'Các hộ kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi'

'Các hộ kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp sẽ có nhiều ưu đãi'
6 giờ trướcBài gốc
Tại phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sáng nay (20/5), đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh và hơn 940.000 doanh nghiệp, như vậy hộ kinh doanh đang chiếm tỷ trọng rất lớn. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành và dự thảo sửa đổi lần này chưa đề cập đến việc cải cách mô hình hộ kinh doanh, trong khi đây là 1 nội dung trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với yêu cầu rất rõ ràng, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình hoạt động doanh nghiệp, xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Theo đại biểu Hà, dù đã nhiều lần khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp từ sau Luật Doanh nghiệp năm 2005, nhưng thực tế số lượng hộ kinh doanh vẫn liên tục gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Đại biểu cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do mô hình hộ kinh doanh hiện nay đang được áp dụng chế độ thuế khoán đơn giản, quản lý lỏng lẻo về chứng từ kế toán, và mức xử phạt vi phạm hành chính chỉ bằng một nửa so với doanh nghiệp, tạo ra sự bất bình đẳng ngay trong khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi doanh nghiệp có doanh thu chỉ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm vẫn phải thực hiện đầy đủ sổ sách, hóa đơn, chứng từ kế toán theo quy định, thì nhiều hộ kinh doanh có doanh thu hàng chục tỷ đồng lại chỉ bị áp thuế khoán và hoạt động ngoài khung pháp lý của Luật Doanh nghiệp. Đây là bất cập cần sớm được xử lý.
Thực tế, mô hình hộ kinh doanh đã xuất hiện tại Việt Nam từ những năm 1960 - 1970, chủ yếu được điều chỉnh bằng các nghị định liên quan đến đăng ký kinh doanh, nhưng chưa được luật hóa đầy đủ. Bên cạnh đó, một vướng mắc lớn khác là Luật Doanh nghiệp hiện hành vẫn duy trì mô hình doanh nghiệp tư nhân - một loại hình do một cá nhân làm chủ, chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình, và không có tư cách pháp nhân.
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp được chia thành hai nhóm: doanh nghiệp có tư cách pháp nhân (gọi chung là công ty) và doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân (doanh nghiệp tư nhân). Cách phân loại này vừa thiếu nhất quán, vừa gây khó khăn trong áp dụng pháp luật. Nhiều quy định trong luật được xây dựng theo logic của công ty, dẫn đến tình trạng một số quy định quá lỏng lẻo với công ty nhưng lại quá ràng buộc với doanh nghiệp tư nhân.
Đại biểu Hà kiến nghị, Chính phủ cần xây dựng lộ trình chuyển đổi toàn bộ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp gắn với thời hạn xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 như tinh thần Nghị quyết 68. Ban hành Luật Doanh nghiệp tư nhân mới thay thế cho cả mô hình hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân hiện tại, để áp dụng cho các mô hình kinh doanh nhỏ, siêu nhỏ. Luật này cần được thiết kế theo nguyên tắc, thủ tục thành lập đơn giản, chi phí thấp, miễn kiểm toán, miễn báo cáo tài chính định kỳ nếu doanh thu dưới ngưỡng quy định, áp dụng thuế thu nhập cá nhân thay vì thuế khoán, đảm bảo công bằng và minh bạch. Tách riêng quy định về doanh nghiệp tư nhân khỏi Luật Doanh nghiệp, đổi tên thành Luật Công ty để tránh áp dụng chung một khung pháp lý cho 2 mô hình hoàn toàn khác biệt về tư cách pháp nhân và trách nhiệm tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, năm 2020, khi trình dự thảo Luật Doanh nghiệp, Chính phủ cũng đã đề xuất bổ sung hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, Quốc hội khi đó đã biểu quyết không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp, với lý do chưa phù hợp với phạm vi và tên gọi của luật.
Gần đây, tại Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Chính trị đã chỉ đạo hoàn thiện khung pháp lý cho kinh doanh cá thể. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đang xem xét đề xuất trình Chính phủ, Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành một đạo luật riêng – Luật Hộ kinh doanh – nhằm xác định địa vị pháp lý, mô hình tổ chức và hoạt động của loại hình này. Hiện đã có Luật Doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hợp tác xã; vì vậy, việc ban hành Luật Hộ kinh doanh là cần thiết để đảm bảo đầy đủ khung pháp lý cho mọi mô hình kinh doanh.
Về chính sách thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng Nghị quyết 68, Bộ Tài chính đã tính toán rằng để đạt mục tiêu có 2.000 doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 và 3.000 vào năm 2045, bắt buộc phải có sự chuyển dịch đáng kể từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là cơ sở để tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách.
Do đó, Nghị quyết 68 đã đề ra các giải pháp hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi, như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp mới thành lập, hỗ trợ chi phí thuê đất, đơn giản hóa thủ tục về kế toán, lao động, kê khai thuế. Đồng thời, sẽ tăng cường quản lý hộ kinh doanh, tiến tới bỏ thuế khoán và áp dụng chế độ kê khai, nộp thuế theo doanh thu thực tế, bắt buộc xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, tương tự như doanh nghiệp.
“Với những giải pháp hiện nay, hộ kinh doanh khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi và thuận lợi hơn. Chúng ta kỳ vọng việc này sẽ đạt hiệu quả trong thời gian tới,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.
Bảo An
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cac-ho-kinh-doanh-theo-mo-hinh-doanh-nghiep-se-co-nhieu-uu-dai-d58513.html