Đức và các nghị sĩ Nghị viện châu Âu đã vận động để áp dụng một khoản phí giám sát đối với các công ty công nghệ lớn nhằm giúp các cơ quan quản lý chống độc quyền EU thực thi tốt hơn Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA).
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu về chủ quyền công nghệ, an ninh và dân chủ Henna Virkkunen.
Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban châu Âu Henna Virkkunen, người phụ trách lĩnh vực công nghệ, cho biết các quy định luôn được xem xét và bà sẽ theo dõi tình hình, nhưng hiện không có kế hoạch buộc các công ty này chi trả, dù khối lượng công việc giám sát là rất lớn.
"Vì vậy, luôn có khả năng này, nhưng hiện tại chúng tôi không có đề xuất mới nào về vấn đề đó", bà Virkkunen nói.
Đạo luật mang tính bước ngoặt, được thi hành từ năm 2023, đưa ra danh sách các việc được làm và không được làm nhằm hạn chế quyền lực của 6 người khổng lồ công nghệ này và mang lại nhiều lựa chọn hơn cho người tiêu dùng. Nhóm các công ty công nghệ lớn, bao gồm Booking.com, được chọn vì họ cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi cho người dùng doanh nghiệp.
Những người ủng hộ phí giám sát DMA cho rằng nó nên tương tự như khoản phí áp dụng cho các nền tảng trực tuyến lớn theo một đạo luật khác gọi là Thuế Dịch vụ Kỹ thuật số, yêu cầu các công ty phải làm nhiều hơn để kiểm soát nội dung trên trang web của họ.
Phí giám sát dịch vụ kỹ thuật số tương đương 0,05% thu nhập ròng hàng năm trên toàn cầu của một công ty.
Trước đó, EU đã siết chặt quản lý đối với Apple, Google và các gã khổng lồ công nghệ khác bằng các đạo luật. Dưới đây là một số hành động đã thực hiện:
Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA)
Theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của EU, có hiệu lực từ năm ngoái, các công ty công nghệ phải làm nhiều hơn để xử lý nội dung bất hợp pháp và gây hại trên nền tảng của họ.
Ngày 15/5, EC cáo buộc ứng dụng mạng xã hội TikTok vi phạm nghĩa vụ của DSA khi không công khai kho quảng cáo để nhà nghiên cứu và người dùng phát hiện quảng cáo lừa đảo. Công ty sở hữu TikTok, ByteDance, có nguy cơ bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu.
Đây là phán quyết thứ hai của cơ quan quản lý công nghệ EU kể từ khi DSA được áp dụng, sau khi mạng xã hội X của tỷ phú Elon Musk bị cáo buộc vi phạm quy định nội dung vào năm ngoái.
Theo Ủy ban vào tháng 5/2024, Facebook và Instagram của Meta cũng đang bị điều tra vì có thể vi phạm quy định nội dung trực tuyến của EU liên quan đến an toàn trẻ em, với khả năng đối mặt với các khoản phạt nặng.
Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA)
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số của Liên minh châu Âu, có hiệu lực từ năm 2022, nhằm hạn chế quyền lực của các gã khổng lồ công nghệ và đảm bảo sân chơi công bằng cho các đối thủ nhỏ hơn.
Apple bị phạt 570 triệu USD và Meta bị phạt 216 triệu USD theo DMA vào ngày 23/4. Theo nguồn tin trực tiếp, các khoản phạt này được cho là nhẹ, vì cơ quan chống độc quyền tập trung vào việc đảm bảo các công ty tuân thủ luật hơn là trừng phạt.
Các cuộc điều tra này nằm trong ba vụ việc do EC, cơ quan giám sát cạnh tranh của EU, khởi động. Ủy ban cũng đang điều tra Google của Alphabet vì các vi phạm tiềm tàng, đồng thời cáo buộc Meta vào tháng 7 năm ngoái vì không tuân thủ DMA trong mô hình quảng cáo "trả phí hoặc đồng ý".
Tháng 9/2023, EU chỉ định 22 dịch vụ "người gác cổng" do Alphabet, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance (sở hữu TikTok) vận hành, yêu cầu họ tuân thủ các quy định của DMA trong vòng 6 tháng.
Meta và TikTok kháng cáo về danh hiệu "người gác cổng" vào tháng 11/2023, nhưng TikTok thất bại trong nỗ lực tạm hoãn danh hiệu này vào tháng 2/2024. Apple cho biết vào tháng 4/2024 rằng họ sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban để tuân thủ quy định.
Chống độc quyền
Ủy ban châu Âu phạt Meta 861,5 triệu USD vào tháng 11/2024 vì các hành vi lạm dụng mang lại lợi ích cho Facebook Marketplace.
Tháng 9, Google thắng kiện chống lại khoản phạt chống độc quyền 1,6 tỷ USD áp đặt cách đây năm năm vì cản trở đối thủ trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến.
Tuy nhiên, một tuần trước đó, Google thua trong vụ kiện chống lại khoản phạt 2,61 tỷ euro từ bảy năm trước vì sử dụng dịch vụ mua sắm so sánh giá của mình để giành lợi thế không công bằng trước các đối thủ nhỏ hơn ở châu Âu.
Cùng ngày, Apple thua trong vụ kiện chống lại lệnh của cơ quan cạnh tranh EU, yêu cầu công ty này trả 14,04 tỷ USD tiền thuế truy thu cho Ireland, trong khuôn khổ chiến dịch lớn hơn nhằm vào các thỏa thuận ưu đãi giữa các tập đoàn đa quốc gia và các nước EU.
Tháng 7 năm ngoái, cơ quan quản lý cho biết Apple đã đồng ý mở hệ thống thanh toán di động "chạm và đi" cho các đối thủ để giải quyết một cuộc điều tra chống độc quyền của EU.
Brussels phạt Apple 1,98 tỷ USD vào tháng 3/2024 vì cản trở cạnh tranh từ các đối thủ phát nhạc trực tuyến thông qua các hạn chế trên App Store.
Tháng 6, Ủy ban cáo buộc Microsoft gắn kết bất hợp pháp ứng dụng chat và video Teams với sản phẩm Office. Một tài liệu Reuters xem vào tháng 2 cho thấy Ủy ban cũng đang điều tra các hoạt động phần mềm bảo mật của Microsoft.
Các quốc gia châu Âu trừng phạt riêng lẻ
Ngày 18/3, Apple thua kháng cáo ở Đức đối với đánh giá quy định, mở đường cho các kiểm soát chặt chẽ hơn sau nhiều năm tranh cãi về vị trí thị trường của công ty.
Tháng 9, cơ quan chống độc quyền Anh tạm thời phát hiện Google lạm dụng vị trí thống trị trong quảng cáo kỹ thuật số để hạn chế cạnh tranh. Một tháng trước đó, cơ quan này bắt đầu điều tra mối quan hệ hợp tác giữa Alphabet (công ty mẹ của Google) và Amazon với startup AI Anthropic.
Các biện pháp khác bao gồm khoản phạt Meta ở Ý vì các hành vi thương mại không công bằng và khoản phạt Google ở Pháp vì vi phạm quy định sở hữu trí tuệ của EU.
Trong khi đó, cơ quan quản lý Tây Ban Nha vào tháng 7 đã mở cuộc điều tra về hành vi có thể chống cạnh tranh của App Store của Apple.
Đức Bình