Ngày 19-4, UBND TP Hải Phòng và UBND tỉnh Hải Dương bắt đầu triển khai lấy ý kiến cử tri sau khi phối hợp xây dựng, hoàn thiện Đề án hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Theo đề án này, dự kiến thành lập TP Hải Phòng trực thuộc Trung ương trên cơ sở hợp nhất tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng.
Sau hợp nhất, TP Hải Phòng mới có diện tích 3.194 km2, quy mô dân số 4.664.124 người, đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định.
Lựa chọn tên Hải Phòng sau hợp nhất
Đề án cũng đã đưa ra những lý do về lựa chọn tên Hải Phòng sau hợp nhất.
Theo đó, Hải Phòng có nhiều yếu tố lịch sử - văn hóa quan trọng để trở thành tên gọi chung, như: Có lịch sử hình thành và phát triển gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước, là cửa ngõ quân cảng từ thời phong kiến, có vai trò chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Một góc đô thị Hải Phòng. Ảnh: NS
Đây cũng là đô thị lớn từ thời Pháp thuộc được quy hoạch theo mô hình thành phố cảng hiện đại; là biểu tượng của ý chí kiên cường, gắn liền với những dấu ấn lớn của dân tộc (Bạch Đằng Giang, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không…).
Do vậy, việc giữ tên Hải Phòng cho tỉnh mới sẽ giúp duy trì bản sắc lịch sử - văn hóa, tạo ra sự tự hào và gắn kết tinh thần cho người dân trong tỉnh.
Cùng với đó, Hải Phòng là địa danh có tính thương hiệu cao, nổi tiếng cả trong nước và quốc tế với các Danh xưng “Thành phố Cảng”, Thành phố hoa Phượng đỏ”, “Thành phố du lịch biển”,…
Trong đó, TP Hải Phòng là 1 trong 6 thành phố trực thuộc trung ương, nằm ở vị trí chiến lược có thể kết nối trực tiếp với các thị trường quốc tế thông qua đường biển và hàng không; với hệ thống cảng biển lớn nhất miền Bắc (đặc biệt là cảng nước sâu Lạch Huyện), đồng bộ, hiện đại, nổi bật trong giao thương quốc tế, hậu cần (logistics), thương mại, là huyết mạch xuất nhập khẩu của miền Bắc.
Đồng thời, là trung tâm công nghiệp, logistics, hàng không, du lịch biển giúp Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng trọng điểm, không chỉ của Bắc Bộ mà còn của cả quốc gia.
Với quy mô kinh tế vượt trội TP Hải Phòng có GRDP khoảng 430.000 tỉ đồng (2024). Do vậy, nếu đặt tên TP mới với tên gọi khác sẽ không phản ánh đúng bản chất kinh tế của khu vực sau sáp nhập. Khi một thực thể có Hải Phòng là hạt nhân phát triển, thì giữ tên Hải Phòng là sự lựa chọn tối ưu.
Khu vực quảng trường nhà hát TP Hải Phòng. Ảnh: NS
Lý do đặt trung tâm hành chính – chính trị tại Thủy Nguyên
Đề án cũng đã đưa ra lý do đặt trung tâm hành chính – chính trị tại Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Theo đó, TP Thủy Nguyên nằm ở vị trí trung gian giữa TP Hải Phòng và tỉnh Hải Dương, Phía Đông giáp với đô thị trung tâm Hải Phòng, tận dụng tối đa hạ tầng hiện đại và các khu công nghiệp lớn; phía Tây kết nối trực tiếp với Hải Dương, giúp duy trì sự liên kết giữa hai khu vực trung tâm cũ; phía Bắc giáp Quảng Ninh, có tiềm năng mở rộng và liên kết vùng với một trong những trung tâm kinh tế mạnh nhất miền Bắc; Phía Nam nằm gần khu vực lõi đô thị Hải Phòng, vừa duy trì kết nối với cảng biển, vừa tránh áp lực đô thị quá tải.
Trung tâm hành chính - chính trị tại Thủy Nguyên đang dần hoàn thiện. Ảnh: HP
Đây là cũng là địa điểm có hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối toàn bộ TP mới. Trong đó, TP Thủy Nguyên đã có sẵn hệ thống giao thông phát triển mạnh, với: Cầu Hoàng Văn Thụ và cầu Bính kết nối trực tiếp với trung tâm Hải Phòng, đảm bảo sự liên thông hành chính và phát triển kinh tế.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hải Dương giúp Thủy Nguyên dễ dàng tiếp cận thủ đô Hà Nội và các khu vực kinh tế trọng điểm của miền Bắc; Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái giúp mở ra cơ hội phát triển kinh tế và liên kết với khu vực biên giới.
Quốc lộ 10 và Quốc lộ 5 đóng vai trò trục giao thông quan trọng, giúp trung tâm hành chính tỉnh mới dễ dàng điều phối quản lý trên toàn địa bàn. Không chỉ có lợi thế về đường bộ, Thủy Nguyên còn nằm gần sân bay quốc tế Cát Bi và hệ thống cảng biển Hải Phòng, giúp nâng cao khả năng kết nối với các địa phương trong và ngoài nước.
Ngoài ra, Thủy Nguyên có hệ thống hạ tầng đô thị hiện đại, đã có sẵn các khu đô thị mới và trung tâm hành chính mới, đảm bảo hiệu quả công tác, chất lượng sống cao cho cán bộ, công chức và người dân; quỹ đất rộng, có khả năng mở rộng không gian đô thị mới mà không gây áp lực lên không gian đô thị hiện hữu; mô hình đô thị thông minh, giúp tạo ra một trung tâm hành chính theo hướng hiện đại, khoa học và hiệu quả.
Nơi này cũng gần các khu công nghiệp lớn, dễ dàng tiếp cận các khu vực phát triển kinh tế trọng điểm. So với các khu vực khác trong tỉnh mới, Thủy Nguyên có lợi thế lớn về hạ tầng và khả năng quy hoạch, đảm bảo một trung tâm hành chính có tính đồng bộ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển trong ít nhất 50 năm tới…
NGỌC SƠN