tuy nhiên, điều này sẽ có thể thay đổi nếu đồng USD mạnh lên (điều mà nhiều người kỳ vọng sẽ diễn ra khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ) và lãi suất USD không giảm nhanh như mong đợi trong năm 2025 vì nỗi lo các chính sách cắt giảm thuế, siết nhập cư, tăng thuế quan sẽ đẩy lạm phát ở Mỹ lên. Đây là một điều chúng ta cần quan sát.
Một xu thế khác nữa là với việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, Việt Nam vẫn có thể tiếp tục hưởng lợi từ việc các doanh nghiệp Trung Quốc di chuyển sản xuất ra khỏi nước này và Việt Nam là một trong nhiều điểm đến. Dù cho ông Trump có tiến hành nhiều biện pháp thuế quan bất lợi cho Việt Nam, nhiều khả năng nó vẫn “nhẹ” hơn so với Trung Quốc.
Những diễn biến trên đây cho thấy tình hình quốc tế không còn hoàn toàn thuận lợi như giữa năm 2024, nhưng cũng không quá bất lợi như giai đoạn giữa năm 2023 đến đầu 2024 khi mà nhu cầu nhập khẩu sụt giảm.
Ở trong trạng thái đó, Việt Nam phải hướng đến quay về với nền kinh tế thực của mình và gia tăng dựa vào nội lực, thay vì tập trung vào FDI và xuất khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh dự báo rằng đến năm 2036, Việt Nam sẽ chuyển sang nước dân số già.
Các chỉ số vĩ mô cho thấy bức tranh kinh tế Việt Nam có sự cải thiện nhưng năng lực của khu vực doanh nghiệp trong nước còn khá yếu ớt. Những giải pháp nào theo góc nhìn của ông có thể giúp thúc đẩy khu vực này trong năm tới?
Diễn biến các chính sách mới ở Mỹ cần được quan sát kỹ, đặc biệt là rủi ro về việc thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại của chính quyền ông Donald Trump.
Đây là một vấn đề cần có những cải cách lớn để cải thiện sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội. Giải pháp thì rõ ràng là như Tổng Bí thư Tô Lâm nói - trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Chúng ta phải gỡ khó đồng thời cả ba vấn đề là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó phải trông chờ vào vấn đề thể chế, nhưng hạ tầng và nhân lực cũng cần được gỡ khó.
Về thể chế, thì như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, Chính phủ xác định thể chế là “đột phá của đột phá”, tập trung cao độ, ưu tiên tối đa thời gian và nguồn lực cho công tác hoàn thiện thế chế, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Như vậy, chủ trương là đúng rồi và giải pháp cũng cứ theo đó mà làm. Nhưng vấn đề là thực thi sẽ vẫn “vướng” nhiều thứ.
Giải pháp lớn nhất, vì vậy, theo tôi, là cần một cơ chế cho phép những người dám làm, dám thử nghiệm, có thể thoát ra được cái khó đó. Vấn đề của chúng ta là chuyển biến đang quá chậm và “đột phá của đột phá” thì cần trao quyền cho người dám đột phá.
Với các nhà đầu tư chứng khoán, vấn đề quan trọng nhất là tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình đầu tư
Về phần doanh nghiệp, thời điểm tháng 11 là giai đoạn xây kế hoạch cho năm 2025, theo ông, những yếu tố nào sẽ cần lưu ý cho năm tới và xa hơn?
Tôi tin rằng, câu chuyện về diễn biến các chính sách mới ở Mỹ cần được quan sát kỹ, đặc biệt là rủi ro về việc thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại của chính quyền ông Donald Trump. Ngoài ra, những gói kích thích kinh tế và điều chỉnh chính sách của phía Trung Quốc cũng cần được quan tâm. Những xung đột kinh tế của Trung Quốc và Mỹ cũng là một vấn đề phải chú ý, vì nó có thể tạo ra những lợi ích, cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, ở phía châu Âu, những quy định mới về môi trường, đòi hỏi chuẩn “xanh”, giảm phát thải sẽ tiếp tục được tăng cường bất chấp ông Trump sẽ ra quyết định gì. Bên cạnh đó, những áp lực về bảo mật thông tin của khu vực này cũng dự kiến sẽ được tăng cường trong năm tới và đây là điều các doanh nghiệp làm ăn với đối tác châu Âu phải quan tâm.
Lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ đi xuống và lãi suất cũng vậy, là một yếu tố thuận lợi có thể xem xét. Tuy nhiên, điều này gặp một số rủi ro với các chính sách của ông Trump và doanh nghiệp nào đang xây dựng kịch bản dựa trên việc “lạm phát không thể tăng trở lại” hay “lãi suất USD sẽ giảm hơn 1,5%” thì cần phải cân nhắc đến khả năng những bất ngờ sẽ xảy đến.
Với các nhà đầu tư chứng khoán, cần lưu tâm ra sao trước các biến số nước ngoài và trong nước?
Về thị trường chứng khoán trong nước, tôi cho rằng, vấn đề nội tại chủ yếu là những câu chuyện về thị trường bất động sản, dòng tiền từ phía nhà đầu tư nội địa vẫn yếu và chờ đợi từ những chuyển biến chính sách mà tôi đề cập ở trên.
Từ bên ngoài, rủi ro lớn nhất có thể là câu chuyện thuế quan trên diện rộng của ông Trump lần này có thể không chỉ nhắm đến một vài nước mà là rất nhiều nước, bao gồm các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp niêm yết không giống các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế, và họ hoàn toàn có thể xoay xở, bao gồm tận dụng những lợi thế chính sách của chính quyền ông Trump để trung hòa, hoặc thậm chí hưởng lợi từ những diễn biến đó. Vì vậy, vấn đề vẫn là tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp mình đầu tư.
Điều cần tránh là đơn giản hóa vấn đề quá mức hoặc chạy theo các quan điểm đầu tư “dân túy” kiểu ông Trump tốt hay không tốt cho Việt Nam, hay sẽ có “bơm tiền”, “đẩy bất động sản”… Những phân tích chính sách nghiêm túc cho thấy mọi việc không đơn giản như thế.
Anh Việt thực hiện