Trả đũa bằng thuế quan
Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Thay vì nhượng bộ, EU đã khẳng định quyết tâm đáp trả. Đầu tuần này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố: “Chúng tôi đã sẵn sàng một kế hoạch đáp trả mạnh mẽ, và sẽ không ngần ngại áp dụng khi cần thiết”.
Dù các quan chức EU vẫn mong muốn một giải pháp đàm phán, nhưng những đề xuất trước đó - chẳng hạn gia tăng nhập khẩu khí đốt hóa lỏng của Mỹ - dường như đã rơi vào bế tắc.
Cách tiếp cận của EU trái ngược với Vương quốc Anh, quốc gia đang chọn cách nhượng bộ nhẹ nhàng hơn, bằng việc giảm thuế dịch vụ kỹ thuật số để xoa dịu Nhà Trắng. Tuy nhiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự thống nhất trong nội bộ EU.
Nhắm vào những biểu tượng Mỹ: Rượu bourbon và quần jeans xanh
EU có thể tái sử dụng chiến lược đã áp dụng trước đây: đánh thuế vào những mặt hàng mang tính biểu tượng cao của Mỹ. Khi ông Trump áp thuế vào thép và nhôm trước đó, EU đã đề xuất thuế quan đối với các mặt hàng Mỹ như rượu bourbon, xe máy Harley-Davidson, nhiều sản phẩm nông nghiệp và các loại hàng hóa công nghiệp khác.
EU vẫn chưa có động thái đáp trả đối với các mức thuế mà ông Trump áp đặt với ô tô và linh kiện ô tô, có hiệu lực từ ngày 3/4. Trên lý thuyết, khối này có thể áp đặt thêm nhiều biện pháp thuế quan nhằm vào các kế hoạch đó, cũng như những mức thuế mới nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức EU sẽ nỗ lực tránh đánh thuế mạnh vào những mặt hàng mà khối này đang cần.
Ông Ignacio García Bercero, cựu nhà đàm phán thương mại cấp cao của EU, nhận định: “Điều quan trọng là tối đa hóa tác động chính trị và hạn chế thấp nhất tổn thất kinh tế đối với EU”.
Nhắm vào “gã khổng lồ” trong ngành tài chính và công nghệ Mỹ
Về lý thuyết, EU có thể lựa chọn các biện pháp mạnh tay hơn, chẳng hạn hạn chế hoạt động của công ty dịch vụ tài chính JP Morgan tại châu Âu, áp thuế đối với Facebook và Meta, hoặc ngăn các công ty Mỹ tham gia các hợp đồng chính phủ châu Âu. Điều này đặc biệt quan trọng khi Mỹ đang có thặng dư 117 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ với EU, trong khi khối này chịu thâm hụt 236 tỷ USD trong thương mại hàng hóa.
Một quan chức cấp cao của EU từng ám chỉ rằng khối này có thể thực hiện các biện pháp “sáng tạo hơn”, bao gồm việc nhắm vào quyền sở hữu trí tuệ hoặc đầu tư của các công ty Mỹ.
Cuộc tấn công kinh tế tầm xa
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở thành phố Strasbourg, Pháp ngày 1/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Chính sách thuế quan quy mô lớn của Tổng thống Trump, có thể đẩy mức thuế của Mỹ lên cao nhất kể từ thế kỷ 19, đang làm dấy lên những lời kêu gọi EU đáp trả mạnh mẽ, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn nhắm đến các dịch vụ kinh tế của Mỹ.
Ông Shahin Valleé, cựu cố vấn chính phủ Pháp, cùng với Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp David Amiel cho rằng EU cần xây dựng khả năng “phát động các cuộc tấn công kinh tế tầm xa nhằm vào lợi ích kinh tế của Mỹ, vượt ra ngoài những biện pháp thuế quan đơn thuần”.
Một trong những công cụ tiềm năng mà EU có thể lần đầu tiên sử dụng là công cụ chống cưỡng chế – một cơ chế cho phép khối này đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại và đầu tư đối với bất kỳ quốc gia nào dùng thương mại như thứ vũ khí gây sức ép chính trị.
Chuyên gia Bercero nhận định nêuống Trump định hình chính sách thuế quan của mình như một phản ứng đối với các chính sách thuế VAT hoặc quy định công nghệ của EU, đây có thể được xem là một hành động cưỡng chế từ phía Mỹ, về bản chất là gây áp lực buộc EU và các quốc gia thành viên phải điều chỉnh chính sách đối với những vấn đề mà họ có quyền quyết định. Điều này có thể mở đường cho các biện pháp đáp trả mạnh mẽ.
Kết bạn mới và củng cố hợp tác
Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đã thúc đẩy EU đẩy nhanh tiến độ đạt được các thỏa thuận thương mại mới và củng cố quan hệ với các đối tác trên toàn cầu. Kể từ khi ông tái đắc cử, EU đã chấm dứt 25 năm đàm phán với Tổ chức kinh tế khu vực Nam Mỹ (Mercosur), hoàn tất hoặc nâng cấp thỏa thuận với Mexico, Nam Phi và Thụy Sĩ, đồng thời khôi phục các cuộc đàm phán với Malaysia. Khối này cũng đặt mục tiêu ký kết hiệp định thương mại tự do với Ấn Độ vào năm 2025.
Dù các cuộc đàm phán với Ấn Độ và tiến trình phê chuẩn thỏa thuận Mercosur vẫn còn nhiều trở ngại, nhưng gia tăng hoạt động ngoại giao thương mại này phản ánh quyết tâm của EU trong việc củng cố trật tự thương mại quốc tế và giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ.
Cân bằng lợi ích trong EU
Sự đoàn kết trong EU là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của các biện pháp đáp trả. Tuy nhiên, khác biệt về lợi ích giữa các nước thành viên có thể làm suy yếu chiến lược chung.
Pháp lo ngại về tác động đối với ngành rượu vang và rượu mạnh, trong khi Ireland e ngại việc các tập đoàn đa quốc gia Mỹ rời bỏ quốc gia này. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã bày tỏ quan điểm rằng EU không nên hành động vội vàng, trong khi cộng đồng doanh nghiệp Italy đang kêu gọi đối thoại với Nhà Trắng.
Mức độ đoàn kết nội bộ sẽ quyết định liệu EU có thể duy trì một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến thương mại hay không. Các bộ trưởng thương mại EU dự kiến sẽ họp vào đầu tuần tới để thảo luận về chiến lược trả đũa, và quyết định của họ có thể sẽ định hình cục diện thương mại toàn cầu trong những năm tới.
Hải Vân/Báo Tin tức