Các khoản được đề xuất bắt buộc và không bắt buộc đóng BHXH

Các khoản được đề xuất bắt buộc và không bắt buộc đóng BHXH
20 giờ trướcBài gốc
Luật BHXH (BHXH) 2024 có hiệu lực từ 1-7-2025 quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH gồm lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Để quy định rõ điều này, Bộ LĐ-TB&XH đang dự thảo Nghị định Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Các khoản nào sẽ phải đóng BHXH ?
Theo dự thảo Nghị định, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là tiền lương tháng, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Trong đó, lương và phụ cấp lương được quy định trong hợp đồng; các khoản phụ cấp lương không bao gồm khoản phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động
Còn các khoản bổ sung khác là số tiền được xác định cụ thể cùng với mức lương, được thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản này không bao gồm khoản bổ sung phụ thuộc hoặc biến động theo năng suất lao động, quá trình làm việc và chất lượng thực hiện công việc của người lao động.
Với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc là mức phụ cấp hằng tháng. Trường hợp mức phụ cấp hằng tháng thấp hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất thì được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc, nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu (hiện là 2,34 triệu đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
BHXH Việt Nam đề xuất quy định rõ những khoản không phải bắt buộc đóng BHXH, còn lại đều liệt vào danh mục phải đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: V.LONG
Nếu tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng ngoại tệ thì tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc được tính bằng đồng Việt Nam.
Việc này được thực hiện trên cơ sở tiền lương bằng ngoại tệ được chuyển đổi bằng đồng Việt Nam theo tỉ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm ngày 2-1 cho 6 tháng đầu năm và ngày 1-7 cho 6 tháng cuối năm. Trường hợp trùng vào ngày nghỉ mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa công bố thì lấy tỉ giá của ngày tiếp theo liền kề do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.
Cần quy định rõ các khoản không đóng BHXH
Góp ý các đề xuất trên, BHXH Việt Nam đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được quy định trong hợp đồng.
Thay vào đó, cần quy định rõ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc không gồm các chế độ và phúc lợi khác như: thưởng theo quy định Bộ luật Lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca, hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ.
Tiền hỗ trợ khi người lao động có thân nhân tử vong, có người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động… cũng được đề xuất không thuộc các khoản phải đóng BHXH.
Cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đề xuất bổ sung một khoản quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc trọn thời gian. Cụ thể, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đối với đối tượng này là tiền lương tính theo tháng được quy định trong hợp đồng.
Trường hợp trong hợp đồng lao động làm việc trọn thời gian thỏa thuận lương theo giờ, tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo giờ nhân với số giờ làm việc bình thường trong tháng.
Với trường hợp trong hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo ngày, tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo ngày nhân với số tiền làm việc bình thường trong tháng. Trường hợp trong tháng hợp đồng lao động thỏa thuận lương theo tuần, tiền lương tính trong tháng bằng tiền lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng.
Ngoài ra, BHXH đề xuất quy định rõ tiền lương đối với người quản lý điều hành có hưởng lương. Theo đó, đối tượng này đóng BHXH trên nền lương được hưởng theo quy định của pháp luật.
Luật BHXH quy định mức trần lương đóng BHXH bắt buộc
Luật BHXH 2024 quy định, mức lương cao nhất đóng BHXH bắt buộc của người lao động bằng 20 lần mức tham chiếu (lương cơ sở) tại thời điểm đóng.
Cụ thể, năm 2025 mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng. Do vậy, mức cao nhất đóng BHXH bắt buộc từ 1/7 là: 20 x 2,34 triệu đồng = 46,8 triệu đồng.
BHXH Việt Nam giải thích, việc quy định mức trần đóng BHXH bắt buộc nhằm đảm bảo sự bình đẳng.
Thực tế có nhiều người làm quản lý trong các doanh nghiệp FDI có mức lương từ 200-300 triệu đồng/tháng, nếu không quy định mức trần thì lúc về hưu sẽ hưởng lương rất cao, tạo sự chênh lệch lớn giữa những người hưởng lương hưu.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết quy định về mức trần lương tính đóng BHXH cơ bản sẽ tạo ra mặt bằng chung với khoảng cách không quá lớn giữa những người nhận lương hưu; nếu tham gia mức tối đa trong thời gian dài vẫn đảm bảo có lương hưu cao.
Trường hợp nếu người lao động muốn lương hưu cao hơn thì có thể tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung tự nguyện đã được áp dụng song hành với quy định về trần lương tính đóng BHXH cơ bản.
VIẾT LONG
Nguồn PLO : https://plo.vn/cac-khoan-duoc-de-xuat-bat-buoc-va-khong-bat-buoc-dong-bhxh-post835247.html