Cuối tháng 11-2024, đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh do Đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng làm trưởng đoàn đi thăm, khảo sát, nắm lại tình hình an ninh, trật tự, cuộc sống lao động, sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới… của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên tuyến biên giới bộ của tỉnh.
Sau khi làm việc với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, đoàn công tác đến mốc chủ quyền 287. Đây là cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới trên bộ của Kiên Giang, tiếp giáp xã Vĩnh Gia, tỉnh An Giang.
Thượng tá Âu Thành Trí - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều cho biết: “Đoạn biên giới do đơn vị quản lý dài hơn 13km, từ mốc 287 đến mốc 293/3 là đến đoạn biên giới của Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành. Thời gian qua, có 79 hộ dân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Khoảng 5km tiếp giáp tỉnh Takeo, còn lại giáp tỉnh Kampot Vương quốc Campuchia. Hơn 7km chưa làm xong đường tuần tra, nên chỉ đi xe được một đoạn, còn lại phải đi bộ…”.
Đoàn công tác Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh khảo sát, nắm tình hình trên đoạn biên giới bộ của tỉnh Kiên Giang.
Sau khi kiểm tra các mốc, thăm, động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ đang trực tại các vị trí trọng yếu, đoàn công tác phải đi bộ chừng 7km đường ruộng, vượt nhiều rạch nhỏ, men theo kênh đào 79 mới đến được các điểm mốc còn lại.
Đại tá Nguyễn Việt Quân - Trưởng Phòng Trinh sát Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, người có mấy chục năm công tác trên tuyến biên giới cho biết: “Tên gọi 79 vì kênh này được chính quyền huy động người dân đào vào năm 1979. Kênh 79 có nhiệm vụ tiêu mặn, xả phèn, mang nước ngọt, phù sa vào các cánh đồng trên vùng biên. Ngoài ra, kênh còn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lúa, gạo, phân bón, giúp nông dân đi lại, làm nông, làm rẫy thuận lợi hơn…” .
Ông Phạn Văn Sỹ, ngụ ấp Mới, xã Vĩnh Phú (Giang Thành) tâm sự: “Gia đình tôi có hơn 20 năm làm ruộng trên biên giới, gần mốc chủ quyền 287. Những năm qua, cùng với chủ trương giao nhận tự quản đường biên, cột mốc, tôi đăng ký tham gia tự quản hơn 280m đường biên nơi gia đình có đất canh tác. Những năm trước đây, vùng biên này phèn mặn, không trồng trọt được gì, đời sống người dân vô cùng cơ cực. Những năm gần đây, cùng với chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên, nhiều dự án thủy lợi, cầu, đường, điện… giúp vùng đất này ngày một chuyển mình. Hiện tại người dân khu vực biên giới trong 1 năm có thể làm 3 vụ lúa, vụ nào cũng trúng…”.
Đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thăm gia đình ông Lý Văn Nhợi, ngụ ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ (Giang Thành).
Sau khi thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Chợ Đình, nắm thêm về tình hình vùng biên, đoàn công tác đến đoạn biên giới mốc chủ quyền 394, điểm đầu tiếp giáp giữa Đồn Biên phòng Vĩnh Điều và Giang Thành. Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành quản lý 12km đường biên, trong đó còn khoảng 7,306km chưa được hoạch định, phân giới, cắm mốc.
“Tuy còn một đoạn biên giới chưa được hoạch định, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên luôn ổn định. Người dân hai bên biên giới vẫn ra đồng, thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa… Cùng sự vào cuộc quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của chính quyền, các lực lượng, sự đồng thuận, chí thú làm ăn của người dân, những năm gần đây, đời sống đồng bào khu vực biên giới từng bước đi lên. Hiện Đồn Biên phòng tham mưu địa phương tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao…”, Trung tá Hà Đức Hạnh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cho biết.
Sau khi làm việc với Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, đoàn công tác đến mốc chủ quyền 302/7, là vị trí mốc tiếp giáp giữa Giang Thành và Phú Mỹ. Đoạn biên giới này dài hơn 10km, từ mốc 302/7 đến tiếp giáp mốc 306 thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên.
Đại tá Phạm Văn Thắng (bên trái) - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang động viên chiến sĩ đang trực bảo vệ biên giới.
Thượng tá Danh Kim Huôl - Chính trị viên Đồn Biên phòng Phú Mỹ cho biết: “Do địa bàn có nhiều kênh, rạch, có sông Giang Thành đi qua, nhiều đường mòn, người dân quen với việc đi lại theo tập quán. Để quản lý chặt địa bàn, người, phương tiện qua lại, đơn vị tổ chức thêm các chốt, điểm gác, chỉ đạo các tổ công tác tăng cường bám địa bàn, thực hiện công tác dân vận. Đồng thời, phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới; xây dựng và nhân rộng điển hình các hộ dân là người cao tuổi, có uy tín trong vùng đồng bào để cùng chung tay giúp bộ đội biên phòng trong các phong trào. Đến nay, có 89 hộ dân tham gia tự quản toàn bộ đoạn biên giới hơn 10 km…”.
Ông Lý Văn Nhợi, một lão nông sống hơn 30 năm trên vùng biên. Ông Nhợi là công dân tiêu biểu trong các phong trào của địa phương. Trong chòi lá đơn sơ của ông Nhợi, bên dòng sông Giang Thành, Đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, trưởng đoàn công tác không giấu được cảm xúc trước tấm lòng ông Nhợi dành cho lực lượng biên phòng Kiên Giang. Là nông dân nghèo nhưng ông lại sống có trách nhiệm với đường biên, với chủ quyền quốc gia, hết lòng đùm bọc, cưu mang bộ đội.
Đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng, trưởng đoàn công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát biểu nhận xét sơ bộ sau khi thăm, khảo sát, nắm tình hình và kiểm tra tại các đồn biên phòng tuyến biên giới trên bộ.
Sau khi đi thăm, khảo sát, kiểm tra dọc biên giới, đoàn công tác có buổi làm việc, kết luận sơ bộ đối với các đồn biên phòng Vĩnh Điều, Giang Thành, Phú Mỹ và Hà Tiên.
Đại tá Phạm Văn Thắng đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị. Các đơn vị đã thực hiện tốt công tác đối ngoại với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia; tích cực chủ động trong trao đổi thông tin, tình hình vùng biên, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biên giới. Các đơn vị chủ trì phối hợp các lực lượng quản lý chặt địa bàn, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, giải quyết tốt các vụ việc. Các đơn vị thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, bám dân, bám địa bàn, tạo được lòng tin trong nhân dân.
Đại tá Phạm Văn Thắng đề nghị thời gian tới các đơn vị tiếp tục xây dựng hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong lòng nhân dân vùng biên; phải khẳng định được vai trò trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, thật sự là phên dậu biên giới. Và mỗi người dân trên biên giới là một cột mốc sống, sẵn sàng cùng với cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc…
Bài và ảnh: TIẾN VINH