Theo CNN, Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa quân sự đồng thời ngày càng cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan. CHDCND Triều Tiên liên tục đưa ra phát ngôn hiếu chiến và đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân. Vài năm gần đây hai nước đều tăng cường hợp tác với Nga.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn đảm bảo an ninh cho đồng minh châu Á. Nơi đây có nhiều quân Mỹ đồn trú hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Hàng chục nghìn binh sĩ đang đóng tại hàng loạt căn cứ lớn trên lãnh thổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Úc. Các nước này đang chuẩn bị cho sự trở lại của Tổng thống Trump – nhân vật chỉ trích đồng minh hưởng lợi mà không trả đủ tiền, chủ trương “nước Mỹ trên hết” và có mối quan hệ cá nhân khá tốt với hai nhà lãnh đạo Nga, Triều Tiên.
Liệu Tổng thống Trump có đòi hỏi chi tiêu quốc phòng cao hơn mức đồng minh có thể trả hay không? Liệu ông có rút quân đồn trú nếu đòi hỏi chi tiêu không được đáp ứng không? Liệu chính trị gia này có đồng ý ký kết thỏa thuận nào với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un làm tổn hại lợi ích của đồng minh không?
Hay Tổng thống Trump sẽ củng cố các liên minh, biến Mỹ trở thành đối thủ cứng rắn hơn với quốc gia đối địch?
Nhiều người thận trọng lưu ý đến lời đe dọa đánh thuế 10% với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ (riêng hàng Trung Quốc bị đánh thuế 60%) của Tổng thống Trump. Động thái như vậy chắc chắn gây ra tác động kinh tế đáng kể trên khắp châu Á.
Bên cạnh sự lo lắng về kinh tế, các nước trong khu vực còn đối mặt với hàng loạt câu hỏi về cách Tổng thống Trump quản lý mối quan hệ an ninh với đồng minh cũng như với đối thủ.
Cường quốc không thể thiếu?
Sau Thế chiến thứ hai, Mỹ thiết lập mạng lưới liên minh ở khắp nơi để đóng vai trò lực lượng răn đe ngăn một cuộc chiến tranh thế giới khác nổ ra. Một mục tiêu khác nữa là ngăn nhiều quốc gia khác trở thành cường quốc hạt nhân bằng cách đặt họ dưới sự bảo hộ an ninh của Mỹ.
Trong mắt nhiều người ở Mỹ và ở châu Á - Thái Bình Dương, mạng lưới liên minh trở nên quan trọng hơn khi tình hình khu vực ngày càng căng thẳng. Trung Quốc đẩy mạnh phát triển vũ khí trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội đồng thời không ngần ngại đe dọa Đài Loan bằng hành động quân sự nguy hiểm.
Còn Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa và công kích liên minh Hàn - Triều. Thời gian gần đây quốc gia Đông Bắc Á đưa quân sang tham gia cuộc chiến Ukraine, động thái khiến Mỹ lo ngại.
Nhưng giới phân tích nhận định giữa tình hình căng thẳng hơn cách đây 8 năm rất nhiều, Tổng thống Trump dường như chú trọng tăng cường áp lực kinh tế lên Trung Quốc thay vì an ninh khu vực. Theo học giả Sam Roggeveen, Viện Lowy: “Ưu tiên của ông ấy là quan hệ kinh tế và thể hiện Mỹ không thua kém Trung Quốc về mặt kinh tế. Có rất ít dấu hiệu cho thấy Trump quan tâm đến vấn đề quân sự hay giữ cân bằng chiến lược ở Đông Á”.
“Mọi thứ đều theo hướng ngược lại. Ông ấy chắc chắn muốn xây dựng quân đội mạnh đủ sức bảo vệ đất nước, nhưng không phải một nước Mỹ đóng vai trò cường quốc độc nhất không thể thiếu”, ông Roggeveen nói thêm.
Chuẩn bị cho chính quyền Trump 2.0
Vài tuần trước ngày bầu cử 5.11, ông Trump khi trả lời phỏng vấn của trang Bloomberg đã tuyên bố nếu quay lại nắm quyền sẽ buộc Hàn Quốc trả 10 tỉ USD mỗi năm để giữ quân Mỹ ở lại - gấp khoảng 8 lần số tiền mà hai nước thỏa thuận gần đây.
Hàn Quốc đã dành hơn 2% GDP cho quốc phòng, được Mỹ xem đây như chuẩn mực trong các đồng minh. Trong 10 năm qua nước này trả 90% chi phí trại Humphreys (căn cứ quân sự hải ngoại lớn nhất của Mỹ).
