Ảnh minh họa.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) ngày 6/2 đã thông tin những quy định liên quan đến mức vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm.
Theo Cục An toàn thực phẩm, thức ăn đường phố với các tiện ích nhanh, gọn, rẻ chính là lựa chọn của nhiều người lao động, học sinh, sinh viên hoặc những người có thu nhập thấp, trung bình...Tuy nhiên, đằng sau dịch vụ ăn uống này lại tồn tại nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay được bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng (bến xe, bến tàu, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội) hoặc những nơi tương tự.
Thức ăn đường phố nếu mất an toàn thực phẩm từ khâu chế biến đến khâu bảo quản sẽ gây ra mối hiểm họa tiềm ẩn đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm cấp và mãn tính.
Vì vậy, người kinh doanh thức ăn đường phố cần hiểu biết về pháp luật, áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm để tránh vi phạm và bị xử phạt.
Quy định về mức phạt vi phạm trong kinh doanh thức ăn đường phố và dịch vụ ăn uống vi phạm an toàn thực phẩm tại Việt Nam được nêu trong Nghị định số 115/2018/NĐ-CP (ban hành ngày 4/9/2018) và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP.
Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc loại hình cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng tin kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể; bếp ăn, nhà hàng ăn uống, nhà hàng ăn uống của khách sạn, khu nghỉ dưỡng; cửa hàng ăn uống, cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín và các loại hình khác thực hiện việc chế biến, cung cấp thực phẩm:
Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không bảo đảm vệ sinh; Không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến.
Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh; gây ô nhiễm đối với thực phẩm.
Cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến bị ứ đọng; không được che kín; Không có nhà vệ sinh, nơi rửa tay; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy.
Phạt tiền từ 5 – 7 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Sử dụng nước không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật hoặc không bảo đảm vệ sinh theo quy định của pháp luật tương ứng để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống.
Chủ cơ sở không đáp ứng kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định của pháp luật.
Mức phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được tham gia trực tiếp kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đối với vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn; Thức ăn không được che đậy ngăn chặn bụi bẩn; có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; Không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay.
Phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với một trong các hành như: Sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật; Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố.
Sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, san chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn; Sử dụng nước không bảo đảm vệ sinh để chế biến thức ăn; để vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến, ăn uống; Vi phạm các quy định khác về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh thức ăn đường phố. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm.
Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nhật Dương