Người dân làng đào Nhật Tân vặt lá để cây đào ra hoa đúng dịp Tết nguyên đán 2025. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Đang cắt tỉa, tuốt lá, chăm sóc cho những gốc đào thế chuẩn bị đưa lên lên chậu, ông Nguyễn Trung Việt, ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mặc dù cơn bão số 3 đã làm cho gia đình ông thiệt hại nặng nề, nhưng gia đình ông vẫn hy vọng với những gốc đào còn lại được chăm sóc tốt sẽ cho ra hoa đúng thời điểm, giúp gia đình ông bù lại phần nào thiệt hại.
Ông Trung cho biết, để khôi phục sản xuất, gia đình ông đã mua thêm những cây đào nhỏ về trồng thay thế diện tích cây bị chết, giờ gia đình ông đang thuê người đánh những gốc đào thế lên chậu để chăm sóc và tính thời điểm tuốt lá để cây cho hoa nở đều đẹp đúng thời điểm.
Theo ông Trung, năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho các hộ trồng đào nhưng giá đào năm nay cũng không quá đắt so với mọi năm, nên mọi người không phải lo ngại, tuy nhiên hoa năm nay nở cũng sẽ không được ưng ý lắm.
Đồng quan điểm này, ông Phạm Đình Huy, ở phường Phú Thượng (quận Tây Hồ- Hà Nội)- một trong những gia đình có kinh nghiệm lâu năm trồng đào thế cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, vườn đào của gia đình ông bị thiệt hại khoảng 50%.
“Ở Nhật Tân có 3 khu vực trồng đào theo bậc thang, khu vực thấp nhất, khu vực vừa và khu vực cao nhất. Ở đây mỗi nhà được chia 1 suất từ khu vực cao nhất, đến khu vực thấp nhất nên khu vực thấp nhất bị ngập úng thiệt hại nặng nề nhưng vẫn còn có những khu vực cao không bị ngập. Do vậy vẫn còn có đào đẹp, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường đúng dịp Tết, thị trường sẽ không đến mức khan hiếm” - ông Huy chia sẻ.
Nông dân Tứ Liên tập trung chăm sóc quất phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2025. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Tại làng trồng quất Tứ Liên, nghề trồng quất cũng vất vả như trồng đào, tốn nhiều công chăm bón nên người trồng phải tâm huyết mới có được cây quất đẹp. Hiện các vườn đang trong công đoạn cuối cùng để quất có thể chín vàng đúng Tết. Đối với những cây quất bonsai, do trồng trong chậu nên đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn.
Theo ông Vũ Văn Dũng, chủ vườn quất ở phường Tứ Liên quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, thời điểm này đã có người tìm đến để tham quan và lựa chọn những cây quất đẹp để đặt hàng cho Tết. Ông Dũng cho biết, sau trận bão, vườn quất bị thiệt hại nhưng không đáng kể. Những cây bị ảnh hưởng không chơi được năm nay nhưng sẽ phục hồi, chăm sóc để chơi cho năm sau. Những gia đình trồng quất ở vùng thấp thì hầu như hỏng nhiều. Tỷ lệ cứu được khoảng 20%- 30%. Thời điểm này, các hộ trồng quất đang dành thời gian vào việc gò thế, tỉa lá và tạo dáng để cây trở nên đẹp mắt, sẵn sàng cung ứng cho thị trường. Mặc dù chất lượng cây không được như mọi năm nhưng người bán sẽ không dựa vào đó để đẩy giá bởi cái tên đã nói lên thương hiệu của làng- ông Dũng chia sẻ.
Tại thủ phủ trồng các loại hoa hồng, hoa ly, hoa cúc, dạ yến thảo... của huyện Mê Linh (Hà Nội), người dân ở các làng hoa cũng đang tất bật từ sáng đến đêm, tập trung chăm sóc, cắt tỉa cho những cây hoa. Để bảo đảm cung ứng phục vụ người dân, các nhà vườn đều đã bước vào giai đoạn cuối cùng, chỉnh sửa cho hoa nở đẹp đúng Tết.
Bà Nguyễn Thị Nụ, ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh- Hà Nội) cho biết, sau bão số 3, hoa cúc càng được người dân nơi đây trồng nhiều vì đây là giống ngắn ngày và ra hoa đúng hạn. Hoa cúc nhà bà Nụ đã trồng được hơn 30 ngày và hiện đã đến lúc chong đèn để hoa nở đúng dịp Tết. Theo bà Nụ thì thị trường hiện vẫn đang ổn định vì lượng cung cũng không quá nhiều.
Ông Phạm Đức Tài - Chủ vườn hoa Tài Lý, xã Mê Linh chia sẻ: Vườn của gia đình hiện có khoảng 800 chậu hoa hồng thế, hoa hồng ngoại với nhiều kiểu dáng, màu sắc đa dạng. Gia đình sẽ chọn ra những tác phẩm đẹp nhất để đem trưng bày tại Festival hoa Mê Linh năm nay.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thúy, Chủ cơ sở Mê Linh F Farm, xã Đại Thịnh huyện Mê Linh cho biết: "Năm nay, Mê Linh F Farm trồng 80.000 cây lan Hồ Điệp với rất nhiều chủng loại, màu sắc khác nhau và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chơi hoa của khách từ nay đến Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đây là lần thứ 2 Mê Linh F Farm tham dự Festival Hoa Mê Linh, chúng tôi rất hào hứng, mong muốn được đóng góp một phần cho thành công của sự kiện quan trọng này".
Theo các chuyên kinh tế, để thúc đẩy ngành trồng hoa cây cảnh phát triển, trở thành ngành kinh tế nông thôn thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao Hà Nội cần xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào đây. Đồng thời, tận dụng lợi thế có các viện nghiên cứu lớn đóng trên địa bàn liên kết với các nhà khoa học để lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển hoa, cây cảnh.
Về quy hoạch trồng các loại hoa, cây cảnh, ông Nguyễn Xuân Đại - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Hà Nội quy hoạch toàn bộ vùng đất bãi ven sông - nơi có khí hậu và đồng đất phù hợp để phát triển hoa, cây cảnh. Đồng thời, chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các làng nghề hoa, cây cảnh vốn có đưa vào các giống hoa, cây cảnh mới, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với lợi thế về thị trường, công nghệ, Hà Nội hoàn toàn có thể kỳ vọng tới xuất khẩu mặt hàng này.
Nam Giang (TTXVN)