Các nghị sĩ Mỹ nỗ lực sửa luật ủng hộ Ukraine để ông Trump không thể hủy bỏ

Các nghị sĩ Mỹ nỗ lực sửa luật ủng hộ Ukraine để ông Trump không thể hủy bỏ
3 giờ trướcBài gốc
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN
Các nghị sĩ Mỹ ủng hộ Ukraine từ cả hai đảng trong Quốc hội đang gấp rút thúc đẩy thông qua các điều khoản quan trọng nhằm bảo vệ sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Kiev trước tháng 1/2025. Nỗ lực này nhằm đối phó với nguy cơ viện trợ bị gián đoạn do chuyển giao quyền lực sang chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đảng Cộng hòa kiểm soát toàn diện Quốc hội.
Nếu được thông qua, Đạo luật Đứng về phía Ukraine (Stand With Ukraine Act) sẽ buộc tổng thống phải đề xuất duy trì hỗ trợ quân sự và kinh tế liên tục cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Dự luật này được xây dựng để vượt qua những bất đồng chính trị ngày càng gia tăng về việc thông qua các gói viện trợ bổ sung cho Ukraine.
Nỗ lực của lưỡng viện
Dự luật được bảo trợ bởi các nghị sĩ tại Hạ viện gồm Brian Fitzpatrick (Cộng hòa, bang Pennsylvania), Joe Wilson (Cộng hòa, bang South Carolina), Marcy Kaptur (Dân chủ, bang Ohio), và Mike Quigley (Dân chủ, bang Illinois). Tại Thượng viện, các nhà bảo trợ gồm Richard Blumenthal (Dân chủ, bang Connecticut) và Lindsey Graham (Cộng hòa, bang South Carolina).
Hiện một số nghị sĩ đang tìm cách đưa các điều khoản của dự luật vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) – một dự luật "phải được thông qua" vào cuối năm nay để cấp ngân sách cho Lầu Năm Góc và các hoạt động liên quan đến quốc phòng.
Dù vậy, chưa rõ các nghị sĩ sẽ chọn đưa toàn bộ nội dung dự luật vào một sửa đổi duy nhất hay chia thành nhiều sửa đổi riêng lẻ. Một số ý kiến khác đề nghị đưa dự luật ra bỏ phiếu độc lập. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham cho biết: “Chỉ cần lãnh đạo Thượng viện Chuck Schumer đưa ra và chúng ta hãy bỏ phiếu”.
Chạy đua với thời gian
Dự luật cần được thông qua trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Ông Trump, người chỉ trích mạnh mẽ mức độ viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, cam kết sẽ chấm dứt cuộc chiến này. Ông tuyên bố sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tham gia đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa dành cho Ukraine tại Hạ viện đang giảm sút. Khoảng một nửa nghị sĩ Cộng hòa tại Hạ viện từng bỏ phiếu chống lại gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine vào tháng 4/2024. Điều này khiến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson ủng hộ đưa dự luật độc lập ra bỏ phiếu là rất thấp.
Quan điểm chia rẽ
Một số nghị sĩ như Joe Wilson cho rằng nên đợi đến khi ông Trump nhậm chức và Quốc hội mới hoạt động để xem xét dự luật. “Không phải dự luật không tốt, nhưng khi có một Quốc hội mới, một tổng thống mới, mọi thứ thường bị trì hoãn,” ông nói.
Trong khi đó, thượng nghị sỹ Richard Blumenthal nhấn mạnh rằng việc thông qua dự luật sẽ củng cố vị thế của Ukraine trong các cuộc đàm phán hòa bình, nếu có. Ông nhấn mạnh Ukraine cần vào bàn đàm phán với một vị thế mạnh mẽ, nhờ những thành quả trên chiến trường và sự ủng hộ từ Quốc hội Mỹ.
Nội dung chính của dự luật
Dự luật không cung cấp thêm ngân sách, nhưng yêu cầu tổng thống phải trình bày kế hoạch ngân sách để thực hiện các điều khoản, bao gồm: Ưu tiên chuyển giao hệ thống phòng không, pháo, tên lửa tầm xa và xe bọc thép cho Ukraine. Hiện đại hóa năng lực quốc phòng của Ukraine và tăng cường hợp tác quân sự song phương. Cấp quyền ưu tiên cho Ukraine nhận thiết bị quân sự dư thừa từ Mỹ. Tái khởi động chương trình cho mượn-cho thuê, cho phép chuyển giao vũ khí với phương án thanh toán sau.
Ngoài ra, dự luật còn cam kết hỗ trợ Ukraine trong tái thiết, coi Ukraine như một đồng minh lớn ngoài Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và đảm bảo các cam kết dài hạn trong thỏa thuận an ninh song phương đã ký giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Zelensky hồi tháng 6/2024.
Thách thức lớn phía trước
Sự ủng hộ của Thượng viện dành cho Ukraine vẫn mạnh mẽ, nhưng khó có thể duy trì trong Quốc hội mới. Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cảnh báo rằng bất kỳ sự chia rẽ nào giữa Mỹ và châu Âu đều sẽ gây nguy hiểm cho cuộc chiến của Ukraine.
Ông Zelensky phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 20/11: “Đây là thời điểm cần sự đoàn kết giữa Ukraine, Mỹ và châu Âu. Nếu chúng ta để mất sự đoàn kết này, đó sẽ là một nguy cơ rất lớn cho không chỉ Ukraine mà còn cả Mỹ và châu Âu”.
Nguyễn Việt/Báo Tin tức (Theo The Hill)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/cac-nghi-si-my-no-luc-sua-luat-ung-ho-ukraine-de-ong-trump-khong-the-huy-bo-20241124143940721.htm