Người dân Palestine nhận thực phẩm cứu trợ tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Văn phòng Điều phối các Vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) xác nhận 90 xe tải chở vật tư dinh dưỡng, bột mì, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác đã rời cửa khẩu biên giới Kerem Shalom vào ngày 21/5 để tới nhiều điểm đến bên trong Gaza.
Trong số các nguồn cung cấp có hơn 500 kiện nhỏ chứa các mặt hàng như thực phẩm điều trị dùng ngay và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng đã được dỡ xuống tại một nhà kho ở Deir Al-Balah thuộc Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Số hàng viện trợ trên tiếp tục được tách và đóng gói lại thành các lô nhỏ hơn để vận chuyển đến các điểm phân phát.
Với sự hỗ trợ của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP), một số ít tiệm bánh ở phía Nam và trung tâm Gaza, hiện cũng đã hoạt động trở lại và đang nướng bánh mì để phân phát qua các bếp ăn cộng đồng.
Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric, cho biết sau gần 80 ngày phong tỏa hoàn toàn viện trợ nhân đạo, các gia đình vẫn phải đối mặt với nguy cơ nạn đói cao và cần nhiều nguồn viện trợ khẩn cấp hơn nữa vào Dải Gaza.
Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây cảnh báo rằng toàn bộ dân số Gaza (khoảng 2,1 triệu người) đang đứng trước nguy cơ lâm vào nạn đói, trong đó gần 500.000 người đang trong tình trạng đói cùng cực.
Các nhà hoạt động nhân đạo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với Israel là phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của các đoàn xe viện trợ, bao gồm cả từ phía Nam Gaza ra phía Bắc, để tất cả các nguồn cung có thể đến được với những người cần giúp đỡ dù họ ở bất kỳ đâu.
Trong khi đó, các chiến dịch quân sự vẫn tiếp diễn trên khắp Gaza, với các báo cáo về không kích, pháo kích và các cuộc xâm nhập trên bộ mới.
WHO cảnh báo rằng các chiến dịch quân sự tăng cường của Israel tiếp tục đe dọa hệ thống y tế vốn đã suy yếu của Gaza. 4 bệnh viện lớn đã phải tạm ngừng các dịch vụ y tế trong tuần qua do ở gần các khu vực giao tranh, khu vực sơ tán hoặc bị tấn công. Chỉ còn 19 trong số 36 bệnh viện còn hoạt động. 12 bệnh viện cung cấp nhiều loại dịch vụ y tế khác nhau, trong khi số còn lại chỉ có thể cung cấp dịch vụ chăm sóc cấp cứu cơ bản. WHO đã ghi nhận 28 cuộc tấn công vào cơ sở y tế ở Gaza riêng trong tuần qua và 697 cuộc tấn công kể từ tháng 10/2023.
* Cùng ngày, phát biểu tại hội nghị thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cuộc xung đột hiện nay giữa Hamas và Israel đang gây tổn hại cho Israel và sẽ không mang lại giải pháp lâu dài.
Tổng Giám đốc WHO chia sẻ do đã từng chứng kiến chiến sự ở Ethiopia khi còn nhỏ, nên ông có thể hình dung và hiểu được sự khổ đau của người dân tại Dải Gaza lúc này. Ông nhấn mạnh: “Thật sự sai lầm khi vũ khí hóa thực phẩm. Thật sai lầm khi vũ khí hóa vật tư y tế!"
Người đứng đầu WHO cho rằng chỉ có giải pháp chính trị mới có thể mang lại hòa bình có ý nghĩa.
Lê Hoàng - Minh Tâm (TTXVN)