Nhiều cảnh báo về nguy cơ siết chặt tài chính kéo dài với các nền kinh tế mới nổi đã được đưa ra tại cuộc họp mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Hoàng Nam ( sản xuất bằng AI)
Phát biểu tại Washington trong khuôn khổ cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, ông Lesetja Kganyago, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Nam Phi cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 31% đối với hàng hóa từ Nam Phi là một ví dụ điển hình cho những chính sách làm suy yếu niềm tin thị trường, khiến các điều kiện tài chính toàn cầu trở nên căng thẳng hơn, đặc biệt với các nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn quốc tế.
Ông khẳng định, thuế quan là trở ngại đối với tăng trưởng và không mang lại lợi ích lâu dài cho bất kỳ bên nào. Trong bối cảnh đó, chi phí vay mượn gia tăng sẽ tác động đến dòng vốn, tỷ giá và sức chịu đựng của các quốc gia đang cần huy động vốn từ bên ngoài.
Đáng chú ý, ông Kganyago cũng cảnh báo về sự xáo trộn chưa từng có trong thị trường tài sản không rủi ro – cụ thể là trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD. Việc đồng tiền này sụt giá trong khi các tài sản an toàn bị bán tháo khiến giới tài chính đặt dấu hỏi về khả năng xảy ra một sự thay đổi mang tính cấu trúc trong hành vi nhà đầu tư toàn cầu.
Theo ông, đây là hiện tượng đi ngược lại quy luật truyền thống, khi mà bất ổn thường kéo dòng tiền đổ vào các kênh trú ẩn.
Tuy nhiên, ông thừa nhận còn quá sớm để kết luận điều gì rõ ràng, vì thị trường vẫn đang phản ứng với các yếu tố bất định liên quan đến chính sách và địa chính trị.
Hoàng Nam