Phát ngôn đe dọa từ Tổng thống Trump làm dấy lên lo ngại ông tìm cách đàm phán lại chuyện chia sẻ chi phí, bất chấp đầu năm nay hai nước vừa đạt thỏa thuận kéo dài 5 năm theo đó Hàn Quốc đến năm 2026 tăng chi tiêu 8,3% so với năm 2025. Nếu đàm phán thất bại thì kịch bản xấu nhất là Tổng thống Trump quyết định rút một phần thậm chí toàn bộ quân Mỹ. Kịch bản như vậy sẽ khiến mọi người cảm thấy rằng Mỹ không còn gắn bó với khu vực nữa, cũng như thúc đẩy Hàn Quốc tự phát triển vũ khí hạt nhân. Giới phân tích cảnh báo đây là bước đi mở đường cho việc nhiều cường quốc tầm trung theo đuổi loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Nỗ lực đối phó Tổng thống Trump còn trở nên phức tạp hơn khi Hàn Quốc chìm trong khủng hoảng chính trị. Tổng thống Yoon Suk-yeol hiện bị đình chỉ chức vụ sau phiên bỏ phiếu luận tội ông vì ban bố thiết quân luật đầu tháng. Gần đây, quyền Tổng thống Han Duck-soo cũng bị luận tội. Loạt diễn biến bất ổn xảy ra đúng thời điểm cần đẩy mạnh xây dựng mối quan hệ cá nhân thân thiết với tổng thống Mỹ sắp nhậm chức.
“Thách thức lớn nhất là liệu Hàn - Mỹ có thể giao tiếp đúng cách hay không. Giao tiếp đóng vai trò mấu chốt để tránh hậu quả bất ngờ và tàn khốc xảy đến với liên minh do lời lẽ gay gắt từ Tổng thống Trump đem lại”, học giả Duyeon Kim, Trung tâm An ninh Mỹ mới, nhận định.
Tại Nhật, một số chuyên gia phàn nàn rằng Thủ tướng Shigeru Ishiba không khéo léo như cố Thủ tướng Shinzo Abe trong việc tiếp cận Tổng thống Trump. Tám năm qua, lập trường quốc phòng của Tokyo thay đổi đáng kể. Họ không còn giữ nguyên hiến pháp hòa bình sau Thế chiến thứ hai, đặt lộ trình tăng chi tiêu quốc phòng đạt 2% GDP vào năm 2027 và mua thêm nhiều tên lửa Mỹ.
Tổng thống đương nhiệm Joe Biden suốt 4 năm qua dày công củng cố nhóm QUAD (Mỹ - Nhật - Ấn - Úc), đồng thời thiết lập liên minh AUKUS (Mỹ - Anh - Úc). Ông còn làm trung gian cho Nhật tăng cường hợp tác an ninh với Hàn Quốc, Úc, Philippines.
Chưa rõ Tổng thống Trump sẽ áp dụng cách tiếp cận nào. Do đó các đồng minh ở châu Á đều phải tìm cách phòng ngừa rủi ro. Theo giáo sư Murata Koji (Đại học Doshisha): “Mỹ không còn là hằng số nữa mà trở thành biến số. Đây là lý do chúng ta phải mở rộng phương án an ninh ra khỏi Mỹ. Nhật cần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với châu Âu vì hai bên có nhiều mối quan tâm chung”.
Tiếp tục đối phó Trung Quốc
Bất chấp hàng loạt dấu hiệu đáng ngại, giới phân tích nhận định khả năng hiện diện quân sự Mỹ tại châu Á xảy ra thay đổi lớn không cao, đặc biệt khi Washington vẫn tập trung vào thách thức mà Trung Quốc đem lại.
Học giả Collin Koh (Học viện Quan hệ quốc tế S.Rajaratnam) cho biết: “Thực tế và hoàn cảnh địa chính trị sẽ buộc ông ấy duy trì lực lượng ở khu vực. Kịch bản mà tôi nghĩ đến là đàm phán lại nhưng không rút quân hoàn toàn”.
Các nước châu Á hy vọng ông Trump quyết đoán hơn chứ không như Tổng thống Biden do dự khi quyết định một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến Ukraine.
Bước vào nhiệm kỳ của chính quyền Trump 2.0, không loại trừ khả năng chính sách kinh tế hung hăng với Trung Quốc có thể khiến hoạt động đối thoại giữa hai nước trở nên khó khăn hơn nữa, dẫn đến nguy cơ xung đột gia tăng. Và nếu bị tổn thương bởi thuế quan do Mỹ áp đặt, các đồng minh có thể không còn lựa chọn nào khác ngoài phụ thuộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhiều hơn nữa.
Vấn đề thu hút sự chú ý lớn khác sẽ là cách Tổng thống Trump xử lý điểm nóng Đài Loan. Ông từng tuyên bố Đài Loan nên trả tiền để được Mỹ bảo vệ, đe dọa đánh thuế đến 150 - 200% nếu Trung Quốc dám thực hiện hành động quân sự với Đài Loan.
Vẫn chưa rõ chính quyền Trump 2.0 phản ứng ra sao trước sự kiện như vậy. Ngoại trưởng tương lai Marco Rubio ủng hộ Đài Loan rất mạnh mẽ, Phó tổng thống đắc cử J.D Vance lập luận viện trợ quá nhiều hệ thống phòng không cho Ukraine có thể tổn hại đến khả năng hỗ trợ Đài Loan.
Cẩm Bình