Các lực lượng tuyến đầu căng mình ứng phó với cơn bão số 3

Các lực lượng tuyến đầu căng mình ứng phó với cơn bão số 3
9 giờ trướcBài gốc
Các lực lượng chức năng tuyên truyền cho người dân neo đậu tàu thuyền an toàn. Ảnh: ST
Tất cả các bến bãi, tàu thuyền tạm ngừng hoạt động để tránh bãp Wipha
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 9 giờ bão số 3 đã nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình và có khả năng tâm bão sẽ đi vào khu vực đất liền Hưng Yên - Ninh Bình và cường độ bão khi đi vào vẫn mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11 - 12.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, tỉnh Hưng Yên đã ban hành lệnh cấm biển từ 18h ngày 20/7, yêu cầu toàn bộ tàu thuyền dừng hoạt động và vào nơi trú ẩn an toàn. Nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi, dừng các hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và các hoạt động khác ở khu vực cửa sông, ven biển, ngoài khơi sau thời điểm cấm biển.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Thận cho biết, đối với người dân phải sơ tán, chính quyền tỉnh có phương án hỗ trợ chỗ ở tạm, lương thực, nhu yếu phẩm. Tỉnh quyết định dừng tất cả các cuộc họp không cần thiết để chống bão, đặc biệt đã chỉ đạo các xã phường tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ từ nay cho đến hết ngày 24/7.
Để ứng phó với bão số 3 (Wipha), nhiều địa phương ven biển như Nghệ An, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa... cấm biển, tạm dừng các hoạt động du lịch để đảm bảo an toàn. Quảng Ninh yêu cầu tàu khách và tàu du lịch khẩn trương về bến trước 18h ngày 20/7, tạm dừng cấp phép rời cảng. Tại Cô Tô và Ngọc Vừng, lực lượng biên phòng bắn pháo hiệu cảnh báo bão, tiếp tục thực hiện những ngày tới. Sở Du lịch được giao cập nhật lượng khách lưu trú, đặc biệt tại biển, đảo, phối hợp lữ hành thông tin kịp thời, đảm bảo an toàn cho du khách ở lại trong bão.
Lực lượng chức năng túc trực 24/24h để sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ người dân
Thanh Hóa cũng thực hiện cấm biển từ 8h sáng ngày 21/7, thời gian cấm kéo dài đến khi bão không còn ảnh hưởng đến khu vực.
Tại Ninh Bình, UBND tỉnh chỉ đạo tạm dừng hoạt động các tuyến đò ngang, đò dọc từ 17h ngày 21/7. Các địa phương ven biển được yêu cầu phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi từ 7h, đồng thời thông báo cho các phương tiện đang hoạt động ngoài khơi vào nơi trú ẩn trước 12h trưa cùng ngày.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết trong mùa mưa bão, tỉnh Quảng Ninh cũng công bố danh sách 76 điểm neo đậu và vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn toàn tỉnh.
Các lực lượng thường trực sẵn sàng ứng phó
Chiều 21/7, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống bão tại tỉnh Hưng Yên.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 3 tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Báo Hưng Yên
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời, tổ chức cập nhật đầy đủ, thông tin kịp thời về tình hình thiên tai và các biện pháp, kỹ năng ứng phó đến người dân để nhân dân chủ động phương án bảo đảm an toàn. Các lực lượng chủ động phối hợp, xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do bão gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu tỉnh Hưng Yên cần tiếp tục rà soát ngay khu vực trọng điểm có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nhất là khu vực xung yếu, những công trình có nguy cơ cao để chuẩn bị kịch bản ứng phó kịp thời.
Trước đó, chiều 21/7, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng cùng đoàn công tác đã về kiểm tra công tác ứng phó với bão số 3 tại khu vực ven biển tỉnh Ninh Bình. Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết bão số 3 là cơn bão mạnh, vùng ảnh hưởng rộng các xã ven biển phải chủ động, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị, đảm bảo đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, thuốc men dự phòng; xây dựng kịch bản ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Trao đổi với Báo Kiểm toán, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết đã có văn bản đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê điều.
Đặc biệt, các lực lượng thường trực ứng phó với thiên tai có trách nhiệm phải ứng trực 24/24h tại các điểm dễ xảy ra ngập và kịp thời có cảnh báo đến người dân để phòng, chống, di dời khẩn cấp khi cần thiết.
"Ngay cả trong điều kiện bão đi qua, các hoàn lưu của bão cũng có thể gây nguy hiểm, khi xuất hiện lũ và nước sông dâng cao. Vì vậy, các địa phương cần phải tập trung cao độ, tránh chủ quan, lơ là" - lãnh đạo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết.
Cùng với bộ phận thường trực phòng, chống lụt bão của ngành nông nghiệp, lực lượng công an - tuyến đầu trong phòng, chống thiên tai cũng tích cực, khẩn trương tham gia vào công tác này với mục tiêu đảm bảo tối đa an toàn cho người và tài sản khi bão đổ về.
Lực lượng Cảnh sát giao thông cùng lực lượng chức năng căng mình ứng phó cơn bão số 3
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão Wipha, Phòng Cảnh sát giao thông đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và tham mưu triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống bão với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng người dân, nhất là đối với trẻ em và các đối tượng yếu thế, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.
Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng”,“5 chủ động” các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ và an toàn về các lực lượng, trụ sở, tài liệu, trang thiết bị làm việc, phương tiện nghiệp vụ. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chi viện khi có yêu cầu, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành trong ứng phó với bão, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, không để bịu động bất ngờ; nắm tình hình thiên tai, bão, lũ, có biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa các đối tượng lợi dụng sơ hở đột nhập vào các cơ quan, doanh nghiệp, nhà dân trộm cắp tài sản.
Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên hỗ trợ người dân phòng, chống bão.
Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Hưng Yên bố trí lực lượng thường trực, ứng trực 100% quân số cùng phương tiện, thời gian trực bắt đầu từ 18h00’ ngày 20/7/2025 (Chủ nhật) đến khi có chỉ đạo tiếp theo để: Triển khai ngay các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống bão lũ tại cơ sở để sẵn sàng triển khai, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, không chủ quan, mất cảnh giác, không để bị động, bất ngờ; Phối hợp kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, tránh trú để bảo đảm an toàn cháy, nổ, an ninh, trật tự xã hộ; Bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không an toàn, không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan; Kịp thời tổ chức cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 và mưa lớn trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày 21/7/2025, Ban Chỉ huy Ứng phó thiên tai Công an Thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện hỏa tốc số 5061, yêu cầu Công an các đơn vị tiếp tục tăng cường ứng phó bão số 3 và nguy cơ mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất.
Chủ động lực lượng thường trực, ứng trực, dự bị sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão trong mọi tình huống; không tổ chức các cuộc họp không thực sự cần thiết. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó với thiên tai; đề nghị tổ chức, cá nhân trên địa bàn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai tại chỗ và phối hợp với cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.
Phối hợp cơ quan đơn vị có liên quan rà soát các khu dân cư, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi các nhà yếu không đảm bảo an toàn; khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu… kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực có nguy cơ mất an toàn trước, trong khi bão đổ bộ (cần thiết phải cưỡng chế di dời người để đảm bảo an toàn).
N.LỘC
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/cac-luc-luong-tuyen-dau-cang-minh-ung-pho-voi-con-bao-so-3-41805.html