Các nhà bán lẻ mắc kẹt giữa áp lực thuế quan và phản ứng của Tổng thống Mỹ

Các nhà bán lẻ mắc kẹt giữa áp lực thuế quan và phản ứng của Tổng thống Mỹ
5 giờ trướcBài gốc
Cảnh vắng vẻ tại cửa hàng của hãng Macy ở TP New York, Mỹ. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Walmart, Target và Home Depot là những ví dụ điển hình cho thấy các doanh nghiệp đang chật vật tìm cách điều chỉnh giá cả trước áp lực thuế quan từ chính quyền Tổng thống Trump.
Cả ba ông lớn này đều chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Khoảng 40% hàng hóa của Walmart được nhập khẩu, trong khi con số này ở Target và Home Depot là gần 50%. Các chuỗi bán lẻ này có thể phải thay đổi nhà cung cấp, chấp nhận chi phí cao hơn, tăng giá hoặc cắt giảm sản phẩm để đối phó. Tuy nhiên, dù sử dụng các biện pháp tương tự, song mỗi chuỗi bán lẻ lại có cách truyền thông khác nhau về tác động của thuế quan trong những báo cáo tài chính quý gần đây.
Walmart, khi công bố kết quả kinh doanh, đã thẳng thắn đề cập đến tác động của chiến tranh thương mại, khẳng định thuế quan cao hơn sẽ dẫn đến giá tiêu dùng tăng. Điều này ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ ông Trump, người đã yêu cầu nhà bán lẻ lớn nhất thế giới này "tự gánh chịu thuế quan" thông qua mạng xã hội. Vài ngày sau, Home Depot và Target lại tỏ ra thận trọng hơn nhiều khi đề cập đến việc tăng giá do thuế quan.
Theo các nhà phân tích bán lẻ, một số công ty sẵn sàng lên tiếng và chấp nhận rủi ro từ các quyết định chính sách của ông Trump hơn những doanh nghiệp khác. Nhà phân tích tại công ty tư vấn tài chính D.A. Davidson, ông Michael Baker nhận định các công ty hiểu rằng chính phủ sẽ có những phản ứng đối với bất cứ kiến nghị nào của họ.
Ông Trump từng nhắm vào Amazon sau thông tin "gã khổng lồ" bán lẻ này cân nhắc hiển thị chi phí thuế quan cộng thêm trên một số mặt hàng. Sau đó, ông cảnh báo về khả năng áp thuế 100% đối với hãng sản xuất đồ chơi Mattel sau khi Giám đốc điều hành (CEO) của Mattel, Ynon Kreiz, cho rằng thuế quan sẽ làm tăng giá đồ chơi tại Mỹ.
Một nguồn tin thân cận tiết lộ Walmart đã lường trước phản ứng của ông Trump nhưng vẫn quyết định công khai quan điểm vì nghĩa vụ với nhà đầu tư và để khách hàng không nghĩ rằng họ đang trục lợi từ thuế quan.
Trong khi đó, tầng lớp thu nhập thấp và trung bình - nhóm vốn phụ thuộc vào các mặt hàng giá rẻ từ châu Á - sẽ là đối tượng chịu thiệt lớn nhất. Một nghiên cứu từ Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) ước tính thuế quan có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ mất thêm 5.200 USD mỗi năm.
Còn Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia (NRF), nhóm thương mại chủ chốt của ngành này, đã lên tiếng khuyến cáo về tác hại của thuế quan đối với các gia đình Mỹ. NRF đã công bố ước tính riêng về việc người tiêu dùng sẽ phải trả thêm bao nhiêu cho các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như giày thể thao, máy nướng bánh mì và nệm. Vào ngày Tổng thống Trump công bố kế hoạch thuế quan "đối ứng", ông David French, Phó chủ tịch điều hành phụ trách quan hệ chính phủ của NRF, nhận định: "Càng có nhiều thuế quan, các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ càng đối mặt với nhiều lo lắng và bất ổn”.
Các nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện trên khắp nước Mỹ đang trì hoãn đơn hàng và "đóng băng" việc tuyển dụng lao động trong bối cảnh căng thẳng thương mại.
Những doanh nghiệp như Nike và Lululemon phải đối mặt với một lựa chọn bất khả thi: hoặc bù đắp chi phí thuế quan bằng cách tăng giá bán sản phẩm nhưng việc này có khả năng làm giảm doanh số, hoặc chịu chi phí tăng và tiếp tục gây sức ép lên biên lợi nhuận vốn đã mỏng.
Trong khi đó, các nhà bán lẻ toàn cầu đang tính đến phương án san sẻ chi phí thuế quan của Mỹ bằng cách tăng giá trên nhiều thị trường khác nhau. Mục đích là để tránh việc phải tăng giá quá mạnh tại Mỹ, điều có thể tác động tiêu cực đến doanh số.
Sự hiện diện toàn cầu mang lại lợi thế cho những nhà bán lẻ lớn trong việc giảm thiểu tác động từ chi phí thuế quan gia tăng tại Mỹ. Tuy nhiên, chiến lược này đang khiến các ngân hàng trung ương phải thận trọng, bởi nó có nguy cơ thổi bùng lạm phát ở những thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh, những nơi giá tiêu dùng vừa mới bắt đầu ổn định.
Khi các công ty đơn lẻ đứng mũi chịu sào trong cuộc chiến thương mại, sự im lặng của những nhóm vận động hành lang đại diện cho các nhà bán lẻ đang bị đặt dấu hỏi. Ông Jeffrey Sonnenfeld và Steven Tian từ Viện Lãnh đạo Điều hành Yale cho rằng việc thiếu một phản ứng tập thể từ giới doanh nghiệp cản trở khả năng phản đối thuế quan và những vấn đề khác có thể gây hại cho nền kinh tế. Họ kêu gọi các nhóm vận động hành lang đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy hành động tập thể vì nếu không thì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ "bị bỏ mặc".
Minh Hằng/TTXVN (Theo Bloomberg, CNN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/cac-nha-ban-le-mac-ket-giua-ap-luc-thue-quan-va-phan-ung-cua-tong-thong-my-20250524193235992.htm