Xây dựng trạm sạc cho xe điện và chia sẻ hệ thống sạc đã trở thành đề tài quen thuộc khi thảo luận về ngành công nghiệp ôtô điện tại Việt Nam. Mới đây, tại tọa đàm "Phát triển xe xanh tại Việt Nam: Hướng tới mục tiêu Net Zero" của báo Dân Việt, câu chuyện nên hay không nên chia sẻ trạm sạc tiếp tục được mổ xẻ nhằm tìm ra giải pháp trong việc thúc đẩy thị trường xe xanh Việt.
Ý kiến gây tranh cãi
Trong buổi tọa đàm, khi trao đổi về các giải pháp để phát triển xe điện, tiến sỹ Trần Hữu Minh - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc giá (UBATGTQG) đưa ra gợi ý về việc chia sẻ trạm sạc giữa VinFast với các hãng xe điện nước ngoài.
Theo ông Minh, việc chia sẻ trạm sạc, cho phép các thương hiệu ôtô điện sử dụng chung hạ tầng trạm sạc là điều cần thiết để phát triển ngành xe điện tại Việt Nam.
"Hiện tại tại Việt Nam, chỉ có VinFast sở hữu hệ thống trạm sạc rộng khắp, tạo thuận lợi cho người dùng xe điện. Trong khi đó, các hãng xe nước ngoài khi gia nhập thị trường Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm trạm sạc, khiến người tiêu dùng còn e dè với các thương hiệu xe điện toàn cầu. Khi nhà nước cấp phép vị trí, không gian và nguồn điện cho một doanh nghiệp xây dựng trạm sạc, doanh nghiệp đó đã nhận được ưu đãi phát triển, do đó cần có chính sách pháp lý buộc họ mở rộng dịch vụ cho tất cả các loại xe điện. Để đảm bảo lợi ích kinh tế, có thể áp dụng mức giá sạc chênh lệch, ví dụ xe của hãng A sạc tại trạm của hãng B sẽ phải trả phí cao hơn 50-100%", ông Minh nói.
Ý kiến của ông Minh về việc chia sẻ trạm sạc gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Whatcar Việt Nam, không thể yêu cầu VinFast chia sẻ trạm sạc với các hãng xe ngoại quốc.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng không thể yêu cầu VinFast chia sẻ trạm sạc. Ảnh: FBNV.
"Khi VinFast rót cả tỷ USD vào trạm sạc, đây là lợi thế cạnh tranh của Vinfast thì không thể nào yêu cầu doanh nghiệp này chia sẻ được. VinFast đưa xe điện vào Việt Nam và đầu tư trạm sạc vì họ phải sống chết với nó", ông Thắng chia sẻ.
Trên trang cá nhân của mình, ông Bạch Thành Trung - quản trị viên diễn đàn công nghệ VOZ và là người sở hữu, sử dụng nhiều xe điện - phản đối ý kiến yêu cầu chia sẻ trạm sạc.
"Tôi mua xe điện không có trạm sạc ảnh hưởng đến lợi ích của tôi. Tuy nhiên tôi là khách hàng của thương hiệu khác, tại sao lại bắt VinFast phải chăm sóc cho tôi? Không có lý do gì ép buộc VinFast phải chia sẻ trạm sạc, vốn được xây dựng phục vụ khách hàng của họ cho tôi cả", ông Trung nêu ý kiến.
Về câu chuyện quyền lợi khách hàng sử dụng xe điện, ông Trung cho rằng việc chia sẻ trạm sạc cho hãng khác sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của những người mua xe VinFast.
"Nếu VinFast chia sẻ hạ tầng sạc cho hãng khác dùng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của người dùng xe VinFast. Vì nếu có nhiều người dùng xe hãng thứ 3 vào sạc, khách hàng VinFast sẽ mất chỗ sạc. Và ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho việc đó? Lại tiếp tục là VinFast hay sao?" ông Trung nói thêm.
Ông Bạch Trung cũng phản đối ý kiến chia sẻ trạm sạc. Ảnh: Znews.
Vì vậy theo ông Trung để giải quyết câu chuyện "con gà có trước hay quả trứng có trước", việc cần làm là ban hành các quy chuẩn cổng sạc và quy định bán xe điện tại Việt Nam với các thương hiệu ngoại quốc.
"Chính phủ cần ban hành quy chuẩn cổng sạc cho toàn bộ xe điện bán ra tại Việt Nam. Nếu bán xe tại thị trường Việt Nam cần sử dụng một chuẩn, CCS2 hoặc GPT. Thứ 2, Chính phủ cần yêu cầu các hãng xe nước ngoài đảm bảo hạ tầng sạc tối thiếu nếu muốn bán xe cho người Việt", ông Trung nói.
