Các đồng tiền khu vực châu Á tăng vọt so với bạc xanh
Đồng tiền nội tệ tăng khi bạc xanh bị bán tháo
Tâm điểm của biến động bắt đầu từ Đài Loan, khi đô la Đài loan tăng tới 10% chỉ trong hai phiên giao dịch cuối tuần trước. Diễn biến này đã nhanh chóng lan sang các thị trường khác, đẩy đồng tiền nội tệ của Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc và Hồng Kông tăng mạnh.
Mặc dù ngày thứ Ba ghi nhận sự ổn định trở lại, đô la Hồng Kông vẫn đang tiệm cận ngưỡng mạnh nhất theo cơ chế neo tỷ giá, còn đô la Singapore đã chạm mức cao nhất trong hơn một thập kỷ.
Louis-Vincent Gave, đồng sáng lập Gavekal Research, mô tả hiện tượng này là "phiên bản đảo chiều của cuộc khủng hoảng châu Á" vì tốc độ tăng giá quá nhanh của các đồng tiền nội tệ.
Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, các nền kinh tế trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc đã tăng cường tích lũy USD như biện pháp phòng vệ. Phần lớn nguồn vốn tiết kiệm được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang bị đặt dấu hỏi.
Theo ông Gave: “Chiến lược đầu tư vào tài sản Mỹ không còn là con đường một chiều chắc thắng như trước đây”.
Tại Đài Loan, tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường ngoại hối khiến giao dịch USD gặp nhiều khó khăn, với nghi vấn rằng Ngân hàng Trung ương nước này có thể đã ngầm ủng hộ xu hướng bán USD. Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt tại các thị trường châu Á khác.
Các nhà phân tích nhận định tác nhân chính đến từ chính sách thương mại cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cụ thể là thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Thứ nhất, các nhà xuất khẩu, đặc biệt tại Trung Quốc, dự kiến sẽ nhận được ít USD hơn khi mất quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Thứ hai, lo ngại suy thoái kinh tế Mỹ khiến triển vọng đầu tư vào tài sản Mỹ giảm mạnh.
Ông Gary Ng, kinh tế trưởng tại Natixis, cho rằng: “Chính sách của ông Trump đã làm suy yếu niềm tin thị trường vào tài sản định danh bằng USD”.
Ông cũng đề cập đến khả năng xuất hiện một "thỏa thuận Mar-a-Lago" - tên gọi phi chính thức ám chỉ một thỏa thuận ngầm làm suy yếu USD, gắn liền với khu nghỉ dưỡng nổi tiếng của ông Trump tại Florida.
Văn phòng Đàm phán Thương mại Đài Loan bác bỏ việc tỷ giá hối đoái là một phần trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ gần đây.
Khi đồn đoán trở thành thực tế
Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Singapore hiện đang nắm giữ lượng USD dự trữ lớn nhất châu Á, tổng cộng lên tới hàng nghìn tỷ USD. Riêng tại Trung Quốc, tiền gửi ngoại tệ tại ngân hàng, chủ yếu là USD từ các nhà xuất khẩu, đạt gần 960 tỷ USD tính đến cuối tháng 3, mức cao nhất trong gần ba năm.
Bên cạnh đó, các quỹ hưu trí và bảo hiểm trong khu vực cũng đầu tư mạnh vào cổ phiếu và trái phiếu Mỹ. Tuy nhiên, do chi phí phòng hộ tỷ giá cao, họ thường giữ tỷ lệ hedging thấp và đây là rủi ro đang được nhìn nhận lại.
Một tín hiệu đảo chiều là báo cáo công bố ngày thứ Ba của Goldman Sachs cho biết, các nhà đầu tư đã đảo chiều từ vị thế bán khống nhân dân tệ sang mua vào, tức họ kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục yếu đi.
Ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại Morgan Stanley, cho rằng chính sách thuế quan do Mỹ khởi xướng vào ngày 2/4 là “hồi chuông cảnh tỉnh”, buộc nhà đầu tư phải hành động, ít nhất là phòng hộ, nếu chưa bán tháo tài sản Mỹ.
"Về trung và dài hạn, giới đầu tư sẽ phải nghĩ đến việc đa dạng hóa tài sản thay vì tiếp tục tin vào sự thống trị tuyệt đối của đồng USD", ông nhận định.
Một chiến lược phổ biến trước đây là vay USD giá rẻ thông qua thị trường kỳ hạn đô la Hồng Kông - free-money trade - hiện đang sụp đổ khi tỷ giá không còn ổn định như trước.
Mukesh Dave, Giám đốc đầu tư tại Aravali Asset Management, cho biết: "Các quỹ đầu cơ vĩ mô và nhà đầu tư đòn bẩy đang tháo chạy khỏi chiến lược này, giá trị lên tới hàng trăm tỷ USD".
Trong khi đó, Cơ quan tiền tệ Hồng Kông xác nhận đang giảm thời hạn nắm giữ trái phiếu Kho bạc Mỹ và chuyển hướng đầu tư sang tài sản phi USD.
Dòng tiền trở về châu Á được củng cố bởi đà tăng của trái phiếu khu vực, cho thấy nhà xuất khẩu và các quỹ đầu tư dài hạn đang hồi hương vốn.
"Việc hồi hương không còn là lời đồn mà đang hiện hữu rõ ràng", chiến lược gia tại BNP Paribas Singapore, Parisha Saimbi nói và thêm rằng: "Dưới bất kỳ hình thức nào, đây là bằng chứng cho thấy sự hỗ trợ cho bạc xanh đang giảm sút và quá trình phi đô la hóa đang thực sự bắt đầu".
UBS ước tính nếu các công ty bảo hiểm Đài Loan nâng tỷ lệ phòng hộ tỷ giá trở lại mức trung bình giai đoạn 2017-2021, điều đó có thể tương đương với việc bán ra tới 70 tỷ USD.
Dù vậy, Ngân hàng Đài Loan đã cam kết sẽ ổn định tỷ giá đồng nội tệ, và Tổng thống Đài Loan cũng đã khẳng định tỷ giá không phải là chủ đề trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Tuy nhiên, phản ứng thị trường lại cho thấy điều ngược lại.
"Tỷ giá USD/TWD đang là chim hoàng yến trong mỏ than”, Brent Donnelly, Chủ tịch Spectra Markets ví von và cho rằng: "Nhu cầu USD từ châu Á và thiện chí của ngân hàng trung ương khu vực trong việc hỗ trợ bạc xanh đang suy yếu rõ rệt".
Đại Hùng