Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 2/CT-TTg ngày 24/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông.
Hiện nay, ô nhiễm môi trường nước tại lưu vực các sông lớn như sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy, sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang trở thành những điểm nóng báo động. Nguyên nhân xuất phát từ sự xả thải không kiểm soát của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, các khu đô thị và cả hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những nguồn thải này đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nước, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng triệu người dân, đe dọa hệ sinh thái nước tự nhiên cũng như sự phát triển bền vững của các khu vực lân cận.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác ngăn chặn ô nhiễm Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai những giải pháp cấp bách, đồng bộ. Cụ thể, các trọng tâm bao gồm kiểm soát nguồn thải, nâng cấp hạ tầng xử lý nước thải, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Chính quyền địa phương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở xả thải. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm minh nhằm tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Vai trò của các tỉnh và thành phố là thống kê, phân loại nguồn thải. Tính đến trước ngày 31/12/2025, các tỉnh, thành phố cần thực hiện rà soát, lập danh mục các nguồn thải (theo tiêu chí loại hình và quy mô xả thải) có nguy cơ tác động tới chất lượng nguồn nước. Kết quả thống kê này cần được gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp.
Đồng thời, các địa phương đồng loạt xây dựng và nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các khu đô thị, làng nghề, cụm công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025, 60% cụm công nghiệp và 92% khu công nghiệp phải hoàn thiện hạ tầng xử lý nước thải tập trung.
Chính quyền địa phương phải tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên các cơ sở xả thải. Các trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm minh nhằm tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Vai trò của Bộ Tài nguyên và Môi trường là tổng hợp danh mục các nguồn thải lớn gây ô nhiễm lên đến 200m³ nước/ngày đêm; Rà soát và bổ sung các trạm quan trắc môi trường tự động tại những khu vực ô nhiễm nghiêm trọng; Phối hợp với địa phương hướng dẫn thực hiện các biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm nước.
Các bộ ngành liên quan như Bộ Xây dựng thực hiện đề xuất và thúc đẩy các dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Bộ Công an điều tra các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình gây ô nhiễm môi trường. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tài chính và xã hội hóa nguồn vốn đầu tư vào hệ thống xử lý nước thải.
Giải pháp xử lý ô nhiễm cho từng lưu vực sông được cụ thể như sau: Với lưu vực sông Cầu Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và UBND TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo thực hiện các giải pháp xử lý triệt để ô nhiễm trong lưu vực sông, đặc biệt là ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê, bao gồm các công việc như hoàn thiện hệ thống thu gom và vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cụm công nghiệp Phú Lâm trước ngày 31/3/2025; đấu nối và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp Phong Khê 1, 2, hoàn thành trước ngày 31/12/2025.
Buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tại các làng nghề Phong Khê, Châu Khê, Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang, và các cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê 2 phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc đầu tư hệ thống xử lý nước thải riêng hoặc di dời vào khu công nghiệp có hạ tầng bảo vệ môi trường. Xử lý các điểm tập kết chất thải rắn không đúng quy định dọc sông Ngũ Huyện Khê và kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường tại các làng nghề và cụm công nghiệp.
Xem xét không cấp phép đầu tư mới hoặc mở rộng các cơ sở xả thải vào sông Ngũ Huyện Khê, yêu cầu các cơ sở này đến năm 2025 có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn hoặc tái sử dụng, tuần hoàn nước. UBND tỉnh Thái Nguyên cần xây dựng lộ trình khắc phục ô nhiễm tại điểm cầu Bóng Tối, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/12/ 2025.
Lưu vực sông Nhuệ - Đáy: UBND TP Hà Nội cần tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, cải tạo môi trường nước, nạo vét các đoạn sông ô nhiễm, đặc biệt là các sông Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu. Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc và trạm xử lý nước thải Yên Xá, đưa vào vận hành trước ngày 30/6/2025.
UBND tỉnh Hà Nam cần hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu đô thị, vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải, đặc biệt là xử lý ô nhiễm tại làng nghề Nha Xá và sông Châu Giang. UBND tỉnh Hòa Bình cần hoàn thành xử lý ô nhiễm tại các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Lưu vực sông Đồng Nai: UBND TP Hồ Chí Minh cần triển khai các dự án cải tạo môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các khu vực đô thị, đặc biệt là sông Sài Gòn, và phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương để giải quyết ô nhiễm tại kênh Ba Bò và khu vực Suối Cái, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: Các Bộ và UBND các tỉnh trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải cần thực hiện các chỉ đạo tại Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 9/8/2023, bao gồm nạo vét, dọn vệ sinh, và kiểm soát các nguồn thải từ sinh hoạt và nông nghiệp vào nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo xây dựng và vận hành trạm bơm Xuân Quan, hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Các nhiệm vụ tại các tỉnh và thành phố: UBND TP Hà Nội: Đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị, khu dân cư, đặc biệt tại quận Long Biên, huyện Gia Lâm; triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây, hoàn thành trong năm 2025; UBND tỉnh Hải Dương: Đẩy nhanh xây dựng đường ống thu gom nước thải đô thị và xử lý nước thải các nhánh sông Sặt, Cửu An, Cầy Lường, và các kênh T1, T2, hoàn thành trước ngày 30/6/2025; UBND tỉnh Hưng Yên: Triển khai Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và kiểm soát chất lượng nước tại các nhánh sông Bần Vũ Xá, Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ; UBND tỉnh Bắc Ninh: Kiểm soát chất lượng nước tại các nhánh sông Đông Côi, Đồng Khởi, Đại Quảng Bình, Ngụ, Dâu và Bùi.
Đình Khương