Khó để chia sẻ trạm sạc
Thực tế, câu chuyện yêu cầu VinFast chia sẻ hệ thống trạm cho các thương hiệu ôtô khác đã được nhắc đến từ vài năm trước, khi VinFast bắt đầu triển khai hệ thống trạm sạc tại Việt Nam với số tiền đầu tư tính bằng hàng trăm triệu USD.
Ở góc độ kinh doanh, hạ tầng trạm sạc hiện là thế mạnh lớn nhất của VinFast trong việc thu hút khách hàng. Hạ tầng trạm sạc khắp nơi khiến VinFast thu hút được người dùng dù ở nhà phố hay chung cư, chạy xe gia đình hay xe dịch vụ.
Để bùng nổ về doanh số và thậm chí dẫn đầu thị trường ôtô Việt, VinFast còn ưu đãi miễn phí sạc cho khách hàng cho tới năm 2027. Số tiền đầu tư cho hạ tầng trạm sạc và ưu đãi sạc lên tới cả tỷ USD của VinFast được đánh đổi bằng thành công về doanh số tại Việt Nam. Thậm chí VinFast còn đang áp dụng cách mở rộng hạ tầng trạm sạc để phát triển ra các thị trường nước ngoài như Indonesia hay Phillipines.
Hạ tầng trạm sạc là ưu thế của VinFast tại thị trường Việt. Ảnh: VinFast.
Các chính sách và lợi thế về hạ tầng trạm sạc dày đặc trở thành ưu điểm giúp khách hàng lựa chọn sản phẩm VinFast nhiều hơn, giúp doanh số ôtô điện của thương hiệu bùng nổ. Điều này đưa hãng xe này trở thành "vua ôtô điện" tại Việt Nam.
Chia sẻ hệ thống trạm sạc cho các hãng xe khác đồng nghĩa với việc VinFast phải "tự tay" cắt đi lợi thế của mình trước các đối thủ. Chắc chắn chẳng doanh nghiệp nào muốn đầu tư cả tỷ USD để hỗ trợ đối thủ bán xe.
Về việc xây dựng trạm sạc để đảm bảo quyền lợi cho người dùng, các công ty thứ 3 chắc chắn có thể "giúp sức" nếu các thương hiệu xe điện đáp ứng được yêu cầu về doanh số.
Khi lượng xe điện từ các hãng khác được bán ra đủ lớn, chắc chắn các công ty thứ 3 như EV One, Charge+, Rabbit EVC, EverSolar hay các công ty Trung Quốc sẽ sẵn sàng tham gia vào cuộc đua xây dựng trạm sạc tại Việt Nam. Thậm chí V-GREEN của VinFast cũng có thể tham gia vào chuỗi cung cấp trạm sạc cho các hãng khác, với điều kiện nhóm này đủ lớn để mang lại lợi ích về kinh tế cho VinFast và không ảnh hưởng tới doanh số bán xe VinFast.
Tuy nhiên điều này chắc chắn vẫn cần mất nhiều thời gian hơn, khoảng 5-7 năm, thậm chí 10 năm bởi câu chuyện xe điện - trạm sạc vẫn luôn là rào cản về tâm lý với người dùng.
Khi doanh số ôtô điện hãng khác đủ tốt, tự các công ty trạm sạc thứ 3 sẽ "bước vào" xây dựng trạm sạc. Ảnh: Phúc Hậu.
Trên thực tế, các hãng xe khác khi mang xe điện về Việt Nam chắc chắn cũng chẳng trông đợi "đối thủ" xây dựng trạm sạc cho mình. Họ thường chọn liên kết với hệ thống trạm sạc bên thứ 3 hoặc "bắt tay" nhau thiết lập liên minh trạm sạc hỗ trợ khách hàng. Điều này chắc chắn sẽ chậm hơn, khó thu hút khách nhưng là giải pháp thiết thực nhất ở thời điểm hiện tại.
Một hãng xe đầu tư nhỏ giọt chắc chắn không thể có vị thế tốt như hãng xe đầu tư cả trăm nghìn trạm sạc. Nhìn chung câu chuyện "con gà và quả trứng", trạm sạc và xe điện vẫn luôn là chủ đề nóng hổi và sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường ôtô điện.
Tại nhiều nước trên thế giới, thói quen sạc tại nhà và điều kiện nhà ở, hạ tầng khiến cho trạm sạc công cộng đôi khi được cho là dư thừa cho nhu cầu sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên tại Việt Nam với những khác biệt về điều kiện nhà ở và giao thông, hệ thống hạ tầng trạm sạc vẫn là tiêu chí hàng đầu dẫn tới quyết định mua xe điện, chứ không phải các tiêu chí về công nghệ, khả năng vận hành hay sức mạnh động cơ.
Đan Thanh