Các loại biển báo và vạch kẻ trên cao tốc qua Hà Tĩnh tài xế cần lưu ý

Các loại biển báo và vạch kẻ trên cao tốc qua Hà Tĩnh tài xế cần lưu ý
11 giờ trướcBài gốc
Chỉ còn ít ngày nữa là tới thời gian dự kiến (ngày 28/4) đưa 2 tuyến chính cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng ở Hà Tĩnh đi vào vận hành, khai thác. Những ngày này, các nhà thầu vẫn đang khẩn trương hoàn thiện các hạng mục trên 2 tuyến cao tốc như sơn kẻ vạch đường, lắp đặt phân cách cứng, gia cố lề đường, hộ lan tôn, hệ thống biển báo giao thông, lưới chống lóa, hàng rào bảo vệ,...
Trong hệ thống báo hiệu an toàn giao thông (ATGT), việc lắp đặt đầy đủ biển báo giao thông là một trong những yếu tố quan trọng. Hầu hết biển báo trên cao tốc là những biển báo cơ bản trong hệ thống báo hiệu giao thông, nhưng với đặc thù đường cao tốc, tài xế cần hiểu rõ ý nghĩa và những tác động của biển, vạch kẻ đường.
Các loại biển báo thường thấy trên cao tốc gồm lối vào/ra, biển thông tin, địa danh, khoảng cách an toàn, nhập làn, đường hẹp, tốc độ tối đa/tối thiểu. Với các tài xế ít chạy cao tốc, việc nắm, hiểu rõ biển báo giao thông góp phần lái xe an toàn, hiệu quả và giảm ùn tắc.
Biển thông báo lối vào, lối ra và lối giao là những biển thông dụng khi tài xế di chuyển trên tuyến cao tốc. Biển báo này ghi rõ thông tin như tên tuyến đường, khoảng cách từ nơi cắm biển đến lối vào/ra và lối giao, vì vậy khá dễ hiểu cho các tài xế, ngay cả những lái mới.
Các tài xế cần lưu ý, khi đã qua biển lối vào cao tốc, sẽ không được quay đầu ngay tại chỗ như các tuyến quốc lộ hay đường địa phương mà phải tiếp tục hành trình tới điểm có lối ra. Vì vậy, tài xế cần xác định rõ đường cao tốc có phải là lộ trình mong muốn hay không, bởi khi đã đi vào cao tốc, cần đi tới lối ra, không được quay đầu, đi lùi, vừa mất ATGT, vừa bị xử lý hành vi vi phạm.
Biển báo tốc độ tối đa, tối thiểu nhằm đảm bảo các xe di chuyển trong cao tốc một cách hiệu quả và an toàn nhất. Biển báo tốc độ tối đa có hình tròn, nền trắng, viền đỏ, số ở giữa. Ví dụ trong biển trên, tốc độ tối đa 90 km/h, tối thiểu 60 km/h. Khi không có tốc độ quy định cụ thể cho từng làn, đồng nghĩa với việc mỗi làn có tốc độ quy định như nhau.
Dọc tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh sẽ có các biển chỉ dẫn, trong đó chỉ dẫn địa điểm và phương hướng; địa điểm và khoảng cách và chỉ dẫn lối ra một chiều. Biển chỉ dẫn giúp tài xế định hướng, di chuyển đúng lộ trình.
Để hỗ trợ tài xế ước lượng được khoảng cách an toàn giữa các phương tiện, dọc tuyến cao tốc sẽ có biển báo khoảng cách an toàn, đánh số 0 – 50 – 100 - 150 – 200m. Kèm theo đó, dưới nền đường thường có vạch kẻ dạng ngựa vằn. Tài xế có thể ước lượng khoảng cách với xe phía trước bằng cách tiến đến vị trí 0m, sau đó quan sát xe phía trước và đối chiếu với các mốc độ dài.
Biển báo nhập làn thường thấy ở các tuyến đường nhánh của nút giao vào cao tốc. Khi gặp biển báo này, tài xế cần tập trung quan sát, chạy đúng tốc độ và nhập làn ở vị trí cho phép, đảm bảo đủ điều kiện an toàn.
Tại giai đoạn phân kỳ đầu tư, cao tốc qua Hà Tĩnh có 4 làn xe (2 làn mỗi chiều di chuyển), không bố trí làn dừng khẩn cấp, thay vào đó, sẽ có các dải dừng xe khẩn cấp với khoảng cách 4-5 km/điểm. Dải dừng xe khẩn cấp chỉ được sử dụng khi xe gặp sự cố, tài xế mất khả năng lái, xử lý tai nạn, phương tiện ưu tiên làm nhiệm vụ hoặc các trường hợp khẩn cấp theo quy định. Cấm các hành vi dừng, đỗ xe sai quy định, không có lý do chính đáng, lùi hoặc quay đầu xe, sử dụng làn dừng khẩn cấp cho mục đích cá nhân.
Cùng với biển báo tốc độ tối đa/tối thiểu, tại một số đoạn tuyến trên cao tốc, thường ở các nút giao ra/vào cao tốc, sẽ có biển giới hạn tốc độ tối đa 70 km/h, 50 km/h. Việc giới hạn tốc độ tối đa khi ra/vào cao tốc góp phần đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Tại một số vị trí trên cao tốc, nhất là đoạn tuyến có đường điện đi qua hay khu vực cầu vượt kết nối giao thông dân sinh khu vực hai bên cao tốc, có biển báo “chiều cao tĩnh không thực tế” giúp tài xế nắm rõ được chiều cao an toàn tính từ khoảng cách từ điểm cao nhất của mặt đường đến điểm thấp nhất của chướng ngại vật.
Biển đường bị hẹp (một bên hoặc cả 2 bên) được thể hiện bằng hình tam giác, viền đỏ, nền vàng có ký hiệu tương tự hình cổ chai (hẹp 2 bên) hoặc phần hẹp nghiêng về bên phải/trái (hẹp bên phải/trái). Biển đường hẹp trên cao tốc thường xuất hiện khi quãng đường phía trước bị thu hẹp làn đường, thường xuất hiện ở những nút giao. Khi gặp biển này, tài xế cần giảm tốc độ, chú ý quan sát để dần nhập vào cùng một làn với những xe khác.
Trên tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh, có một số đoạn tuyến đi qua khu vực đồi núi. Tại khu vực này, có biển báo nguy cơ sạt lở đất đá để cảnh báo với tài xế
Cùng với hệ thống biển báo, trên tuyến cao tốc có các vạch kẻ đường thông dụng như vạch chia làn đường, vạch mũi tên, vạch xương cá kênh hóa dòng phương tiện. Đối với vạch kẻ liền, tài xế không được phép lấn qua vạch này. Với nét đứt, được phép lấn khi cần thiết, đảm bảo an toàn. Vạch mũi tên hiển thị hướng di duyển tương ứng trên mỗi làn xe, và báo hiệu nhập làn.
Video: Cận cảnh 2 tuyến cao tốc qua Hà Tĩnh chuẩn bị đưa vào khai thác.
Văn Đức
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/cac-loai-bien-bao-va-vach-ke-tren-cao-toc-qua-ha-tinh-tai-xe-can-luu-y-post286737.html