Các loại rau làm gỏi ngon nhưng chứa đầy giun sán

Các loại rau làm gỏi ngon nhưng chứa đầy giun sán
4 giờ trướcBài gốc
Rau sống luôn là nguyên liệu quan trọng trong các món gỏi nhờ hương vị tươi ngon, hấp dẫn. Ảnh: Duck Deli.
Rau sống là thành phần quan trọng trong nhiều món ăn, đặc biệt là các món gỏi, mang lại hương vị tươi ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rau sống không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Theo Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, các loại rau như xà lách xoong, cải xanh, rau cải cúc và rau má có tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng lên đến 100%. Các loại rau khác như xà lách, rau muống và rau gia vị cũng bị nhiễm ký sinh trùng với tỷ lệ 92,3%. Việc rửa rau bằng nước sạch theo cách thông thường chỉ giảm một phần ký sinh trùng; sau lần rửa thứ ba, tỷ lệ nhiễm vẫn còn 51,9%.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo rằng thực phẩm không an toàn, bao gồm rau quả bị nhiễm phân, có thể chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học có hại, gây ra hơn 200 bệnh từ tiêu chảy đến ung thư.
Dưới đây là danh sách những loại rau thường được sử dụng để làm gỏi, mang lại hương vị tươi ngon nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm ký sinh trùng và giun sán nếu không được sơ chế kỹ.
Rau diếp cá
Rau diếp cá có vị chua thanh, mát, diếp cá thường xuất hiện trong các món gỏi tai heo, gỏi tôm thịt. Loại rau này thường mọc ở môi trường ẩm ướt, dễ nhiễm ký sinh trùng, trứng giun từ đất hoặc nước không sạch. Việc ăn sống mà không ngâm rửa kỹ có thể dẫn đến nhiễm sán, gây đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa.
Món gỏi rau càng cua rất ngon, có vị chua nhẹ, giòn mát, thường kết hợp với tôm, thịt bò hoặc trứng luộc, tạo nên hương vị thanh mát và hấp dẫn. Ảnh: Ngọc Thạch.
Rau càng cua
Rau càng cua giòn, vị chua nhẹ, thường được dùng trong gỏi tôm thịt hoặc gỏi bò. Rau càng cua mọc hoang ở nơi ẩm ướt, dễ nhiễm ký sinh trùng hoặc vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Nguy cơ tăng cao nếu không được sơ chế cẩn thận.
Rau răm
Rau rắm có vị cay nhẹ, thơm nồng, tạo điểm nhấn cho các món gỏi vịt, gỏi xoài. Loại rau này thường được trồng gần mặt đất, rau răm dễ dính bùn đất và trứng giun. Nếu không rửa sạch, trứng sán có thể bám lại trên lá và xâm nhập cơ thể qua đường tiêu hóa.
Cải xoong
Cải xoong có độ giòn và vị cay nhẹ, rất hợp cho các món gỏi hải sản, gỏi thịt bò. Là loại rau thủy sinh, cải xoong dễ nhiễm trứng sán lá gan nếu nguồn nước bị ô nhiễm. Ăn cải xoong chưa rửa kỹ hoặc không ngâm nước muối sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Rau muống
Rau muống thái sợi, giòn ngon, thường dùng trong gỏi ốc, gỏi bò, gỏi ngó sen. Môi trường trồng ngập nước là điều kiện lý tưởng để giun sán phát triển và bám vào rau. Trứng giun sán có thể tồn tại trên rau nếu không được rửa sạch và chế biến đúng cách.
Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm ký sinh trùng khi sử dụng rau sống trong các món gỏi, WHO khuyến cáo cần tuân thủ các biện pháp sau:
Rửa sạch đúng cách: Rửa rau nhiều lần dưới vòi nước chảy để loại bỏ đất cát và tạp chất. Việc rửa kỹ giúp giảm đáng kể lượng ký sinh trùng bám trên bề mặt rau.
Ngâm dung dịch khử trùng: Ngâm rau trong dung dịch nước muối loãng hoặc các dung dịch khử trùng chuyên dụng trong khoảng 10-15 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Phương pháp này giúp tiêu diệt hoặc loại bỏ phần lớn ký sinh trùng còn sót lại.
Lựa chọn nguồn cung cấp uy tín: Mua rau từ các nhà cung cấp đáng tin cậy, có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, để đảm bảo rau được trồng và xử lý trong môi trường sạch sẽ.
Hạn chế ăn rau sống: Khi không chắc chắn về nguồn gốc và cách xử lý rau, nên hạn chế ăn sống. Thay vào đó, có thể chần qua nước sôi hoặc nấu chín để giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng.
Huệ Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/cac-loai-rau-lam-goi-ngon-nhung-chua-day-giun-san-post1526611.html