Các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới

Các doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm thị trường mới
15 giờ trướcBài gốc
Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam.
Từng phụ thuộc nhiều vào thị trường châu Á, đến nay, Công ty CP May xuất khẩu Trường Thắng (đóng tại xã Công Chính) đã tái cơ cấu lại danh mục khách hàng. Doanh nghiệp đã chủ động mở rộng hợp tác với các đối tác mới tại châu Âu, châu Mỹ và Đông Âu - những thị trường được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng ít được khai thác. Ông Vũ Công Thắng, giám đốc công ty, chia sẻ: “Mặc dù thị trường mới đòi hỏi chúng tôi phải điều chỉnh mẫu mã, kích cỡ và quy trình chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn riêng, nhưng bù lại, sự cạnh tranh không quá khốc liệt và giá bán ổn định hơn”.
Không riêng gì Trường Thắng, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã linh hoạt điều chỉnh hướng đi. Công ty TNHH Công nghiệp INTCO Việt Nam (đóng tại phường Bỉm Sơn) - chuyên sản xuất các sản phẩm tái chế từ nhựa EPS và nhựa PS đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tại các nước châu Âu và Bắc Mỹ. Trước đây, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất sang Trung Quốc, nhưng từ năm 2024 đến nay, đơn vị này đã liên tục tham gia các chương trình kết nối giao thương quốc tế và từng bước mở rộng mạng lưới phân phối sang Canada, Mexico và Ba Lan. Đại diện doanh nghiệp cho biết, để đạt được chứng nhận xuất xứ phù hợp và vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu, công ty đã đầu tư cải tiến công nghệ sản xuất và tăng cường kiểm soát chất lượng đầu ra. Đây cũng là điều kiện bắt buộc nếu muốn duy trì xuất khẩu bền vững trong giai đoạn mới.
Thanh Hóa hiện có hơn 230 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp với hàng hóa phong phú, từ nông sản, thủy sản, dệt may đến vật liệu xây dựng và linh kiện điện tử. Để mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA (với EU), CPTPP, UKVFTA và RCEP. Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2025, khoảng 47% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã được hưởng ưu đãi thuế từ các FTA, tăng 6 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái.
Một hướng đi quan trọng giúp doanh nghiệp Thanh Hóa mở rộng thị trường xuất khẩu là tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế. Trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, tỉnh đã tạo điều kiện để nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm quy mô lớn nhằm quảng bá sản phẩm, kết nối đối tác và nắm bắt xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Cùng với đó, không ít đơn vị đã chủ động tổ chức hội thảo, phiên kết nối giao thương trực tuyến thông qua các nền tảng như Zoom, Webex hay Google Meet..., góp phần tiết kiệm chi phí, mở rộng phạm vi tiếp cận và nâng cao hiệu quả tiếp cận thị trường trong bối cảnh chuyển đổi số đang ngày càng lan rộng.
Đáng chú ý, việc ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới đang dần trở thành kênh xuất khẩu tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa, đặc biệt là các đơn vị vừa và nhỏ. Thông qua các nền tảng như Amazon, Alibaba hay các chợ điện tử chuyên ngành, hàng hóa địa phương có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng quốc tế mà không cần thông qua nhiều khâu trung gian. Nhờ đầu tư bài bản cho chiến lược marketing số và tận dụng các gói hỗ trợ logistics trọn gói, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đáng kể từ kênh online chỉ sau thời gian ngắn triển khai.
Tìm được thị trường mới đã khó, giữ được thị trường và khách hàng lại càng khó hơn. Các doanh nghiệp xuất khẩu tại Thanh Hóa đang từng bước thay đổi tư duy sản xuất và quản trị, hướng đến sự bài bản và chuyên nghiệp hơn. Công ty CP Mía đường Lam Sơn hiện có mặt tại hơn 10 quốc gia, đang áp dụng mô hình nông nghiệp carbon thấp, truy xuất nguồn gốc từ vùng trồng để đáp ứng yêu cầu về “xanh hóa” trong thương mại quốc tế.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thống kê Thanh Hóa, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3,4 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 65%), tiếp theo là nông sản, thủy sản và khoáng sản. Dù tăng trưởng khá, song giới chuyên gia nhận định sức ép cạnh tranh vẫn còn rất lớn, đặc biệt từ các đối thủ tại Thái Lan, Indonesia, Bangladesh và Trung Quốc.
Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD trong năm 2025, Thanh Hóa xác định rõ vai trò then chốt của đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường và chuyển đổi xanh trong sản xuất. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin thị trường, tiếp cận vốn ưu đãi và nâng cao năng lực quản trị cũng là những nhiệm vụ ưu tiên.
Việc các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh không ngừng nỗ lực mở rộng thị trường chính là minh chứng rõ nét cho tinh thần thích ứng, đổi mới và hội nhập. Dù còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự đồng hành của chính quyền và quyết tâm tự thân, xuất khẩu hàng hóa Thanh Hóa vẫn đang vững vàng vượt sóng, mở rộng vị thế trên bản đồ thương mại quốc tế.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/cac-doanh-nghiep-xuat-khau-tim-kiem-thi-truong-moi-255502.htm